Nga từng 3 lần đề nghị gia nhập NATO

Minh Đăng - 08/04/2019 12:30 (GMT+7)

(VNF) - Tạp chí TIME của Mỹ mới đây tiết lộ rằng Nga ít nhất 3 lần đề nghị gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tuy nhiên cả 3 lần đều không đạt được kết quả.

VNF
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trước đó, chia sẻ với đạo diễn người Mỹ Oliver Stone trong “The Putin Interviews”, một series thực tế về nhà lãnh đạo nước Nga được chiếu vào năm 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ ông từng đề xuất ý tưởng Nga gia nhập NATO với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton.

Vị lãnh đạo nước Nga cho biết, trong chuyến thăm chính thức cuối cùng của ông Clinton tới Nga vào mùa hè năm 2000, ông Putin đã nói trong một cuộc họp kín rằng: “Chúng ta nên xem xét ý tưởng để Nga gia nhập NATO”.

Ông Clinton đã trả lời rằng: “Tại sao không?”. Sputnik cho biết lúc đó, mối quan hệ Nga – Mỹ và Nga – NATO tốt hơn nhiều so với hiện nay.

Theo ông Putin, tuy ông Clinton trả lời như vậy, những phái đoàn của Mỹ tỏ ra rất lo lắng. 

Sau khi đạo diễn Stone hỏi: “Ông đã nộp đơn xin gia nhập (NATO) chứ?".

Tổng thống Nga Putin cười và đáp lại rằng: "Ngày nay, NATO thực chất là một công cụ chính sách ngoại giao của Mỹ. Nó không có tính chất đồng minh, chỉ là chư hầu”.

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Tổng thống Nga Putin. 

Tiết lộ của ông Putin với ông Stone không phải là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Liên Xô và Nga đề xuất gia nhập NATO.

Năm 1990, cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Sergeyevich Gorbachyov từng đưa ra đề nghị tương tự, nhưng bị cựu Ngoại trưởng Mỹ James Baker bác bỏ. Trước đó, vào những năm 1950, chỉ vài năm sau khi thành lập NATO, các nhà lãnh đạo Liên Xô đã gợi ý để Liên bang Xô viết trở thành thành viên của tổ chức này trong nỗ lực để duy trì hòa bình ở châu Âu.

Mới đây, phát biểu tại Quốc hội Mỹ ngày 3/4 trong chuyến thăm Washington nhân kỷ niệm 70 năm thành lập NATO, Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg cho rằng, liên minh quân sự này cần cải thiện quan hệ với Nga. Ông Stoltenberg khẳng định, NATO không muốn một cuộc chiến tranh lạnh mới với Nga; đồng thời nêu rõ, việc triển khai các tên lửa hạt nhân mặt đất tại châu Âu không nằm trong kế hoạch của NATO.

Xem thêm >> Nhật, Nga lại gia tăng căng thẳng liên quan tới đảo tranh chấp

Cùng chuyên mục
Tin khác