Nga ra lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu: Tình huống nghiêm trọng khiến toàn cầu rối loạn

Thanh Tú - 28/09/2023 00:42 (GMT+7)

(VNF) - Việc thiếu nhiên liệu vài tháng gần đây khiến Nga phải cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel để bình ổn thị trường trong nước. Động thái này có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nhiên liệu toàn cầu vốn đang nhức nhối thời gian gần đây.

VNF
Trong những tháng gần đây, người tiêu dùng Nga phải đối mặt với tình trạng giá bán xăng và dầu diesel tăng vọt,

Nguồn cơn của lệnh cấm

Chính phủ Nga ngày 21/9 cho biết nước này đã đưa ra lệnh cấm tạm thời xuất khẩu xăng và dầu diesel sang tất cả các nước, ngoại trừ 4 thành viên của Liên minh kinh tế Á - Âu do Moscow đứng đầu, bao gồm Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan.

Theo Điện Kremlin, lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức và sẽ kéo dài trong thời gian cần thiết để đảm bảo sự ổn định của thị trường nội địa.

Tới ngày 25/9, chính phủ Nga cho biết lệnh cấm vô thời hạn đối với tất cả các loại xăng và dầu diesel chất lượng cao vẫn được áp dụng. Nhưng, Moscow quyết định dỡ bỏ các hạn chế đối với nhiên liệu được sử dụng cho một số loại tàu và dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh cao.

Nga cũng dỡ bỏ hạn chế đối với các lô nhiên liệu xuất khẩu của hai tập đoàn Russian Railways và Transneft, vốn đã được cấp phép trước khi lệnh cấm ban đầu được công bố vào ngày 21/9.

Dù Nga đã có động thái nới lỏng lệnh cấm nhưng các chuyên gia cho rằng những khách hàng thường mua các mặt hàng này của Nga vẫn phải tìm nguồn cung thay thế cho đến khi Nga có thể ổn định nguồn dự trữ trong nước.

Các thương nhân cho biết thị trường nhiên liệu ở Nga, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đang bị rất nhiều yếu tố tác động, bao gồm thời kỳ bảo dưỡng tại các nhà máy lọc dầu, gián đoạn trên các tuyến đường sắt và đồng ruble yếu kích thích xuất khẩu.

Trong những tháng gần đây, người tiêu dùng Nga phải đối mặt với tình trạng giá bán xăng và dầu diesel tăng vọt, đặc biệt là sau khi Nhà nước giảm một nửa mức trợ cấp cho các nhà máy lọc hóa dầu để đảm bảo cân đối ngân sách.

Bộ Năng lượng Nga cho biết việc tạm thời ngừng xuất khẩu sẽ buộc các doanh nghiệp cung ứng xăng, dầu nước này phải gia tăng nguồn cung cho thị trường nội địa, từ đó hạ nhiệt giá nhiên liệu, cũng như ngăn chặn tình trạng xuất khẩu nhiên liệu bất hợp pháp.

Nga cho biết việc xuất khẩu sẽ tiếp tục được nối lại sau khi thị trường nội địa ổn định, nhưng không đưa ra mốc thời gian chính xác.

Động thái này làm dấy lên lo ngại rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cố gắng phá vỡ thị trường dầu mỏ như ông đã làm với khí đốt tự nhiên, gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng năm ngoái.

Giới phân tích thì nhận định việc Nga ngừng xuất khẩu xăng, dầu cho phép nguồn cung cho thị trường nội địa tăng mạnh nhằm đảm bảo ngay lập tức các nhu cầu hiện tại. Nhưng đổi lại sẽ là sự thất thoát nguồn thu ngân sách năm 2023, khi có thể thu được lợi nhuận từ việc xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ với mức giá cao.

Thị trường thế giới sẽ ảnh hưởng ra sao?

Lệnh cấm xuất khẩu xăng của Nga sẽ không có tác động lớn tới thị trường toàn cầu bởi phần lớn xăng mà Nga sản xuất được tiêu thụ ở trong nước. Công ty dữ liệu Vortexa cho biết kể từ đầu năm tới nay, Moscow vận chuyển trung bình 110.000 thùng xăng/ngày.

Nhưng với dầu diesel thì khác bởi Nga là một trong những nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất dầu thô hàng đầu.

Theo Vortex, Nga chiếm hơn 13% nguồn cung dầu diesel toàn cầu từ đầu năm đến nay và là nhà cung cấp dầu diesel qua đường biển lớn nhất thế giới với lượng xuất khẩu 1 triệu thùng mỗi ngày.

Ước tính, trong năm 2023, Nga sản xuất 44 triệu tấn xăng và hơn 90 triệu tấn dầu diesel, trong khi thị trường trong nước tiêu thụ 36 triệu tấn xăng và 40 triệu tấn dầu.

