NATO lại đe dọa trừng phạt Nga nếu không tuân thủ hiệp ước INF

Chu La - 16/07/2019 18:23 (GMT+7)

(VNF) - Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đe dọa trừng phạt nếu Nga từ bỏ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Mỹ.

VNF
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

“Nga không thể hiện dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ trở lại tuân thủ hiệp ước hạt nhân INF trước hạn chót ngày 2/8. Nếu Nga không tiếp tục duy trì INF, chúng tôi sẽ đáp trả bằng một phương pháp có thể đo lường với sức răn đe đáng tin cậy và hiệu quả”, hãng tin Sputnik dẫn lời phát biểu của ông Stoltenberg ngày 15/7.

Trước đó, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini ngày 14/7 cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc đối với những diễn biến liên quan đến Hiệp ước INF khi nó có thể chấm dứt vào ngày 2/8”.

“Những ngày sắp tới là cơ hội cuối cùng để đối thoại và tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm bảo tồn yếu tố quan trọng đối với cấu trúc an ninh của châu Âu này”, bà Mogherini nói.

Hiệp ước INF, được ký kết năm 1987, là thỏa thuận giữa chính phủ Mỹ và Liên Xô nhằm loại bỏ việc phát triển, triển khai hoạt động các loại tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Theo đó, Liên Xô và Mỹ thống nhất loại bỏ các tên lửa hạt nhân và thông thường, bệ phóng trên mặt đất có tầm bắn từ 500-1.000 km (tầm ngắn), 1.000-5.500 km (tầm trung). Hiệp ước không bao gồm các loại tên lửa đạn đạo, hành trình phóng từ biển.

Ngày 2/2, Mỹ chính thức đình chỉ tham gia hiệp ước này. Washington cho rằng Moscow đã vi phạm Hiệp ước, chế tạo tên lửa hành trình "Novator 9M729" được đặt trên mặt đất cho tổ hợp Iskander.

Cùng ngày, đáp lại quyết định của Mỹ, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga cũng quyết định đình chỉ tham gia Hiệp ước.

Mới đây, ông Putin ngày 3/7 đã thông qua dự luật về việc nước này chính thức tạm ngưng tuân thủ hiệp ước INF.

Hai quan chức cấp cao trong trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/6  cho hay phái đoàn Nga và Mỹ sẽ gặp nhau trong tuần này tại Geneva, Thụy Sĩ để thảo luận về kiểm soát vũ khí và khả năng mời Trung Quốc tham gia đàm phán cho một hiệp ước vũ khí hạt nhân ba bên mới,

Ý tưởng này được ông Trump đưa ra trong cuộc gặp Tổng thống Nga Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật hồi cuối tháng 6. Ông chủ Nhà Trắng cũng phát tín hiệu tới Chủ tịch Trung Quốc về hiệp ước kiểm soát vũ khí ba bên. Tổng thống Nga tỏ ý quan tâm đến đề xuất, trong khi Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ khả năng tham gia thỏa thuận với Moscow và Washington.

Xem thêm >> Huawei cắt giảm 1000 nhân viên tại Mỹ, đầu tư 3,1 tỷ USD vào Italy

Theo Sputnik
Cùng chuyên mục
Tin khác