Tiêu điểm

Nâng tầm văn hóa lì xì năm mới: Tặng sách, tặng cây thay cho tiền mặt

(VNF) - Thay vì chỉ tặng tiền vào dịp năm mới, ngày càng có nhiều hình thức lì xì mới, mang nhiều ý nghĩa giáo dục và nhân văn.

Nâng tầm văn hóa lì xì năm mới: Tặng sách, tặng cây thay cho tiền mặt

Đa dạng lì xì

Thời gian gần đây, nhiều người đã chọn lì xi bằng sách. Tại Phố sách xuân Quý Mão 2023 diễn ra tại Hà Nội, cách lì xì này đã và đang được nhiều người áp dụng.

Lì xì sách đã trở thành một nét văn hóa mới, vừa là tặng quà cho trẻ con, vừa khuyến khích trẻ đọc sách. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Thái Hà Books, Tết là một dịp rất tốt để đọc sách.

Theo đó, nhiều người yêu thích đọc đã thực hiện Tết Sách như một nét đẹp văn hóa mới bên cạnh những lễ tết truyền thống của dân tộc, áp dụng văn hóa mừng tuổi bằng sách để khuyến khích trẻ em đọc sách.

Bên cạnh đó, nhiều công ty sách, nhà xuất bản đã ủng hộ Tết Sách, treo banner mừng Tết Sách, mua sách và giỏ quà sách để tặng, để lì xì rồi khuyến khích các em thiếu nhi dùng một phần tiền mừng tuổi để mua sách. Đây là một tín hiệu đáng mừng và mong ngày càng nhiều người thực hiện văn hóa lì xì sách, để lan tỏa văn hóa đọc tới thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh (Chủ tịch Saigon Books) có ước mơ là người Việt Nam sẽ đọc sách nhiều hơn, và ông cho rằng sẽ tuyệt vời hơn khi lì xì ngày Tết bằng sách được nhiều người hưởng ứng.

“Theo tôi, không nên bỏ tục lì xì, vì đó là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Nhưng chúng ta có thể giữ sao cho đúng với tinh thần ngàn xưa của cha ông mà không bị biến tướng, bằng cách thay vì tiền, ta lì xì sách... Sẽ tuyệt vời hơn, khi lì xì ngày Tết bằng sách được nhiều người hưởng ứng. Tôi nghĩ rằng, mỗi cuốn sách được tặng sẽ là một món quà đặc biệt với người nhận. Cuốn sách ấy sẽ gợi mở những câu chuyện thú vị, giúp người đọc có thêm cảm hứng trong năm mới”, ông chia sẻ.

Bên cạnh lì xì bằng sách, đang có thêm những hình thức lì xì mới. Tết này, chương trình “Trồng và Phục hồi Rừng Việt Nam” của Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS) cũng đã đưa ra lời kêu gọi lì xì bằng… cây.

Theo đó, VARS kêu gọi mọi người tham gia TẾT TRỒNG CÂY bằng cách góp một cây hoặc mừng tuổi người thân một cây vào tài khoản ngân hàng. Sau gần 2 năm thành lập, VARS đã trồng được hơn 322 ha rừng đầu nguồn tại Quảng Bình và Quảng Trị.

Tính tới ngày 20/11/2022, VARS đã nhận được 1.924 lượt đóng góp từ 1.905 cá nhân và 19 tổ chức với số tiền hơn 7,5 tỷ đồng. Những người tổ chức chương trình hy vọng sẽ nhận được các khoản "mừng tuổi bằng cây" để tiếp tục chương trình phục hồi rừng đầy ý nghĩa đang được triển khai lâu nay.

Nâng tầm văn hóa

Theo PSG.TS Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, "tiền mừng tuổi" hay "lì xì" thường không nhiều nhưng bao giờ cũng phải là tiền mới, chủ yếu là để lấy may trong dịp đầu xuân năm mới.

"Tiền mừng tuổi" hay "tiền mở hàng" là cách gọi của người miền Bắc. Tiền mừng tuổi cho trẻ em trong miền Nam gọi là "lì xì". Sau năm 1975, khi đất nước được thống nhất, sự phát triển kinh tế kéo theo sự lan tỏa, giao thoa văn hóa giữa hai miền Nam-Bắc, cách gọi "lì xì" dần được phổ biến hơn, cùng nghĩa với "mừng tuổi".

"Theo quan niệm xưa, đồng tiền mừng tuổi đó sẽ làm sinh sôi nảy nở thêm ra những đồng tiền khác. Nếu bỏ ra mua bán gì đó thì sẽ mất đi sự may mắn", PSG.TS Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ.

Tuy nhiên, cùng với nhịp sống hiện đại, phong tục mừng tuổi hay lì xì đầu năm mới không còn giữ được giá trị ngày xưa. Những đồng tiền mừng tuổi, "mở hàng" đang dần dần bị vật chất hoá. Mọi người dần quan tâm đến giá trị mệnh giá của "lõi" lì xì thay vì những giá trị tinh thần. Mừng tuổi hay lì xì ngày Tết đang dần bị biến tướng do sự thực dụng của một số người trong cuộc sống hiện đại.

Thậm chí, lì xì dần trở thành công cụ ngoại giao, duy trì các mối quan hệ. Bởi, mừng tuổi ít hơn người ta thì sợ bị coi thường, mừng với giá trị cao hơn thì sợ "lỗ" nên phải mừng bằng người ta cho "phải phép" và "lịch sự".

Vẫn theo PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, nếu các phụ huynh có suy nghĩ lệch lạc về lì xì thì rất khó để con cái có thể có suy nghĩ đúng đắn để góp phần gìn giữ nét văn hóa tốt đẹp này.

Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải để cho con trẻ hiểu đủ, hiểu đúng về ý nghĩa tinh thần cao đẹp của hoạt động “lì xì”, trả nó về với đúng nghĩa nhân văn cao đẹp truyền thống.

"Tóm lại là chúng ta vẫn nên duy trì phong tục mừng tuổi đầu năm. Nhưng điều quan trọng nhất là phải có các công việc truyền thông, giáo dục trong nhà trường và cả tại các gia đình cho những thế hệ sau biết được ý nghĩa cao quý của phong tục này: trao cho nhau sự may mắn, trao cho nhau sự tốt lành. Và mong muốn sự may mắn, tốt lành ấy sẽ làm nên một năm mới an khang, thịnh vượng, chứ đừng vật chất hóa đồng tiền mừng tuổi ngày tết, rồi mang tiêu đi", ông nói.

Từ khoá: lì xì, Thái Hà Books,
Tin mới lên