Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Sau các chỉ đạo quyết liệt từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất tiền gửi đã chững lại và hạ nhiệt.
Hầu hết ngân hàng niêm yết lãi suất huy động dưới 9,5%/năm, trong khi trước đó lên tới 11-12%. Tuy vậy, vẫn còn một số ngân hàng áp dụng mức lãi suất tiết kiệm cao nhất vượt mức cam kết chung 9,5%.
Trong đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang áp dụng mức lãi suất huy động cao nhất tới 9,95%/năm cho hình thức gửi tiết kiệm online. KienLongBank, DongABank và PGBank hiện vẫn áp dụng mức lãi suất 9,5%/năm ở các kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng. Nhiều ngân hàng cũng có lãi suất cao nhất từ 9%/năm trở lên như BacA Bank, Ngân hàng Bảo Việt, OCB, OceanBank, PVcomBank, VPBank và Saigonbank.
Nhưng thực tế, một số ngân hàng đang trả lãi suất cao hơn nhiều con số công bố công khai trên website hoặc bảng thông báo tại quầy giao dịch. Những ngân hàng này đang “đi đêm” với khách hàng để nâng lãi suất huy động vượt xa mức đã cam kết.
Đơn cử, tại Sacombank, lãi suất huy động kỳ hạn 6 và 12 tháng được ngân hàng này công bố trên website và bảng niêm yết tại quầy lần lượt là 8,3% và 8,9%/năm. Nhưng nhân viên ngân hàng này cho biết mức lãi suất huy động kỳ hạn 6 và 12 tháng thực tế hiện là 9,6%/năm. Thậm chí, nếu khách gửi số tiền trên 1 tỷ đồng có thể nhận được mức lãi suất cao hơn.
Tại VietBank, bảng thông báo phía trước phòng giao dịch ghi “lãi suất cao nhất 9,3%/năm” nhưng nhân viên ngân hàng cho hay lãi suất thực tế là 11%/năm đối với kỳ hạn từ 6-12 tháng. Nhưng để được hưởng mức lãi suất ưu đãi này, khách hàng phải mở tài khoản thanh toán.
Nhiều người gửi tiền tại ngân hàng cho biết, gần đây, có tình trạng các ngân hàng thương mại “phá rào” bằng cách tách khoản tiền gửi thành hai sổ tiết kiệm để lãi suất thực nhận của người gửi tiền cao hơn so với công bố.
Một ngân hàng có trụ sở trên phố Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) công bố lãi suất 9,1%/năm nhưng lãi suất thực tế cao hơn nếu người gửi tiền là khách hàng thân thiết hoặc khách hàng có giao dịch tiền tỷ. Ví dụ, khách gửi khoản tiền 500 triệu đồng ngoài được nhận lãi suất 9,5%/năm còn được ngân hàng trích ngay 23 triệu đồng để lập một sổ tiết kiệm thứ hai. Tính ra, lãi suất thực tế mà người gửi tiền nhận được là 9,9%/năm.
Lãi suất tại một chi nhánh ngân hàng VPBank ở Hà Nội được công bố là 8,8%/năm nhưng lãi suất thực tế trả cho khách là 9,9%/năm.
Đáng chú ý, tại một phòng giao dịch của PVCombank, lãi suất huy động được công bố cho kỳ hạn 6 tháng chỉ là 8,5%/năm; lãi suất cao nhất tại nhà băng này là 9,3%/năm. Nhưng người gửi tiền sẽ được các nhân viên ngân hàng này thì thầm nhỏ to để chào mời tham gia gói combo. Nếu đồng ý, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 11,5%/năm; ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất mà khách nhận được có thể lên tới 12,5%/năm.
Thậm chí, có hiện tượng cùng một ngân hàng nhưng ở mỗi chi nhánh, nhân viên ngân hàng lại chào lãi suất khác nhau. Vì vậy, nhiều người gửi tiền đã tìm kiếm để nhận được mức lãi suất cao nhất.
Chị Kim Ngân (Hà Nội) chi sẻ, khách hàng có thể thương lượng lãi suất với ngân hàng. Nếu tiền gửi càng cao thì mức lãi suất nhận được càng lớn. Một số nhân viên ngân hàng có mã ưu đãi cho phép khách hàng có mức lãi suất tốt hơn. Ở một vài chi nhánh hay các nhân viên ngân hàng đang cần chạy chỉ tiêu huy động gấp mới đưa ra mức lãi suất này.
Lãi suất ngân hàng khó giảm trước năm 2024?
Trong báo cáo cập nhật triển vọng mặt bằng lãi suất năm 2023, FiinGroup nhận định lãi suất huy động sẽ tăng khoảng +500bps so với nửa đầu năm, lên mức 9-10%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng. Lãi suất cho vay đối với khối doanh nghiệp hiện ở mặt bằng cao, bình quân ở mức 10,3% ở khối ngân hàng thương mại nhà nước và 13-15% ở các ngân hàng thương mại cổ phần.
Một số ngành sẽ gặp áp lực lớn trong môi trường lãi suất tăng cao như bất động sản, xây dựng, thép, điện tử, thực phẩm, bán lẻ, than.
Trên thị trường quốc tế, lạm phát hiện vẫn khá cao so với mục tiêu. Giới phân tích quốc tế nhận định thị trường việc làm hiện chưa có dấu hiệu hạt nhiệt bất chấp động thái tăng nhanh và mạnh lãi suất của Fed tăng 3,75 điểm % trong 8 tháng.
Mới đây, các quan chức Fed tiếp tục duy trì quan điểm cần tăng lãi suất lên ít nhất là 5%. Lãi suất của Fed hiện đang nằm trong phạm vi mục tiêu 4,25-4,5%. Giới đầu tư dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % tại cuộc họp 31/1-1/2.
Tại cuộc họp chính sách tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa kết thúc và Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023.
Có thể thấy, môi trường vĩ mô bên trong và bên ngoài đều chưa ủng hộ cho một xu hướng giảm về lãi suất trong ít nhất 6-12 tháng tới.
"Với dự báo này, chúng tôi cho rằng mặt bằng lãi suất trong nước khó có thể giảm trước năm 2024, đặc biệt khi điểm “nghẽn” về thanh khoản hiện vẫn chưa được xử lý", báo cáo của FiinGroup cho hay.
Trong khi đó, Ngân hàng Standard Chartered dự báo NHNN sẽ tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản trong quý I/2023 và giữ nguyên cho đến cuối năm 2024 nhằm duy trì sự ổn định.
Tương tự, các chuyên gia của Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) dự báo nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục tăng lãi suất do lãi suất điều hành của Mỹ vốn đã vượt mức trước dịch Covid-19 trong khi mức lãi suất điều hành của Việt Nam chỉ mới ngang bằng so với trước dịch.
Còn các chuyên gia của Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo lãi suất liên ngân hàng có thể tăng thêm 0,5-1 điểm % trong nửa đầu năm 2023 khi Fed dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất. ACBS cũng kỳ vọng lãi suất điều hành của Việt Nam có thể thêm 1-2 điểm % vào năm 2023.
Các chuyên gia phân tích của VNDirect lại cho rằng, áp lực lên lãi suất và tỷ giá phần nào sẽ được giải tỏa từ giữa năm 2023.
Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cho hay, lãi suất sẽ bắt đầu giảm từ quý II/2023 trong bối cảnh lạm phát năm 2023 sẽ chỉ ở mức 3-3,5% thấp hơn mức mục tiêu 4-4,5% mà Chính phủ đặt ra.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.