Thủ tướng: 'Ngành chứng khoán cần có khát vọng sớm nâng hạng lên thị trường mới nổi'

Thanh Long - 20/07/2020 12:22 (GMT+7)

(VNF) - Thủ tướng cho rằng ngành chứng khoán cần có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, đưa TTCK Việt Nam sớm nâng hạng thành thị trường mới nổi, có chất lượng và năng lực cạnh tranh cao, mang tầm vóc khu vực và toàn cầu.

VNF
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh TTCK là phong vũ biểu của nền kinh tế, là bộ phận quan trọng của kinh tế thị trường, với vai trò là một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả của nền kinh tế, là cửa sổ hội nhập, liên thông với các thị trường tài chính – tiền tệ quốc tế.

"Vì vậy, xây dựng và phát triển TTCK được xác định là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình đổi mới, hội nhập của đất nước, đã được khẳng định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 1996 – 2000 được đại hội Đảng lần thứ 8 thông qua. Đó là mở rộng việc phát hành trái phiếu, cổ phiếu và xúc tiến chuẩn bị về thể chế, cán bộ và các điều kiện cần thiết cho việc thiết lập TTCK và bảo đảm hoạt động lành mạnh của thị thường này", Thủ tướng cho biết.

Cách đây đúng 20 năm, ngày 20/7/2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM đã khai trương ngay chính tại TP. HCM, nơi mà theo Thủ tướng, vừa là trung tâm, vừa là đàu tàu phát triển kinh tế năng động, sáng tạo, định hướng phát triển thành trung tâm tài chính – tiền tệ của cả nước, mang tầm khu vực, quốc tế.

"Từ một trung tâm giao dịch chứng khoán với 2 doanh nghiệp niêm yết, đến nay, chúng ta đã có hơn 1.600 doanh nghiệp niêm yết đăng ký giao dịch trên 2 sở giao dịch với giá trị vốn hóa trên 4 triệu tỷ đồng, tương đương 65% GDP. Đồng thời chúng ta cũng phát triển mạnh thị trường trái phiếu chính phủ với quy mô 20% GDP, hỗ trợ đắc lực huy động vốn cho ngân sách nhà nước và được đánh giá là thị trường trái phiếu chính phủ phát triển tốt nhất khu vực", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay.

Cùng với đó, TTCK phái sinh dù mới ra đời hơn 2 năm nhưng cũng hứa hẹn đầy tiềm năng phát triển.

Theo Thủ tướng, TTCK Việt Nam dù non trẻ nhưng đã kiên cường vượt qua thử thách của nhiều cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ, suy thoái kinh tế khu vực cũng như toàn cầu, đặc biệt là giai đoạn hiện nay chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 nhưng được đánh giá là một trong những thị trường hồi phục nhanh nhất và ổn định nhất trong khu vực.

"Trong 10 năm gần đây, tổng số vốn huy động của thị trường chứng khoán đạt trên 2,4 triệu tỷ đồng, tương đương 14% tổng mức đầu tư toàn xã hội. Đây cũng là bệ phóng cho nhiều doanh nghiệp trong huy động nguồn lực để phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế và từng bước mang tầm vóc khu vực, quốc tế như Vietcombank, Vinamilk, FPT, Vingroup... và nhiều doanh nghiệp tên tuổi khác", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới trong trạng thái bình thường mới. Với những thời cơ thuận lợi nhưng cũng nhiều khó khăn thách thức, nhất là tác động của đại dịch Covid-19 gây nên suy thoái kinh tế toàn cầu nặng nề nhất từ sau đại suy thoái 1929 – 1933, trong bối cảnh nước ta đã sớm kiểm soát thành công dịch bệnh, chúng ta cần tận dụng hiệu quả cơ hội có một không hai này để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là thu hút mạnh mẽ các nguồn lực trong nước, các luồng luân chuyển vốn trong khu vực và toàn cầu để đáp ứng nhu cầu vốn rất lớn để phát triển kinh tế cả trước mắt và lâu dài.

"Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra đối với TTCK sau 20 năm hoạt động là cần có sự phát triển đột phá cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, chia sẻ nhiệm vụ huy động vốn với hệ thống tín dụng ngân hàng, góp phần phát triển hệ thống doanh nghiệp hiệu quả hơn nữa, bền vững hơn nữa.

Ngành chứng khoán cần có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, đưa TTCK Việt Nam sớm nâng hạng thành thị trường mới nổi, có chất lượng và năng lực cạnh tranh cao, mang tầm vóc khu vực, toàn cầu, qua đó góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phấn đấu, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp, hiện đại, phát triển thịnh vượng trong thời gian 20 năm tới và tầm nhìn đến 2045", Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghi thức đánh cồng kỷ niệm 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam và HoSE. Ảnh: VGP

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt 7 nhiệm vụ chủ yếu.

Một là, cần có tư duy đột phá và huy động quyết liệt trong việc sớm hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách cho việc phát triển đồng bộ thị trường tài chính, tiền tệ nói chung và TTCK nói riêng. Ngay trong năm nay, phải ban hành đồng bộ hệ thống nghị định và các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; nghiên cứu sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan khác trong thời gian tới.

"Yêu cầu đặt ra đối với hệ thống quy định pháp luật là phải thực sự có tinh thần đổi mới, có tầm nhìn trung và dài hạn, tạo dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi và cơ hội công bằng, bình đẳng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư", Thủ tướng nói.

Thứ hai là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ để bảo đảm sự phát triển nhịp nhàng, đồng bộ các thị trường, trong đó có thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ và thị trường bảo hiểm; hướng tới cơ cấu các thị trường hoàn chỉnh để phát huy sức mạnh tổng hợp trong huy động các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ba là, thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển nhanh quy mô chất lượng của thị trường, trong đó đẩy nhanh cổ phẩn hoá DNNN gắn với niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán, thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân niêm yết trên thị trường, tăng cường công khai, minh bạch, bảo vệ nhà đầu tư áp dụng các chuẩn mực quốc tế về thị trường, dịch vụ tài chính, kế toán kiểm toán và các thông lệ tốt nhất về quản trị doanh nghiệp.

Bốn là, sớm hoàn thiện cơ cấu tổ chức thị trường chứng khoán bảo đảm hạ tầng kỹ thuật cho phát triển thị trường ổn định, an toàn, bền vững, chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, tổ chức hệ thống giao dịch phù hợp, hiệu quả đối với cổ phiếu, trái phiếu và các sản phẩm khác, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Năm là, tăng cường năng lực và tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và thực thi pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường. Củng cố, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với các bộ, ngành, cơ quan chức năng; nâng cao năng lực phân tích, dự báo, kịp thời có đối sách, giải pháp phù hợp với những biến động bất thường trên thị trường quốc tế, trong nước; bảo đảm an ninh, an toàn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính, tiền tệ nói chung.

Sáu là, tập trung đổi mới một cách căn bản hệ thống công nghệ thông tin và ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ hiệu quả hệ thống giao dịch, thanh toán, giám sát và nâng cao hiệu quả hoạt động của các dịch vụ tài chính, chứng khoán; sớm nghiên cứu, triển khai thực hiện số hóa tài sản giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Bảy là, chủ động hội nhập với thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán khu vực quốc tế; bảo đảm tiệm cận với các thông lệ và chuẩn mực tốt nhất. Phấn đấu sớm nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi; đưa thị trường chứng khoán Việt Nam thành điểm đến an toàn, tin cậy, hiệu quả của các tổ chức tài chính quốc tế, các nhà đầu tư lớn trong khu vực, toàn cầu; góp phần từng bước phát triển các trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, quốc tế ở nước ta.

"Tôi tin tưởng rằng, với sức trẻ tuổi 20 với những kinh nghiệm, thành quả quý giá đã tích lũy trong nhiều năm, ngành chứng khoán và thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ đi trước đã để lại, có đủ điều kiện và sẵn sàng vượt qua sóng gió để tiếp tục ra khơi, chinh phục biển lớn, như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí, ắt làm nên” ", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.

Cùng chuyên mục
Tin khác