Ngân hàng chưa thoát khỏi sự lệ thuộc vào nguồn thu tín dụng

Kình Dương - 17/05/2018 13:23 (GMT+7)

(VNF) – Về bản chất, hoàn nhập dự phòng cũng là nguồn thu tín dụng…

VNF
Các ngân hàng vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu tín dụng.

Nguồn thu tín dụng, từ chỗ được coi là cốt lõi trong cơ cấu thu nhập của các ngân hàng, có vẻ như đang dần đóng vai trò ít hơn, khi báo cáo tài chính quý I/2018 của nhiều nhà băng tiếp tục cho thấy tỷ trọng thu nhập lãi thuần trong tổng lãi thuần giảm mạnh.

Loại trừ những ngân hàng có biến động bất thường về nguồn thu, một số cái tên tiêu biểu có thể kể đến như Vietcombank, VPBank, BIDV, TechcombankMB.

Quý I/2018, thu nhập lãi thuần của Vietcombank chiếm 62% tổng lãi thuần, giảm mạnh 10 điểm% so với cùng kỳ năm 2017. Tính theo cách này, mức độ ít phụ thuộc vào hoạt động tín dụng của Vietcombank chỉ còn kém Techcombank. Hiện tỷ lệ này ở Techcombank là 55%, giảm 5 điểm% so với cùng kỳ 2017.

Khá ấn tượng khi quý I/2018, tỷ lệ thu nhập lãi thuần trên tổng lãi thuần của BIDV giảm 5 điểm%, xuống còn 81%. BIDV vài năm trở lại đây dồn lực rất mạnh cho phát triển nguồn thu tín dụng với quy mô thu nhập lãi thuần cao nhất hệ thống, như quý I/2018 cao hơn Vietcombank tới 48%, hơn VietinBank 27%.

VPBank, ngân hàng đang “lăm le” vượt BIDV về lợi nhuận, ghi nhận biến động thậm chí còn ấn tượng hơn. Thu nhập lãi thuần của ngân hàng này quý vừa qua chiếm 79% tổng lãi thuần, giảm tới 11 điểm% so với quý I/2017.

Đối với MB, biến động cũng khá đáng kể khi tỷ lệ thu nhập lãi thuần chiếm 78% tổng lãi thuần trong quý I/2018, giảm 5 điểm%.

Nguyên nhân dẫn đến việc nguồn thu tín dụng giảm về tỷ trọng trong cơ cấu thu nhập, rất rõ ràng, là do các nguồn thu phi tín dụng tăng lên. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nguồn thu phi tín dụng không chỉ bao gồm thu từ dịch vụ, từ kinh doanh ngoại hối… mà còn gồm cả thu từ hoàn nhập dự phòng.

Hoàn nhập dự phòng, nôm na là ngân hàng tạm trích ra 10 đồng để bù đắp tổn thất từ nợ xấu, nhưng sau đó tổn thất thực tế lại ít hơn 10 đồng (do thu hồi nợ tốt hơn dự kiến) nên phải hoàn nhập lại phần đã trích thừa.

Đề cập lại khái niệm để thấy, về bản chất, hoàn nhập dự phòng là nguồn thu tín dụng. Nếu ghi nhận cả nguồn thu này, tỷ trọng nguồn thu tín dụng trong cơ cấu thu nhập của các ngân hàng không giảm nhanh như đã thấy.

Các ngân hàng không thuyết minh cụ thể đã hoàn nhập bao nhiêu trong quý I/2018, nhưng phần lớn khoản mục “lãi thuần từ hoạt động khác” ghi nhận nguồn thu từ hoàn nhập dự phòng.

Tính theo cách áng chừng này, quý I/2018, nguồn thu tín dụng đem về cho Vietcombank 5.838 tỷ đồng, chiếm 80% tổng lãi thuần, giảm vỏn vẹn 2 điểm% so với cùng kỳ năm 2017 (tính theo cách đơn thuần là giảm 10 điểm%). Tương tự, BIDV cũng chỉ giảm 2 điểm% (tính theo cách đơn thuần là giảm 5 điểm%). MB giảm 4 điểm% (tính theo cách đơn thuần là giảm 5 điểm%). Đáng nể nhất là Techcombank khi giảm 7% (tính theo cách đơn thuần là giảm 5 điểm%), cho thấy chuyển biến ở ngân hàng này là rất thực chất.

Riêng trường hợp của VPBank, tỷ trọng nguồn thu tín dụng trong cơ cấu thu nhập không thay đổi, trong khi tính theo cách đơn thuần là giảm tới 11 điểm%.

Các ngân hàng rõ ràng vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu tín dụng.

Techcombank là trường hợp hiếm hoi đang tiến tới thoát khỏi sự lệ thuộc vào hoạt động tín dụng

Chờ chuyển biến đa chiều

Giảm phụ thuộc vào nguồn thu tín dụng là xu hướng chung và có lợi cho ngân hàng, nhưng là bài toán không hề dễ. Thực tế, mới chỉ có trường hợp của Techcombank là thực sự thành công.

Song song với bài toán khó trên, nhiều ngân hàng vẫn đang đồng thời giải bài toán dễ hơn: tăng tỷ suất sinh lời trong hoạt động tín dụng (biên thu nhập lãi thuần).

Một số ngân hàng vốn dĩ đã làm tốt có thể kể đến như Vietcombank, VPBank, Techcombank, MB. Riêng MB, quý I/2018, ngân hàng này tiếp tục ghi nhận chuyển biến ấn tượng khi biên thu nhập lãi thuần tăng tới 5 điểm%, lên 59%. Con số này chỉ còn kém VPBank (62%), cao hơn đáng kể Vietcombank (49%), Techcombank (51%),

Những cái tên khác đang ghi nhận chuyển biến tốt bao gồm: BIDV (41% trong quý I/2018, tăng 3 điểm% so với quý I/2017), Sacombank (28%, tăng 6 điểm%), VIB (46%, tăng 10 điểm%), BacABank (25%, tăng 4 điểm%).

Có nhiều cách gia tăng biên thu nhập lãi thuần nhưng phổ biến nhất là xu hướng gia tăng quy mô tín dụng bán lẻ, giảm dần quy mô tín dụng bán buôn. Tín dụng bán lẻ với đối tượng khách hàng là cá nhân, luôn chịu lãi suất cao hơn so với tín dụng bán buôn với đối tượng khách hàng là tổ chức.

Cách thứ hai, ít phổ biến hơn, là gia tăng nguồn vốn giá rẻ mà đa phần là tiền gửi không kỳ hạn. Các ngân hàng nhỏ cạnh tranh nguồn tiền gửi có kỳ hạn đã khó nên gần như không có lợi thế trong huy động tiền gửi không kỳ hạn. Cuộc chơi này, theo đó, chỉ dành cho các “ông lớn”.

Cách thứ ba chỉ một vài ngân hàng áp dụng trong một vài thời điểm, là tăng quy mô tín dụng trung và dài hạn, bởi các khoản tín dụng này có lãi suất cao hơn do tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.

Cùng chuyên mục
Tin khác