Ngân hàng

Ngân hàng đồng ý giảm thêm lãi suất từ tháng 7

Mức giảm lãi suất trung bình các ngân hàng đưa ra vào khoảng 1%/năm, trong đó, đối tượng áp dụng là những khách hàng gặp khó khăn và đang chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Ngân hàng đồng ý giảm thêm lãi suất từ tháng 7

Ngân hàng đồng ý giảm thêm lãi suất từ tháng 7

Đây là nội dung cuộc họp giữa Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam với các tổ chức tín dụng thành viên ngày 12/7, thống nhất phương thức và thời gian thực hiện việc giảm lãi suất cho vay với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm 2021 theo chỉ đạo của Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho rằng đại dịch Covid-19 đang có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Đồng thuận giảm thêm lãi suất

Đến ngày 9/7 vừa qua, NHNN cũng đã tổ chức họp trực tuyến bàn các giải pháp triển khai nghị quyết này, trong đó, nhấn mạnh đến việc các ngân hàng tìm cách giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp ngay trong tháng 7 này.

Theo ông Hùng, việc giảm lãi suất trong bối cảnh hiện nay là rất khó nhưng thời điểm này, nền kinh tế, các doanh nghiệp rất cần sự chia sẻ của ngành ngân hàng.

“Vì vậy, các ngân hàng cần thống nhất mức giảm như thế nào, thời gian giảm lãi suất, số dư nợ được giảm đối với các dư nợ hiện hữu VND ra sao…”, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng chia sẻ.

Ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank tại cuộc họp ngày 12/7. Ảnh: VNBA.

Theo ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank, ngành ngân hàng nói chung và Techcombank nói riêng đã tham gia rất nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng theo chỉ đạo chung của Chính phủ và NHNN.

Ngoài việc dành hơn 100 tỷ đồng cho các hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19, Techcombank đã tái cơ cấu, giãn nợ, đảm bảo nguồn tín dụng để giúp khách hàng có đủ dòng tiền kinh doanh trong lúc khó khăn.

Từ đầu năm 2020 đến nay, ngân hàng này đã liên tục giảm lãi suất, hiện lãi cho vay đối với doanh nghiệp trong nhóm lĩnh vực ưu tiên chỉ dưới 4,5%/năm; các lĩnh vực kinh tế thiết yếu lãi suất vào khoảng 6-7%/năm…

Phó tổng giám đốc Techcombank cho biết ngân hàng này đồng thuận việc giảm thêm lãi suất để hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng không nên hỗ trợ cào bằng mà nên tập trung vào nhóm doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn. Còn các doanh nghiệp bất động sản đang lãi lớn, các doanh nghiệp xuất khẩu hay các cá nhân vay tiền mua ôtô thì không nên hỗ trợ lãi suất.

Tương tự, ông Nguyễn Viết Mạnh, thành viên HĐTV Agribank, cũng cho biết ngay sau cuộc họp với NHNN ngày 9/7, nhà băng này đã thống nhất giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong đó, Agribank dự kiến đưa ra mức giảm lãi suất trung bình khoảng 1%/năm. “Có khoản sẽ giảm 0,5%/năm, nhưng có khoản sẽ giảm 2-2,5%/năm để hỗ trợ khách hàng”, ông Mạnh nói.

Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó tổng giám đốc MBBank, cũng cho biết ngân hàng này đã giảm lãi suất cho các đối tượng khách hàng gặp khó khăn từ khi dịch bùng phát, từ đầu năm 2021, ngân hàng cũng liên tục giải ngân vốn cho các đối tượng này. Tuy nhiên, với sự đồng thuận của các ngân hàng, MBBank cho biết sẽ hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp gặp khó khăn không có doanh thu hoặc giảm doanh thu với mức giảm lãi suất 1%/năm hoặc thấp hơn.

Lợi nhuận có thể giảm hàng nghìn tỷ

Tuy vậy, một số ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng việc giảm lãi suất có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng và ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông, nên việc giảm lãi suất cần được áp dụng đúng đối tượng.

Lãnh đạo LienVietPostBank cho biết với tổng dư nợ vào khoảng 191.000 tỷ đồng hiện nay, nếu nhà băng này giảm lãi suất bình quân 1%/năm thì lợi nhuận sẽ giảm khoảng 600 tỷ đồng, tương đương gần 20% kế hoạch cả năm của ngân hàng đã trình cổ đông.

Các ngân hàng dự kiến dành hàng trăm cho tới hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận để giảm thêm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Nam Khánh.

Tương tự, ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc Sacombank, cũng cho rằng với tổng dư nợ vào khoảng 350.000 tỷ, nếu lãi suất giảm 1%/năm trong 5-6 tháng tới, lợi nhuận của ngân hàng này cũng sẽ giảm trên 1.000 tỷ đồng, tương đương tới 40% lợi nhuận kế hoạch.

Theo ông Tuệ, mức giảm lớn như vậy có thể ảnh hưởng lợi ích của cổ đông. Tuy nhiên, để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, lãnh đạo Sacombank cho biết ngân hàng vẫn sẽ giảm lãi suất, nhưng chỉ giảm cho các đối tượng thực sự khó khăn.

Đại diện BIDV cũng cho biết nếu lãi suất giảm 1%/năm, lợi nhuận của ngân hàng năm nay sẽ giảm hàng nghìn tỷ.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank, cho biết ngân hàng đã duy trì mặt bằng lãi suất thấp từ đầu năm. Hiện lãi suất cho vay bình quân ngắn hạn tại ngân hàng này chỉ khoảng 6%/năm, trung, dài hạn khoảng 8%/năm.

Đầu năm Vietcombank được giao chỉ tiêu tín dụng 10,5% nhưng đến nay tín dụng đã tăng trưởng trên 9%.

“Vì vậy, để tiếp tục hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, Vietcombank rất cần được NHNN nới room tín dụng trong những tháng cuối năm”, ông Tùng đề nghị.

Ngoài Vietcombank, đại diện các ngân hàng như BIDV, SHB, TPBank, LienVietPostBank… đều đề nghị được cấp thêm room tín dụng trong những tháng cuối năm để tạo dư địa giảm lãi suất cho doanh nghiệp.

Tin mới lên