Quan chức Mỹ: Kinh tế Nga sẽ còn ‘một nửa quy mô’ so với trước khi tấn công Ukraine
Minh Đăng -
21/03/2022 12:45 (GMT+7)
(VNF) - Ông Daleep Singh, Phó cố vấn an ninh Quốc gia về kinh tế quốc tế trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, cho biết nước này sẽ giáng thêm đòn trừng phạt lên Nga chứ không có ý định dỡ bỏ các đòn trừng phạt trước đó.
"Chúng tôi có thể mở rộng các lệnh trừng phạt, thực hiện các biện pháp mà chúng tôi đã tiến hành và áp đặt chúng lên nhiều mục tiêu và lĩnh vực hơn", ông Singh trả lời trong cuộc phỏng vấn với CBS News ngày 20/3.
Cụ thể, vị quan chức Mỹ cho biết những lĩnh vực có thể bị nhắm mục tiêu bao gồm ngân hàng, dầu mỏ, khí đốt và một vài ngành khác.
Ông Singh đồng thời dự đoán nền kinh tế Nga sẽ chỉ còn “một nửa quy mô” so với giai đoạn trước khi nước này triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Cho tới nay, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp loạt biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhằm gây áp lực chưa từng có tiền lệ lên Nga để Moscow dừng chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, các biện pháp này dường như chưa làm lung lay được quyết tâm của Điện Kremlin.
Đài CNN dẫn các nguồn tin ngoại giao tiết lộ EU đang xem xét gói trừng phạt thứ 5 áp lên Nga, có thể nhắm tới dầu mỏ. Dù vậy, phương Tây đang cảm thấy khó khăn hơn trong việc lựa chọn các gói trừng phạt mới nhắm vào Nga. Bởi họ vừa phải tung ra các đòn trừng phạt để cô lập Nga hơn nữa “và rút cạn các nguồn lực" mà Nga sử dụng cho chiến sự Ukraine khiến Nga phải từ bỏ chiến dịch này lại vừa phải đảm bảo không ảnh hưởng đến kinh tế của chính mình.
Theo nhận định của ông Sergey Katyrin, người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga (CCI), chấm dứt hợp tác với Nga sẽ khiến EU thiệt hại ít nhất khoảng 500 tỷ euro (551 tỷ USD) do thanh lý thương mại cộng với việc rút các khoản đầu tư.
Nhằm trả đũa trừng phạt từ phương Tây, Nga mới đây công bố danh sách 200 mặt hàng trong nhiều lĩnh vực bị cấm xuất khẩu, bao gồm nhiều loại thiết bị máy móc và phương tiện vận tải như toa xe lửa, container hay tuabin…
Nga cũng cấm xuất khẩu một số loại gỗ đến 48 quốc gia và vùng lãnh thổ bị đưa vào danh sách "không thân thiện" với nước này, bao gồm Mỹ và các nước EU.
Hiện điều đáng lưu tâm là liệu Nga có cắt giảm nguồn cung cấp dầu và khí đốt cho các quốc gia châu Âu hay không. Theo các nhà phân tích, điều này sẽ đẩy giá năng lượng và đẩy nền kinh tế của khu vực vào suy thoái.
Theo Phó Chủ tịch CCI Vladimir Padalko, trong năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Nga và EU đạt 282 tỷ USD, tăng 47% so với năm 2020.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.