Nga nghiên cứu ‘Sứ giả chiến tranh’ để đối phó Mỹ

Minh Đăng - 29/05/2018 18:23 (GMT+7)

(VNF) - Vladimir Mikheev, cố vấn cao cấp của phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ điện tử KRET (Nga), cho biết tập đoàn này sẽ hoàn thiện hệ thống tác chiến điện tử mới dựa trên những dữ liệu phân tích từ tên lửa Tomahawk, vốn có biệt danh 'Sứ giả chiến tranh', của Mỹ trong khoảng 3 năm tới.

VNF
Nga phát triển hệ thống tác chiến điện tử mới dựa trên những dữ liệu phân tích từ tên lửa Tomahawk.

Trước đó, tướng Sergei Rudskoy, Cục trưởng Cục tác chiến Bộ tổng Tham mưu Nga, ngày 19/4 xác nhận một quả tên lửa Tomahawk chưa phát nổ và một tên lửa chính xác cao không đối đất mà Mỹ và các nước đồng minh sử dụng để tấn công Syria rạng sáng 14/4 đã được Syria chuyển về Nga phục vụ công tác nghiên cứu.

Trong bài phỏng vấn của hãng tin Sputnik ngày 28/5, ông Vladimir Mikheev nhấn mạnh: “Có tên lửa này trong tay, chúng tôi có thể hiểu rõ được kênh thông tin liên lạc loại nào, hệ thống thông tin và quản trị ra sao cũng như hệ thống điều hướng và xác định tầm bắn. Khi biết được rõ ràng các thông số, chúng tôi có thể đáp trả hữu hiệu các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình này trong mọi thời điểm”.

“Họ (các nhà sáng chế) sẽ cân nhắc các thông tin này để xây dựng những nguyên mẫu cho hệ thống tác chiến điện tử mới”, ông Mikheev nói thêm.

KRET chuyên phát triển và sản xuất công nghệ thiết bị, vũ khí vô tuyến điện tử cho quân đội Nga.

Vị quan chức Nga cũng đồng thời tiết lộ sẽ mất khoảng 2 tới 3 năm để công ty này hoàn thiện hệ thống tác hiến điện tử mới.

KRET là công ty cổ phần trực thuộc tập đoàn quốc phòng nhà nước ROSTEC. Tập đoàn này được thành lập cuối năm 2007 để quảng bá sự phát triển, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp kỹ thuật cao cho các ngành dân sự và quốc phòng của Nga.

Với biệt danh "Sứ giả chiến tranh", tên lửa hành trình Tomahawk từng là "ngôi sao" sáng nhất trong hệ thống tên lửa của Mỹ. Tuy không đạt tốc độ âm thanh nhưng Tomahawk lại có khả năng phá hủy mục tiêu với sai số cực nhỏ. Loại vũ khí này luôn được Mỹ sử dụng trong các cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào đối phương trong những cuộc chiến tranh gần đây.

Bộ Quốc phòng Nga cho trưng bày các mảnh vỡ tên lửa được cho bị không quân Syria bắn hạ trong vụ không kích bất ngờ của Mỹ.

Trong một dòng trạng thái trên trang cá nhân Twitter sáng 11/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết: "Nga vừa lên tiếng sẽ bắn hạ bất kỳ và tất cả tên lửa Mỹ không kích Syria. Sẵn sàng đi Nga, bởi vì những quả tên lửa đẹp, mới và thông minh sắp sửa đến".

Sau đó, Mỹ và đồng minh ngày 14/4 phóng 105 tên lửa hành trình vào ba mục tiêu ở Syria nhằm đáp trả việc nước này bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường.

Theo Thượng tướng Sergey Rudskoy, quân đội Syria đã bắn hạ tổng cộng 46 tên lửa của liên quân nhằm vào các mục tiêu ở thủ đô Damascus và các khu vực ngoại ô. Con số này được đưa ra trên cơ sở tổng hợp các thông tin nhận được từ hệ thống trinh sát, giám sát phòng không, công tác thực địa và phỏng vấn các nhân chứng.

Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ khẳng định rằng không có tên lửa nào của Mỹ bị đánh chặn tại Syria: “Họ nói họ bắn hạ 40 tên lửa (của Mỹ). Tôi không nghĩ như vậy. Tôi đã gọi điện, hỏi xem có bao nhiêu tên lửa bị đánh chặn và được trả lời là không có tên lửa nào. Chúng đều là các tên lửa tàng hình”.

Xem thêm >> Tổng thống Philippines tuyên bố ‘sẵn sàng chiến tranh’ với Trung Quốc

Theo Sputnik
Cùng chuyên mục
Tin khác