Các nhà phân tích, bao gồm công ty tư vấn FGE Energy, cho biết lệnh cấm dầu diesel có thể kéo dài tới hai tuần trước khi Nga bổ sung nguồn dự trữ và tiếp tục xuất khẩu.

Còn về lệnh cấm xăng, ngân hàng JP Morgan cho biết tình trạng này có thể kéo dài vài tuần cho đến khi mùa khai thác kết thúc vào tháng 10. Trong khi FGE Energy cho biết việc bổ sung lượng xăng dự trữ của Nga có thể mất tới hai tháng.

Nước nào bị tác động nhiều nhất?

Sau khi Liên minh châu Âu cấm nhập khẩu nhiên liệu của Nga nhằm lên án chiến sự Ukraine, Nga đã chuyển hướng xuất khẩu dầu diesel và các nhiên liệu khác sang Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, một số nước Bắc và Tây Phi cũng như các quốc gia vùng Vịnh ở Trung Đông.

Các quốc gia vùng Vịnh, nơi có các nhà máy lọc dầu lớn của riêng họ, sẽ tái xuất khẩu nhiên liệu mà họ nhận từ Nga. Dữ liệu LSEG cho thấy lệnh cấm của Nga sẽ làm thay đổi dòng chảy đó một lần nữa.

Nguồn cung dầu diesel từ các cảng của Nga đến Brazil đạt khoảng 4 triệu tấn kể từ đầu năm tới nay, cao hơn nhiều so với 74.000 tấn trong cả năm 2022. Nga đã thay thế Mỹ trở thành nước xuất khẩu chính dầu diesel cho Brazil.

Các nguồn tin thị trường cho biết lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel kéo dài của Nga có thể buộc Brazil phải thay thế tới 400.000 tấn nhiên liệu mỗi tháng.

Thổ Nhĩ Kỳ là điểm đến hàng đầu của các tàu chở dầu diesel từ Nga sau lệnh cấm vận của EU. Kể từ đầu năm tới nay, nước này đã nhận tổng cộng khoảng 7 triệu tấn dầu từ Nga. Sau khi có lệnh cấm mới, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể nhập dầu có hàm lượng lưu huỳnh cao của Nga, các thương nhân cho hay.

Đâu là nguồn cung thay thế?

Theo các nguồn thạo tin, các quốc gia châu Phi dự kiến sẽ chuyển sang sử dụng nguồn cung dầu diesel được vận chuyển từ Trung Đông, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Dữ liệu theo dõi vận chuyển từ Kpler và hai công ty môi giới tàu cho thấy ít nhất 132.000 tấn dầu diesel giao vào tháng 9 sẽ hướng tới châu Phi từ nhà máy lọc dầu Duqm mới của Oman.

Các thương nhân cho biết các nhà nhập khẩu Mỹ Latinh có thể sẽ chuyển sang Bờ Vịnh Hoa Kỳ và Trung Đông. Xuất khẩu dầu diesel từ Trung Đông sang Mỹ Latinh ở mức cao nhất trong 8 tháng là 315.000 tấn.

Châu Âu cũng có thể lấp đầy phần nào khoảng trống do lệnh cấm xăng dầu của Nga để lại. Công ty tư vấn công nghiệp FGE cho biết các nhà cung cấp Tây Bắc Âu, vốn đã mất thị phần ở Tây Phi vào tay nguồn cung của Nga trong năm nay, có thể sẽ bổ sung nguồn cung thiếu hụt từ Nga.

Sau khi tuyên bố “quay lưng” với nhiên liệu Nga, châu Âu đã tìm các đa dạng hóa nguồn cung, bao gồm cả từ Trung Đông. Sự cạnh tranh để giành được những nguồn cung đó giờ đây sẽ gia tăng do lệnh cấm của Nga, điều này sẽ có tác động gián tiếp đến châu Âu.

Do đó, các thương nhân cho biết họ kỳ vọng các nhà máy lọc dầu Đông Bắc Á ở Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ thúc đẩy xuất khẩu dầu diesel sang châu Âu.

Trung Quốc đã xuất khẩu khoảng 190.000 tấn dầu diesel sang châu Âu trong tháng 9, với 45.000 tấn dự kiến được vận chuyển vào tháng 10 cũng đến các nước phương Tây, dữ liệu theo dõi tàu biển của Kpler và dữ liệu từ một nguồn môi giới tàu biển cho thấy.

Xem thêm >> Từng cảnh báo Nga sẽ cạn tiền vào năm 2024, điều gì khiến ‘vua nhôm’ Deripaska đổi ý?

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.