Nga vừa tăng nguồn cung, giá khí đốt ở châu Âu ‘hạ nhiệt'

Minh Đăng - 11/11/2021 19:02 (GMT+7)

(VNF) - Ngay sau khi tập đoàn Năng lượng quốc gia Nga Gazprom tăng vận chuyển khí đốt sang châu Âu, giá khí đốt tại đây đã lập tức hạ nhiệt

VNF
Nga vừa tăng nguồn cung, giá khí đốt ở châu Âu ‘hạ nhiệt'.

Theo dữ liệu trên sàn giao dịch ICE ngày 10/11, giá khí đốt ở châu Âu thời điểm mở cửa phiên giao dịch đã giảm xuống dưới 800 USD/1.000 m3. Giá khí đốt kỳ hạn tháng 12/2021 tại Trung tâm TTF ở Hà Lan giảm xuống còn 791,6 USD/1.000 m3.

Sự chuyển biến về giá này diễn ra trong bối cảnh các quôc gia châu Âu kỳ vọng nguồn cung nhiên liệu từ Nga sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Sau 2 lần dừng vận chuyển trong tháng qua, vào đầu giờ sáng ngày 10/11, lưu lượng khí đốt trong đường ống Yamal-Europe (vận chuyển khí đốt đi qua lãnh thổ của 4 quốc gia gồm Nga, Belarus, Ba Lan và Đức) đã tăng gần 1/4 so với một ngày trước đó.

Bên cạnh đó, tập đoàn Năng lượng quốc gia Nga Gazprom ngày 10/11 cũng đã gửi thông báo tăng vận chuyển khí đốt đi qua lãnh thổ Ukraine theo hợp đồng lên mức tối đa, khoảng 109,3 triệu m3/ngày.

Đồng thời, thực hiện theo đúng chỉ thị của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Gazprom ngày 9/11 thông báo đã bắt đầu thực hiện kế hoạch bơm bơm đầy lại khí đốt vào 5 cơ sở lưu trữ ngầm tại châu Âu theo khối lượng và tuyến đường vận chuyển khí đốt đã được xác định.

Nga vốn là quốc gia cung cấp gần một nửa lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu. Hồi cuối tháng trước, Tổng thống Nga Putin đã chỉ đạo Giám đốc Tập đoàn Gazprom Aleksey Miller đến ngày 8/10 phải bắt đầu tăng khối lượng khí đốt tại các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất ở châu Âu như dự kiến.

Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài khi giá khí đốt đã tăng vọt trong những tháng gần đây do lượng dự trữ thấp và nhu cầu phục hồi sau đại dịch tăng cao. Điều này đã ảnh hưởng đến các hoạt động công nghiệp phụ thuộc vào năng lượng trong khi người tiêu dùng cũng đối mặt với những hóa đơn tăng vọt giữa lúc mùa đông đến gần.

Một số nghị sĩ châu Âu cáo buộc Nga đang làm tồi tệ thêm cuộc khủng hoảng khí đốt để gia tăng sức ép với các nhà chức trách châu Âu nhằm thúc đẩy việc thông qua đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2.

Nga luôn phủ nhận cáo buộc nước này đang gây sức ép với các nhà điều hành để thông qua dự án trên, đồng thời cho biết, Moscow sẽ tiếp tục hoàn thành các nghĩa vụ trong hợp đồng với tư cách là một nhà cung cấp khí đốt.

Xem thêm >> Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mềm mỏng trước thềm cuộc họp thượng đỉnh với Mỹ

Theo TASS
Cùng chuyên mục
Tin khác