Nga muốn hiệp ước hạt nhân tầm trung có thêm Trung Quốc, NATO

Chu La - 02/11/2018 17:13 (GMT+7)

(VNF) - Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov mới đây đã tiết lộ với Sputnik rằng Nga từng đưa ra sáng kiến biến Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) thành hiệp ước đa phương từ 10 năm trước nhưng đã bị khước từ.

VNF
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump.

“Chúng tôi đã đưa ra đề xuất này với các nước NATO bao gồm Anh và Pháp, các quốc gia hạt nhân. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, họ nói với chúng tôi rằng không nước nào còn sở hữu loại tên lửa như trong quy định của INF và họ không cần phải tham gia hiệp ước. Chúng tôi đã bị khước từ và không thể biến INF trở thành hiệp ước đa phương”, ông Antonov cho hay.

Đại sứ Nga tuyên bố rằng: “Nga đã và đang ủng hộ việc biến hiệp ước hạt nhân trở thành đa phương”. Tuy nhiên ông vẫn khẳng định rằng không chỉ Trung Quốc mà toàn bộ các nước NATO nên tham gia hiệp ước này.

Hiệp ước INF, được ký kết năm 1987, là thỏa thuận giữa chính phủ Mỹ và Liên Xô nhằm loại bỏ việc phát triển, triển khai hoạt động các loại tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Theo đó, Liên Xô và Mỹ thống nhất loại bỏ các tên lửa hạt nhân và thông thường, bệ phóng trên mặt đất có tầm bắn từ 500-1.000 km (tầm ngắn), 1.000-5.500 km (tầm trung). Hiệp ước không bao gồm các loại tên lửa đạn đạo, hành trình phóng từ biển.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/10 tuyên bố rút khỏi INF, cho rằng Nga liên tục vi phạm thỏa thuận này bằng việc phát triển tổ hợp tên lửa Novator 9M729 với tầm bắn tới 5.000 km. Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ cáo buộc này và khẳng định không vi phạm hiệp ước.

Động thái này của ông Trump bị Moscow và nhiều nước khác trên thế giới lên án là sẽ thúc đẩy chạy đua vũ trang.

Trên thực tế, nhiều nhà quan sát cho rằng Việc Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp ước hạt nhân kéo dài hàng chục năm với Nga được cho là không nhắm vào Moscow mà hướng mục tiêu tới Trung Quốc dù Bắc Kinh không phải là một bên tham gia vào thỏa thuận này.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov.

Sau khi rút khỏi INF, Mỹ có thể triển khai các hệ thống vũ khí mới, có thể bắt đầu từ phiên bản tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ mặt đất, sau đó là các tên lửa đạn đạo như DF-21 và DF-26, tới các khu vực khó có thể bị tấn công như bắc Nhật Bản, đảo Guam, nam Philippines hoặc thậm chí bắc Australia.

Những vũ khí trên có tiềm năng trở thành nền tảng trong chiến lược quân sự mới của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương. Theo chiến lược này, Mỹ có thể sử dụng các hệ thống A2/AD để phong tỏa các vùng biển gần Trung Quốc, từ đó ngăn chặn và kiềm tỏa các động thái bành trướng quân sự của Bắc Kinh mà không cần triển khai các tàu Mỹ vào khu vực nguy hiểm.

Ngoài ra, việc triển khai các tên lửa đặt trên mặt đất sẽ giúp Mỹ tiết kiệm đáng kể chi phí cũng như nhân lực, thay vì trông cậy vào các nhóm tác chiến tàu sân bay như hiện nay.

Ở động thái liên quan mới nhất, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 1/11 tiết lộ rằng  Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump sẽ thảo luận Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) tại cuộc họp ở Paris vào ngày 11/11.

Xem thêm >> NATO yêu cầu Nga công khai chi tiết tên lửa Novator 9M729

Theo Sputnik
Cùng chuyên mục
Tin khác