(VNF) - Nga cho rằng chính quyền Mỹ đã gây sức ép ngoại giao lên Brazil nhằm ngăn cản nước này cấp phép sử dụng vaccine Sputnik-V ngừa Covid-19 của Nga.
Theo đài Sputnik, báo cáo Thường niên 2020 của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) có đề cập việc cần chống lại ảnh hưởng tiêu cực của Nga tại châu Mỹ.
Theo đó, báo có cho biết Văn phòng Các vấn đề Toàn cầu (OGA) trực thuộc HHS đã tận dụng quan hệ ngoại giao tại châu Mỹ để kiềm chế nỗ lực của Cuba, Venezuela và Nga, cho rằng những nước đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng trong khu vực, gây tổn hại an ninh và sự an toàn của Mỹ.
Cụ thể, OGA đã phối hợp với các cơ quan chính phủ khác của Mỹ tác động lên Brazil nhằm ngăn nước này cấp phép vaccine Sputnik-V của Nga.
Trao đổi với hãng tin Bloomberg ngày 16/3, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng loạt động thái của OGA là minh chứng cho thái độ thù địch của Mỹ với Nga, cũng như việc Washington xem thường lợi ích của các đối tác, gây cản trở nỗ lực chung trong cuộc chiến toàn chống Covid-19.
Brazil ngày 13/3 vừa qua đã vượt qua Ấn Độ trở thành ổ dịch Covid-19 lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ. Tính tới sáng 17/3, Brazil ghi nhận tổng cộng 11.594.204 ca nhiễm và 281.626 ca tử vong do Covid-19.
Chính phủ Brazil ngày 12/3 đã ký hợp đồng mua 10 triệu liều vaccine Sputnik-V ngừa Covid-19 của Nga. Bộ Y tế Brazil cho biết hợp đồng mua vaccine Sputnik V nằm trong khuôn khổ một thỏa thuận bao gồm cả khả năng loại vaccine này được sản xuất tại các nhà máy của phòng thí nghiệm Union Quimica ở thủ đô Brasilia và thành phố Sao Paolo.
Thông báo của Bộ Y tế Brazil nêu rõ lô vaccine Sputnik-V đầu tiên gồm 400.000 liều sẽ được chuyển tới nước này vào cuối tháng 4 tới. Khoảng 2 triệu liều nữa sẽ được đưa về trong tháng 5, trong khi số còn lại sẽ tiếp tục được chuyển về trong thời gian đến cuối năm nay. Tuy nhiên, cho tới nay, vaccine Sputnik-V vẫn chưa được Brazil cấp phép sử dụng.
Sputnik-V là vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên được đăng ký trên thế giới. Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được công bố trên tạp chí The Lancet, vaccine Sputnik-V hiệu quả lên tới 91,6%, riêng đối với tình nguyện viên trên 60 tuổi, tỷ lệ này là 91,8%. Sau tiêm, 98% tình nguyện viên sản sinh kháng thể chống lại virus SARS CoV-2.
Ở động thái liên quan mới nhất, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev ngày 15/3 tuyên bố quỹ này đã đạt được thỏa thuận sản xuất vaccine Sputnik-V ở các nước châu Âu quan trọng, gồm Italy, Tây Ban Nha, Pháp và Đức.
Nga thông báo sẵn sàng cung cấp vaccine Sputnik-V cho 50 triệu người dân châu Âu ngay sau khi vaccine này được thông qua. Đến nay, gàn 50 quốc gia trên thế giới đã cấp phép sử dụng vaccine Sputnik-V.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.