‘Năm năm nữa, Việt Nam là nơi cần đến của công nghiệp bán dẫn thế giới’
Kỳ Thư -
14/04/2024 05:58 (GMT+7)
(VNF) - Ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT nhận định, câu chuyện về ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay cũng tương tự như câu chuyện ngành phần mềm trước đây và chỉ 5 năm nữa thôi, Việt Nam sẽ là nơi cần đến, phải đến của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới.
Thiếu hụt nhân lực trên toàn thế giới
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) dự báo quy mô ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030 ước đạt 20 - 30 tỷ USD. Nhưng chỉ mới có hai doanh nghiệp nội là FPT và Viettel tham gia thị trường này ở công đoạn đầu tiên so với tổng số hơn 50 công ty trong ngành.
Về sản xuất, Việt Nam đã có nhà máy đóng gói và kiểm thử của một số tập đoàn lớn như Intel hay Amkor nhưng chưa có bất kỳ cơ sở chế tạo nào.
Các nhà hoạch định chính sách muốn đất nước có chỗ đứng trong bản đồ vi mạch bán dẫn toàn cầu vốn là sân chơi riêng của các nước có thu nhập bình quân trên 11.000 USD/năm, gấp gần 3 lần Việt Nam.
Trong bối cảnh nhiều nước châu Á cũng hạ quyết tâm làm chủ công nghệ cốt lõi này, theo tính toán của Bộ TT&TT, Việt Nam cần ít nhất 50.000 kỹ sư vào năm 2030, gấp 10 lần con số hiện nay, để có chỗ đứng trên bản đồ bán dẫn thế giới.
Ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng giám đốc Công ty CoAsia SEMI Vietnam chia sẻ mức lương của kỹ sư thiết kế chip bán dẫn tại Mỹ là 100.000-300.000 USD/năm.
“Tại Việt Nam, lương kỹ sư ngành này vào khoảng 10.000 - 100.000 USD/năm tùy vào kinh nghiệm. Sinh viên mới ra trường thường đã có mức lương khởi điểm khoảng 10.000 USD/năm, chưa kể thưởng tuỳ theo tình hình kinh doanh của cơ quan”, ông Yên chia sẻ.
Mức lương này được cho là cao hơn những ngành khác nhưng vẫn thấp hơn so với các nước phát triển như Mỹ. Với chi phí nhân công kỹ sư thiết kế chip bán dẫn thấp cùng các nền tảng tốt, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang và sẽ có nhu cầu tuyển dụng nhân sự từ Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội cho các bạn trẻ có mong muốn theo đuổi ngành nghề mới mẻ này.
Ông Yên cho biết, hiện nhân sự ngành này đang thiếu hụt trên toàn thế giới. Việc Việt Nam đào tạo được nguồn nhân lực tốt, trở thành nơi cung cấp nhân lực sẽ trở thành mỏ neo giữ các công ty đầu tư ở lại Việt Nam. Nguồn nhân lực càng nhiều và chất lượng thì mỏ neo càng lớn và chắc chắn để giữ dòng tiền đầu tư vào Việt Nam.
“Người trẻ rất năng động nhưng phải cần là thêm đam mê, kiên trì, kiên nhẫn bởi phải sau cỡ 10 năm mới bắt đầu thu quả ngọt. Trải qua 10 năm gian khổ này, tôi tin rằng các bạn trẻ nhất định sẽ có chỗ đứng trong ngành này. Giống như tôi trước đây, nếu không kiên trì, đã không có tôi của ngày hôm nay”, ông Yên nhấn mạnh.
Việt Nam đứng trước cơ hội lớn chưa từng có trong ngành bán dẫn
Về phần mình, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT cho biết câu chuyện về ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay cũng tương tự như câu chuyện ngành phần mềm trước đây.
“Nhiều người cho là hoang tưởng, điên rồ nhưng tôi rất tin tưởng vào tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực mới tiềm năng này”, ông Tiến nói và khẳng định: “Các bạn trẻ hiện nay không cần chờ tới 25 năm như chúng tôi. Chỉ 5 năm nữa thôi, Việt Nam sẽ là nơi cần đến, phải đến của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới”.
Ông Tiến cũng khẳng định Việt Nam có những nền tảng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện nay từ Chính phủ, các Bộ ban ngành, doanh nghiệp đã có những chiến lược, động thái mạnh mẽ để phát triển ngành này.
Về đào tạo, hiện Việt Nam đã đưa STEM vào các trường từ lớp 1 đến lớp 12. Một ưu điểm đặc biệt khác của người Việt Nam là tính kiên trì, kiên nhẫn. Người trẻ Việt Nam có khả năng tự học và tự học rất nhanh.
"Tôi làm FPT đã 31 năm và nhìn các bạn trẻ ở đây tôi có lòng tin như vậy. Chúng tôi có lòng tin sau 14-16 tháng đào tạo nghề, chúng ta có thể bắt đầu làm việc trong ngành thiết kế chip bán dẫn", ông Tiến tự tin cho biết.
Trong khi đó, ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn chưa từng có. Trước đây chúng ta đã xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch, rất muốn phát triển ngành nhưng chưa có cơ hội.
Hiện nay, cơ hội cho Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bán dẫn thế giới đến từ nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung ứng. Điều này đến từ bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc khiến các nước tại khu vực châu Á trở thành điểm đến. Việt Nam trở thành điểm sáng với địa chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào, nền tảng về STEM tốt.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone