Thị trường

Nga - EU liên tiếp trừng phạt lẫn nhau: 'Ăn miếng trả miếng' và 'tự bắn vào chân mình'

(VNF) - Nga và châu Âu liên tục đáp trả nhau bằng việc gia hạn các lệnh trừng phạt lên đối phương khiến nền kinh tế thế giới cũng "khó thở" theo.

Nga - EU liên tiếp trừng phạt lẫn nhau: 'Ăn miếng trả miếng' và 'tự bắn vào chân mình'

Các lệnh trừng phạt Nga và châu Âu

Đôi bên cùng “ăn miếng trả miếng”

Ngày 20/7, Tổng thống Nga ký sắc lệnh gia hạn các hạn chế thương mại hàng hóa và nguyên liệu thô với các quốc gia “không thân thiện” cho đến ngày 31/12/2025. Danh sách các quốc gia này bao gồm Mỹ và những nước áp đặt lệnh trừng phạt Nga.

Lệnh hạn chế của Nga lần đầu tiên được đưa ra vào tháng 3/2022 và ban đầu có hiệu lực đến cuối năm ngoái. Sắc lệnh này được Nga áp dụng ngay sau khi bị các quốc gia phương Tây trừng phạt do chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Theo đó, Nga cấm xuất khẩu các mặt hàng hóa như thiết bị công nghệ, máy móc nông nghiệp, viễn thông và y tế, phương tiện cùng một số nguyên liệu thô có trong danh sách của Chính phủ.

Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen

Ở một diễn biến có liên quan, Nga cũng đã rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc “Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen” vào ngày 17/7. Điện Kremlin cho biết Nga sẽ quay trở lại với thỏa thuận này ngay lập tức nếu được đáp ứng các yêu cầu về xuất khẩu ngũ cốc và phân bón.

Cũng trong ngày 20/7, Hội đồng châu Âu tuyên bố “các biện pháp hạn chế nhắm vào những lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế Liên bang Nga” sẽ được kéo dài thêm 6 tháng, cho đến ngày 31/1/2024.

Các biện pháp hạn chế châu Âu áp đặt lên Nga liên quan đến các lĩnh vực thương mại, tài chính, công nghệ và hàng hóa sử dụng kép, vận tải, công nghiệp và hàng xa xỉ. Ngoài ra, châu Âu còn gia hạn lệnh cấm nhập khẩu/vận chuyển dầu thô bằng đường biển và một số sản phẩm dầu mỏ từ Nga sang EU, chặn một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính SWIFT, đình chỉ hoạt động phát sóng và giấy phép của một số phương tiện truyền thông Nga.

EU lần đầu tiên đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga vào năm 2014 nhằm đáp trả việc Nga trưng cầu dân ý và sáp nhập Crimea. Đến tháng 2/2022, EU tiếp tục gia tăng áp lực lên Nga với gói trừng phạt mới. Tính đến nay, phương Tây đã áp đặt 11 gói trừng phạt “mạnh mẽ và chưa từng có” đối với Moscow.

“Tự bắn vào chân” và hiệu ứng domino toàn cầu

Đã hơn một năm trôi qua kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Căng thẳng Nga – Ukraine và những đòn đáp trả của Nga lẫn châu Âu đã tạo ra một vết nứt trong nền kinh tế toàn cầu vốn chưa được “chữa lành” sau đại dịch Covid-19.

Kinh tế Nga bị ảnh hưởng không nhỏ trước các lệnh trừng phạt của phương Tây

Theo Ngân hàng Thế giới, kinh tế Nga đã và đang bị ngấm đòn sau khi phải hứng chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt từ phía châu Âu. Năm 2022 là một năm tồi tệ với nền kinh tế Nga khi GDP của Nga giảm 2,1%. Nền kinh tế Nga có thể tiếp tục suy giảm trong năm nay, với GDP được dự báo sẽ giảm 2,5% theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hoặc 0,2% theo Ngân hàng Thế giới.

Vào tháng 9/2022, Viện Dự báo Kinh tế Quốc gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã công bố một đánh giá, trong đó thừa nhận cú sốc từ lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của nền kinh tế. Khó khăn trong việc có được nguyên liệu và linh kiện là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất.

Dầu mỏ cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Các lệnh trừng phạt nhắm vào nhập khẩu dầu của châu Âu có hiệu lực vào tháng 12 năm ngoái đã khiến nguồn thu từ dầu mỏ của Nga bị hạn chế đáng kể.

Lợi nhuận từ dầu mỏ của Nga giảm đáng kể

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm tới 25% trong tháng 1/2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm trong tháng 2 thậm chí còn lên tới hơn 40% (so với cùng kỳ năm ngoái).

Không dừng lại ở đó, nền kinh tế Nga còn phải chịu nhiều “chấn thương” khác như giá trị đồng Rúp sụt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 15 tháng qua (tính đến tháng 6/2023), thặng dư tài khoản vãng lai suy yếu, nền công nghiệp ô tô lao dốc cùng làn sóng di cư và chảy máu chất xám.

Ở chiều ngược lại, châu Âu cũng không mấy vui vẻ trước các lệnh hạn chế của Nga. Trước cuộc chiến Nga – Ukraine, nền kinh tế châu Âu được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh và quay về thời tiền đại dịch. Tuy nhiên, cuộc chiến Nga – Ukraine khiến châu Âu “tự bắn vào chân mình”.

Tờ Reuters cho hay, ngay sau khi châu Âu gia tăng lệnh trừng phạt Nga vào hồi tháng 2/2022, kinh tế châu Âu đã phải đối mặt với nguy cơ suy thoái trầm trọng khi lạm phát vượt mức 10% ở nhiều nước thành viên.

Nền kinh tế châu Âu bị thương tổn

Trong quý IV năm ngoái, 6 nền kinh tế ở châu Âu ghi nhận mức tăng trưởng âm, trong đó có Đức với mức tăng trưởng -0,2% và Italy với mức tăng trưởng -0,1%. Đây là hai nền kinh tế bị giáng đòn nặng nề từ cuộc chiến Nga – Ukraine khi cùng phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga và xuất khẩu.

Quyết định cấm vận dầu khí Nga khiến châu Âu tự đưa mình vào thế “khát năng lượng trầm trọng”. Nguồn cung khí đốt giá rẻ của Nga bị chặn đứng khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng chóng mặt, kéo theo giá bán của nhiều mặt hàng tăng kỷ lục. Đơn cử như tại Đức và Pháp, giá điện năm 2022 đã tăng gấp 10 lần so với một năm trước khi EU tăng cường trừng phạt Nga.

Vào tháng 4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết người tiêu dùng ở châu Âu đang phải mua hàng hóa đắt hơn 10% do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt Nga mà chính phương Tây đưa ra.

Châu Âu phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng

Không chỉ riêng Nga và châu Âu, cú sốc chiến tranh Nga – Ukraine cùng nhiều cuộc khủng hoảng khác đã góp phần tạo ra những “cơn gió nghịch” đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong bản cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) vào tháng 1/2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo xu hướng tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm xuống còn 2,9% trong năm 2023.

Đi cùng với đó, cuộc xung đột Nga – Ukraine và các lệnh trừng phạt của cả hai bên đã góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát ở nhiều nền kinh tế trên thế giới. Ông Hamid Rashid thuộc Cục các vấn đề Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc tin rằng cuộc xung đột Nga – Ukraine là một cú sốc lớn đối với nền kinh tế thế giới.

Cuộc xung đột khiến thương mại toàn cầu bị phân mảnh. Thiệt hại từ cuộc xung đột này ước tính lên tới hơn 1.600 tỷ USD với khoảng 30% việc làm bị xóa sổ, đi kèm tình trạng khủng hoảng năng lượng và lương thực.

Thế giới đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực

Chưa kể, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc Nga rút khỏi thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen có thể làm gia tăng thêm tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu. Từ đó, giá lương thực sẽ bị đẩy lên cao, gây nhiều khó khăn cho các nước có thu nhập thấp và các nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực.

Tuy nhiên, ở một góc độ tích cực, cuộc chiến Nga – Ukraine và các đòn đáp trả của Nga lẫn phương Tây đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh. Ông Spencer Dale - nhà kinh tế trưởng của Tập đoàn dầu khí BP lớn thứ 4 thế giới chia sẻ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) rằng cuộc chiến Nga – Ukraine đã thúc đẩy mối lo ngại ngày càng tăng về an ninh năng lượng, khiến các quốc gia xem xét sử dụng các nhiên liệu phi hóa thạch nhiều hơn, như quang điện, điện gió hay điện hạt nhân.

Tin mới lên