Tài chính quốc tế

Vụ MH17: Bị đòi bồi thường, Nga tuyên bố điều tra dựa vào mạng xã hội

(VNF) - Chính phủ Úc mới đây yêu cầu Nga phải nhận trách nhiệm và trả tiền bồi thường cho các nạn nhân trong vụ rơi máy bay MH17. Tuy nhiên, phía Nga cho rằng vụ điều tra chỉ dựa vào thông tin trên mạng xã hội và Nga không được tham gia.

Vụ MH17: Bị đòi bồi thường, Nga tuyên bố điều tra dựa vào mạng xã hội

Ông Putin khẳng định rằng Nga chỉ công nhận những kết luận về vụ tai nạn nếu Nga được tham gia đầy đủ vào quá trình điều tra.

“Vụ máy bay MH17 cũng giống như vụ đầu đầu cựu điệp viên”

Ngày 25/5, Hà Lan và Úc chính thức lên tiếng yêu cầu chính phủ Nga chịu trách nhiệm cho vụ rơi máy bay MH17 ở miền Đông Ukraine vào năm 2014, làm tất cả 298 người trên máy bay thiệt mạng. Hà Lan cảnh báo có thể sẽ đưa vụ việc này ra tòa án quốc tế trong khi Úc yêu cầu Nga phải trả tiền bồi thường cho người thân của 38 nạn nhân người Australia trong vụ việc này.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh chỉ một ngày trước đó, Đội điều tra hỗn hợp (JIT), bao gồm các đại diện của Hà Lan, Australia, Malaysia, Bỉ và Ukraine, cho biết tên lửa bắn hạ chiếc Boeing 777 số hiệu MH17 của hãng Malaysia Airlines thuộc về lữ đoàn phòng không 53 đoàn Nga đóng tại thành phố Kursk, phía tây Nga.

Phản ứng trước yêu cầu này, Đại sứ Nga tại Úc Grigory Logvinov ngày 27/5 khẳng định Nga luôn muốn được tham gia vào cuộc điều tra chung một cách “nghiêm túc, kỹ lưỡng và chuyên nghiệp” với các nước về vụ máy bay MH17. Tuy nhiên, mọi đề xuất của Moscow đều không được chấp thuận.

Hiện trường vụ máy bay MH17 rơi.

“Những hành động khiêu khích đã được lên kế hoạch từ trước, và ngay cả bên bị đổ lỗi cũng đã được xác định từ trước đó. Cái gọi là một cuộc điều tra gần như chỉ dựa trên các thông tin trên mạng xã hội và một số tổ chức phi chính phủ từng bị chỉ trích vì đưa ra các thông tin sai lệch, dàn dựng”, ông Logvinov nói thêm.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết cuộc điều tra của JIT trong vụ MH17 không khác nào vụ cha con cựu điệp viên Sergei Skripal nghi bị đầu độc Anh hồi tháng 3 vì cả hai đều thiếu bằng chứng xác thực.

“Hành động phản kháng từ phía Nga để giữ thế cân bằng”

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak ngày 28/5 cho biết, ông đã tiến hành các cuộc đối thoại với giới chức Mỹ về việc đưa hàng nghìn binh lính Mỹ tới đồn trú thường trực ở Ba Lan, nơi họ đang thực hiện các sứ mệnh quân sự tạm thời, luân phiên.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak.

“Dựa trên nhu cầu triển khai các sư đoàn bọc thép Mỹ đồn trú lâu dài tại Ba Lan, Ba Lan cam kết sẽ hỗ trợ từ 1,5 tới 2 tỷ USD cho hoạt động trên thông qua việc thành lập căn cứ quân sự chung và cấp quyền di chuyển linh hoạt cho lực lượng Mỹ",  trích văn bản của bộ Quốc phòng Ba Lan.

"Ba Lan và Mỹ có thể cùng nhau xây dựng một liên kết mạnh mẽ hơn, trong đó đảm bảo an ninh, an toàn và tự do cho người dân nước này và cả những thế hệ về sau”, văn bản nêu rõ.

Trước thông tin này, Điện Kremlin đã bày tỏ lo ngại và nhấn mạnh rằng việc NATO mở rộng về phía biên giới với Nga sẽ gây bất ổn ở châu Âu.

"Chúng tôi thấy rằng NATO đang dần mở rộng các lực lượng quân sự về phía Nga, trong đó nhiều cơ sở hạ tầng áp sát biên giới của chúng tôi. Điều này chắc chắn không có ích cho an ninh và ổn định ở châu Âu", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 28/5 tuyên bố.

Ba Lan tuyên bố sẵn sàng chi khoảng 1,5 đến 2 tỷ USD để triển khai một căn cứ quân sự cho lính Mỹ đồn trú lâu dài ở quốc gia này.

Ông Peskov khẳng định, mọi quốc gia đều có quyền đưa ra những quyết định như vậy nhưng nó sẽ gây hại tới bầu không khí chung trên lục địa.

"Còn phải xem đó là loại căn cứ gì, nhưng nhìn chung, chúng tôi thấy NATO dần dần mở rộng cơ sở về phía biên giới của Nga thì dĩ nhiên sẽ tạo ra sự bất ổn ở châu lục. Những "hành động bành trướng" đó sẽ dẫn tới phản ứng chống trả từ phía Nga để cân bằng", phát ngôn viên Peskov khẳng định.

NATO đã gia tăng đáng kể sự hiện diện của khối này ở Đông Âu sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng nổ năm 2014. Nga nhiều lần phản đối hành động của NATO, cho rằng nó sẽ làm ảnh hưởng sự ổn định của khu vực và dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Xem thêm >> Vẫn ‘mù mờ’ về nguồn gốc chất độc thần kinh, ông Putin 'nổi sung' với Anh

Tin mới lên