NCB đại hội cổ đông bất thường, quyết phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn

T.L - 17/01/2020 21:18 (GMT+7)

Hôm nay (17/01/2020), tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB – mã chứng khoán NVB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường năm 2020 nhằm thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ năm 2020.

VNF
Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020 của NCB.

Tại Đại hội cổ đông bất thường hôm nay, các cổ đông đã thông qua Báo cáo về kết quả tăng vốn điều lệ năm 2019 và Tờ trình phương án phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ năm 2020.

Thảo luận tại Đại hội, các thành viên HĐQT, cổ đông đều nhất trí cho rằng, năm 2019, NCB tăng vốn thành công lên hơn 4.102 tỷ đồng, giúp ngân hàng có thêm nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa công nghệ thông tin, phát triển sản phẩm dịch vụ hiện đại cũng như tăng cường quản trị rủi ro…

Kết thúc năm 2019, tổng tài sản của NCB ước đạt trên 80.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế vượt mức kế hoạch đề ra - tạo nền tảng vững chắc để NCB tiếp tục phát triển và bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2020.

Giai đoạn 2020 - 2025, để thực hiện các mục tiêu chiến lược đã đề ra, việc tiếp tục tăng vốn là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, HĐQT quyết định chọn phương án tăng vốn điều lệ năm 2020 thông qua bán cổ phần cho cán bộ nhân viên và cổ đông hiện hữu.

Được biết, ngoài tăng vốn bằng bán cổ phần cho cán bộ, nhân viên và cổ đông hiện hữu, hiện rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm tới NCB. Trong năm 2019, lãnh đạo NCB đã có nhiều buổi gặp gỡ với hai nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Singapore. Hai nhà đầu tư này mong muốn tham gia mua cổ phần của NCB trong đợt phát hành cổ phiếu mới nhằm tăng vốn điều lệ cho nhà băng. Trước khi tìm kiếm và lựa chọn hai nhà đầu tư này, NCB đã xây dựng các tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược phù hợp với nhu cầu và đặc điểm thực tế của mình, gồm: tổng tài sản, lợi nhuận ròng, lĩnh vực hoạt động, kinh nghiệm hoạt động quốc tế, xếp hạng tín nhiệm độc lập quốc tế, hòa hợp văn hóa doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp... 

Nếu kế hoạch tăng vốn thành công, NCB sẽ có sự bứt phá, tiến lên nhóm ngân hàng có quy mô vốn tầm trung. Bước đi này nằm trong chiến lược kinh doanh của ngân hàng khi tập trung mọi nguồn lực để nâng cấp cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin; phát triển ngân hàng bán lẻ và ngân hàng số (Digital Banking); mở rộng mạng lưới cũng như tăng cường quản trị rủi ro thời gian qua.

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác