Tài chính

‘Nâng hạng TTCK không phải là mong muốn nữa mà là bắt buộc’

(VNF) - Tại tọa đàm trực tuyến “Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp kênh đầu tư sinh lời và tích sản”, ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SHS, cho rằng với quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay thì câu chuyện nâng hạng không phải là mong muốn nữa mà là bắt buộc.

‘Nâng hạng TTCK không phải là mong muốn nữa mà là bắt buộc’

Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SHS

‘Nâng hạng TTCK không phải là mong muốn nữa mà là bắt buộc’

Tại tọa đàm, các khách mời là lãnh đạo các công ty chứng khoán, quản lý quỹ và đại diện các cơ quan nhà nước đều cho rằng thị trường chứng khoán (TTCK) đã có sự phát triển nhất định và giảm thiểu gánh nặng huy động động vốn cho ngân hàng.

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết cần xây dựng và phát triển TTCK thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế, cần gắn với TTCK trong khu vực, hội nhập với TTCK quốc tế, theo các thông lệ, chuẩn mực tốt trên quốc tế áp dụng vào xây dựng TTCK Việt Nam.

Ông Chi cho rằng cần tổ chức thị trường một cách hiệu quả, cơ cấu lại theo mô hình công ty mẹ, công ty con, thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và đưa đơn vị này đi vào hoạt động sớm nhất, tổ chức lại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán thành Tổng công ty Lưu ký chứng khoán và thanh toán bù trừ, đồng bộ công nghệ giao dịch và thanh toán chứng khoán, hướng đến nâng hạng thị trường trước năm 2025 theo tiêu chuẩn MSCI, FTSE.

Về chủ trương nâng hạng TTCK, ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SHS, cho rằng với quy mô của TTCK Việt Nam hiện nay thì câu chuyện nâng hạng không phải là mong muốn nữa mà là bắt buộc.

"Rõ ràng, sự phát triển của TTCK Việt Nam trong 2 năm qua dù có ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì vẫn có những chỉ số lạc quan. Quy mô TTCK hiện nay đã đạt 133% GDP, quy mô giao dịch thị trường từ mười mấy ngàn tỷ một phiên trong năm 2020 đến nay đã đạt 20.000 - 30.000 tỷ đồng/phiên. Nhà đầu tư tham gia thị trường trước chỉ đạt 1 triệu tài khoản, nay đạt 3,5 triệu tài khoản và khả năng sẽ cao hơn nữa", ông Vũ Đức Tiến cho biết tại tọa đàm.

Theo Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SHS, TTCK Việt Nam đang vận động đúng quy luật và hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu. Ngành tài chính nói chung và ngành chứng khoán đang thay đổi thông qua quá trình tái cơ cấu và độ nén trong nhiều năm nay. Với tiềm năng của Việt Nam về quy mô dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng GDP tốt hơn cộng với đà tăng sẽ đem đến quy mô vô cùng lớn cho TTCK.

Tại tọa đàm, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng giám đốc VNDirect, nhấn mạnh đến phát triển thị trường chứng khoán theo chiều sâu, nâng cao chất lượng và thanh khoản, trong đó thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP (điều chỉnh) năm 2025 và 110% GDP năm 2030.

Theo ông Quỳnh, TTCK cần phát triển theo chiều sâu để tạo ra sự phát triển bền vững. Nếu phát triển nóng mà không nâng chất sẽ tạo ra khủng hoảng. "Sự phát triển của TTCK đã giúp việc tái cấu trúc thị trường rất thành công, tạo ra nền tảng nâng chất lượng hàng hóa trong đó việc đưa các ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán đã tạo nguồn cung chất lượng cao", ông Quỳnh nói.  

Tổng giám đốc VNDirect cho rằng việc tìm ra những doanh nghiệp có năng lực quản trị và năng lực kinh doanh tốt tham gia vào TTCK sẽ đem đến cơ hội cho nhà đầu tư, giúp dòng vốn luân chuyển hiệu quả và tích cực.

Xu hướng bán ròng của khối ngoại có đáng ngại?

Tại tọa đàm, một số chuyên gia có đề cập đến sự dịch chuyển dòng vốn, trong đó cơ cấu vốn ngoại chiếm tỷ trọng nhỏ, còn nhà đầu tư cá nhân đang lớn lên.

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, xu hướng bán ròng của khối ngoại không chỉ diễn ra ở thị trường Việt Nam mà là xu hướng mới nổi trên toàn cầu, không hoàn toàn đến từ tình hình kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.

“Tại thị trường Việt Nam, trong năm 2020, khối ngoại đã bán ròng 19.000 tỷ đồng và tính tới nay đã bán ròng khoảng 49.000 tỷ đồng”, Tổng giám đốc VNDirect cho biết.

Ở các nước phát triển như Mỹ hay các quốc gia ở châu Âu, dù bị tác động mạnh bởi Covid-19 nhưng nhờ vaccine nên tốc độ phục hồi kinh tế nhanh. Khi dịch Covid-19 lan rộng hơn ở châu Á và Việt Nam không tránh khỏi những ảnh hưởng nặng nề, tác động đến khoản đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài nên xuất hiện tình trạng rút vốn khỏi khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng để trở về khu vực châu Âu và Mỹ.

“Trong nguy luôn có cơ, xu hướng này không tác động đều lên toàn bộ doanh nghiệp ngành nghề, vẫn có nhiều cơ hội. Thời gian qua, các doanh nghiệp lớn đầu ngành ở nhiều lĩnh vực đã gia tăng thị phần, tăng hiệu quả hoạt động”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh nhận định.

Theo Tổng giám đốc VNDirect, cầu của thị trường trước đây phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư nước ngoài, nhưng hiện nay nhà đầu tư trong nước cũng đạt số lượng không nhỏ, nhu cầu và tiềm năng phát triển của TTCK rất lớn.

“Trong 100 triệu dân, mới chỉ có 1% dân số tham gia thị trường, trong khi quy mô thị trường đạt giá trị 2 tỷ USD/ngày và chiếm 80% trong đó là các nhà đầu tư cá nhân cho thấy tiềm năng các nhà đầu tư trong nước là rất lớn”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh chia sẻ.

Tin mới lên