Năm 2018, Tập đoàn Masan đạt lợi nhuận sau thuế kỷ lục 5.622 tỷ đồng

Anh Phan - 31/01/2019 16:35 (GMT+7)

(VNF) - Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HoSE: MSN, “Masan”) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2018. Theo đó, lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt mức kỷ lục 5.622 tỷ đồng. Biên lợi nhuận tăng 3,22 điểm% đạt 9,1%.

VNF
Năm 2018, Tập đoàn Masan đạt lợi nhuận kỷ lục 5.622 tỷ đồng.

Năm 2019, Masan kỳ vọng đà tăng trưởng sẽ tiếp tục mạnh ở tất cả các mảng kinh doanh với doanh thu thuần ước tính tăng 18-30% và Lợi nhuận thuần sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty tăng 44-58%.

“Với kết quả kinh doanh này, chúng ta đã hoàn thành xuất sắc năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm. Và đây mới chỉ là bước khởi đầu. Chiến lược trọng tâm của chúng ta đang khởi động đà tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm kế tiếp. Masan Consumer sẽ tiếp tục chiến lược “cao cấp hóa” (“premiumization”) bằng cách mở rộng danh mục sản phẩm bằng các sản phẩm cao cấp, cho phép đà tăng trưởng 20% mỗi năm. Với việc tung nhãn hiệu MEAT Deli - sản phẩm thịt sạch và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, Masan Nutri-Science đặt mục tiêu trở thành công ty dẫn đầu thị trường thịt heo trị giá 10,2 tỷ USD: cơ hội tăng trưởng cao với biên lợi nhuận của ngành hàng tiêu dùng", ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Masan Group chia sẻ.

"Masan Resources sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ cao để trở thành nhà sản xuất hóa chất vonfram và kim loại công nghiệp cao. Techcombank sẽ tập trung vào phục vụ đời sống tài chính của 100 triệu người Việt Nam, tối đa hóa nguồn thu nhập từ phí thông qua các dịch vụ tài chính ngân hàng. Mục tiêu chiến lược của Masan là thỏa mãn tối đa các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng Việt Nam. Chúng ta luôn kiên định với mục tiêu đó. Và chúng ta sẽ đạt được", ông Quang nhấn mạnh.

Trong số lợi nhuận kỷ lục mà MSN đạt được, lợi nhuận thuần sau thuế phân bổ cho cổ đông năm 2018 tăng 58,5% thành 4.916 tỷ đồng do thu nhập một lần từ việc “giả định” bán một phần tỷ lệ sở hữu trong Techcombank trong nửa đầu năm 2018. Lợi nhuận thuần sau thuế từ hoạt động cốt lõi trong năm 2018 phân bổ cho cổ đông đạt 3.478 tỷ đồng, tăng 57,1% so với năm 2017. Biên lợi nhuận tăng 9,1% từ 5,9% cùng kỳ năm 2017.

Trong số đó, Masan Consumer Holdings (“MCH”) dẫn đầu tăng trưởng của tập đoàn với doanh thu tăng 28,2% và biên EBITDA đạt 24,0% - tăng 3,65 điểm% so với năm 2017. Lợi nhuận tăng trưởng mạnh do chi phí hoạt động và quản lý bán hàng (SG&A) giảm 257 điểm, chi phí lãi vay giảm 16,4%. Lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi trong quý IV/2018 phân bổ cho cổ đông tăng 17,5% lên 1.149 tỷ đồng so với 978 tỷ đồng quý IV/2017, biên lợi nhuận quý IV/2018 đat 9,9%.

Báo cáo tài chính cũng công bố doanh thu thuần hợp nhất năm 2018 đạt 38.188 tỷ đồng, tăng 1,5% so với năm 2017. Nếu không bao gồm doanh thu của MNS, doanh thu thuần hợp nhất tăng 27,9% so với năm 2017; doanh thu MCH tăng 28,2%; doanh thu MSR tăng 27,0%; doanh thu MNS giảm 25,2% do hộ chăn nuôi heo tái đàn chậm hơn dự kiến.

Nhờ chiến lược “cao cấp hóa” ngành hàng thực phẩm, doanh thu từ sản phẩm cao cấp ngành hàng gia vị tăng trưởng khoảng 40% trong năm 2018, đóng góp 10% tổng doanh thu ngành hàng. Doanh thu ngành hàng gia vị tăng 34,9% trong năm 2018 và tăng 25,5% trong quý IV/2018 so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu từ sản phẩm cao cấp trong ngành hàng thực phẩm tiện lợi tăng trưởng khoảng 50% trong năm 2018, đóng góp khoảng 40% doanh thu ngành hàng. Doanh thu ngành hàng tăng 29,3% trong năm 2018 và tăng 17,4% trong quý IV/2018 so với cùng kỳ năm trước.

Với ngành hàng đồ uống, doanh thu thuần tăng 55,8% trong quý IV/2018 và tăng 36,4% trong năm 2018 so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mặt hàng nước tăng lực đóng vai trò chủ đạo, tăng khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2017: thương hiệu nước tăng lực Wake-Up 247 tăng mạnh với số điểm bán hàng tăng từ 75 nghìn điểm cuối năm 2017 lên 160 nghìn điểm vào cuối năm 2018.

Sản phẩm cà phê hòa tan đạt doanh thu 643 tỷ đồng trong quý IV/2018, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 11,5% cho cả năm.

Theo Masan, ngành hàng bia có kết quả kinh doanh chưa đáp ứng kỳ vọng của Ban Điều hành. Doanh thu thuần quý IV/2018 giảm 33,2% so với cùng kỳ năm 2017 và doanh thu cả năm chỉ tăng trưởng 23,3%. MCH đã xây dựng một đội ngũ bán hàng ở kênh hàng quán và Ban Điều hành Masan tin rằng đây là bước đi đúng để tăng doanh thu ngành bia.

Lĩnh vực thịt chế biến có doanh thu thuần quý IV/2018 tăng 24,5% nhưng cả năm 2018 giảm 4,8%. Sản phẩm đầu tiên hợp tác sản xuất với đối tác Jinju – xúc xích cao cấp “Ponnie” được tung ra vào quý IV/2018 với kết quả khả quan. Công ty cho biết sẽ tiếp tục tung các sản phẩm thịt chế biến mới trong năm 2019 để đáp ứng nhu cầu và khẩu vị của người tiêu dùng Việt Nam.

Điểm nhấn trong hoạt động kinh doanh 2018 của Masan nằm ở thành viên Masan Nutri-Science (MNS), bắt đầu hành trình trở thành công ty hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) bằng việc giới thiệu thương hiệu “MEAT Deli”. Sản phẩm được chế biến và đóng gói tại tổ hợp chế biến thịt Hà Nam với dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn BRC – tiêu chuẩn hàng đầu thế giới về vệ sinh an toàn thực phẩm. MEAT Deli được bán tại cửa hàng thịt MEAT Deli và chuỗi siêu thị Vinmart ở Hà Nội. Công ty dự kiến sẽ mở rộng kênh phân phối để đạt mục tiêu 5% đến 10% thị phần Hà Nội đến cuối năm 2019.

Lĩnh vực khai khoáng của tập đoàn với thành viên MSR đạt doanh thu thuần tăng 47,4% trong quý IV/2018 và tăng 27,0% trong năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017. Trong năm 2018, MSR đã mua lại 49% phần góp vốn của H.C.Starck tại Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo – H.C.Starck và nay đổi tên là Công ty TNHH Masan Tungsten (MTC).

Theo Masan, bước đi này đóng góp quan trọng trong việc nâng cao hiệu suất của MSR và kết quả đã được thể hiện trong quý IV/2018. MTC đang đầu tư để nâng công suất nhà máy sản xuất hóa chất công nghiệp vonfram lên 12.000 tấn. Quy mô này sẽ giúp MTC trở thành một trong những nhà sản xuất hóa chất công nghiệp vonfram lớn nhất thế giới.

Với hoạt động của Techcombank, năm 2018 ngân hàng đã ghi nhận kết quả kinh doanh đạt kỷ lục với lợi nhuận trước thuế (PBT) đạt mức 10.661 tỷ đồng, tăng 31% so với năm trước, cùng tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt hơn 16.927 tỷ VND, cao hơn 10% so với năm trước.

Trong năm 2019, Ban Điều hành dự báo doanh thu thuần năm 2019 dự kiến tăng 18% đến 30%. Trong đó doanh thu thuần của MCH tăng 20% đến 35%, với doanh thu ngành hàng gia vị và thực phẩm tiện lợi tăng trưởng mạnh do đóng góp của các sản phẩm cao cấp. Ngành hàng đồ uống dự đoán sẽ tiếp tục đà tăng trưởng của 2018. Yếu tố rủi ro chính nằm ở việc chậm tung hoặc tung sản phẩm chưa thành công và mảng bia tiếp tục gặp khó khăn.

Doanh thu thuần của MNS kỳ vọng tăng từ 20% đến 30% với doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi tăng từ 10% đến 15%. Mảng thịt kỳ vọng sẽ đóng góp 5% đến 10% doanh thu thuần của MNS. Yếu tố rủi ro chính với doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi là dịch bệnh heo bùng phát và với mảng thịt là độ phủ của kênh phân phối; Doanh thu thuần của MSR tăng từ 12% đến 22% do sản lượng bán tăng. Những yếu tố chính ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh bao gồm giá vonfram và giá thực hiện của đồng.

Tập đoàn cũng dự báo lợi nhuận thuần sau thuế phân bổ cho cổ đông đạt 5.000 tỷ đồng đến 5.500 tỷ đồng trong năm 2019, tăng 44% đến 58%, tương đương với biên lợi nhuận đạt trên 10%.

Đồng thời dự kiến lãi vay giảm khoảng 1.000 tỷ trong năm 2019 do tập đoàn đã trả khoảng 12.500 tỷ nợ gốc trong quý IV/2018, giảm nợ gốc khoảng 30% so với đầu năm 2018.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.