Nga sắp ngắt hoàn toàn Dòng chảy phương Bắc trong 10 ngày, Đức lo ngại ‘khủng hoảng khí đốt’

Mộc An - 24/06/2022 18:20 (GMT+7)

(VNF) - Theo kế hoạch thường niên, Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) sẽ được bảo trì từ ngày 11/7 đến ngày 21/7. Khi đó, toàn bộ khí đốt qua đường ống sẽ tạm thời bị ngừng lại. Điều này làm giới chức Đức lo ngại nguồn cung có thể bị ngưng hoàn toàn.

VNF
Ủy ban EU cho biết nguồn cung khí đốt cho khối hiện được đảm bảo, nhưng tình hình vẫn bị xem là nghiêm trọng khi Nga giảm lượng cung cấp.

Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc của Gazprom được bảo trì hàng năm vào giữa tháng 7. Năm nay, thời gian tiến hành công việc bảo trì sẽ diễn ra từ ngày 11-21/7. Theo cảnh báo của Cơ quan Mạng lưới Liên bang của Đức, trong suốt 10 ngày đường ống bảo trì, việc vận chuyển khí đốt sẽ không thể thực hiện được.

Cơ quan này tỏ ra lo lắng trong bối cảnh Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom ngày 15/6 đã tuyên bố cắt giảm lượng khí đốt chuyển tới Đức qua tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc lên đến mức 60%, cao hơn mức 40% mà Gazprom đưa ra một ngày trước đó.

Nguồn cung khí đốt qua đường ống này giảm từ 167 triệu m3/ngày xuống chỉ còn 67 triệu m3. Điều này xảy ra khi châu Âu đang cố gắng tăng lượng dự trữ khí đốt của mình trước mùa đông.

Trong những năm gần đây, sự thiếu hụt nguồn cung liên quan đến việc bảo trì đường ống Dòng chảy phương Bắc đã được bù đắp bằng việc gia tăng dòng chảy qua Ukraine hoặc Ba Lan. Tuy nhiên, chia sẻ với Financial Times, giới chức Đức lo ngại rằng Nga có thể sẽ không thực hiện phương án tương tự như mọi năm, khiến châu lục này phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt.

Ở động thái liên quan, Chính phủ Đức ngày 23/6 đã kích hoạt "mức báo động" trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt của nước này, trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga giảm và giá khí đốt liên tục ở mức cao.

“Nước Đức đang trong một cuộc khủng hoảng khí đốt”, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Berlin ngày 23/6.

Theo ông Habeck, nguồn cung khí đốt cho Đức bị gián đoạn và hiện tại khí đốt đang là một mặt hàng khan hiếm, giá khí đốt đã tăng cao và còn tăng hơn nữa.

Giám đốc chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Frans Timmermans mới đây cho biết 10/27 quốc gia thành viên EU đã đưa ra "cảnh báo sớm" về nguồn cung cấp khí đốt. Đây là cảnh báo ở "cấp độ đầu tiên và ít nghiêm trọng nhất" trong 3 cấp độ khủng hoảng bao gồm “cảnh báo sớm”, "cảnh báo" và "khẩn cấp" được xác định trong chính sách an ninh của EU về quy định cung cấp năng lượng.

Châu Âu đang tìm kiếm thêm nguồn cung qua đường ống từ các nhà sản xuất như Na Uy và Azerbaijan, nhưng hầu hết đã không còn khả năng mở rộng công suất.

Xem thêm >> Được EU cấp quy chế ứng viên, Ukraine tuyên bố ‘sẽ đánh bại kẻ thù’

Theo RT
Cùng chuyên mục
Tin khác