Ngân hàng Nhà nước lên tiếng khi dân kêu khó mua vàng
(VNF) - Ngân hàng Nhà nước cho biết ngoài đăng ký bán vàng trực tuyến, Công ty SJC vẫn bán vàng miếng trực tiếp tại các điểm thông báo. Khách hàng có thể mua vàng theo hướng dẫn của 4 ngân hàng và Công ty SJC.
Theo phản ánh của bà Trần Thị Thúy Linh (TP.HCM) gửi tới Cổng thông tin điện tử Chính phủ, từ ngày 12/6/2024 đến nay, các ngân hàng quyết định chỉ cho phép người dân mua vàng trong điều kiện đã đăng ký mua vàng SJC trực tuyến để giảm thiểu tình trạng khó khăn và chờ đợi lâu khi mua vàng.
Bà Linh cho rằng chính điều này lại gây khó khăn cho người mua. Đã hơn một tuần nay, bà luôn theo dõi thông báo và truy cập vào đúng 9h sáng để đăng ký mua vàng trực tuyến tại 4 ngân hàng lớn. Nhưng vẫn chưa một lần đăng ký thành công. Bà Linh cũng đã đăng ký ở rất nhiều chi nhánh khác của cả 4 ngân hàng nhưng đều không thể đăng ký được.
Bà Linh đề nghị cơ quan chức năng xem xét, có phương án khắc phục để người dân có thể mua được vàng với giá bình ổn.
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đã có trả lời như sau: Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng, từ 3/6/2024 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức bán vàng miếng SJC thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (Công ty SJC) để bán trực tiếp vàng miếng tới người dân.
Sau một thời gian triển khai, để hạn chế tình trạng tụ tập đông người, ngăn chặn hiện tượng thuê người xếp hàng đầu cơ mua vàng tại các điểm bán vàng, 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC thực hiện đăng ký bán vàng trực tuyến.
Ngoài ra, theo báo cáo, Công ty SJC vẫn thực hiện bán vàng miếng trực tiếp tại các điểm thông báo. Vì vậy, khách hàng có thể lựa chọn hình thức mua vàng theo hướng dẫn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC như nêu trên.
Có thể thấy, thị trường vàng trong nước gần đây đã được bình ổn, giá vàng trong nước tiệm cận với giá vàng thế giới; giao dịch mua, bán vàng phần nào đã được kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo tính công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Từ cuối năm 2023 đến nay, Chính phủ liên tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành phối hợp quản lý thị trường vàng hiệu quả, ngăn chặn nguy cơ vàng hóa nền kinh tế và tránh tác động tiêu cực đến các cân đối vĩ mô quan trọng.
Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều các văn bản chỉ đạo, yêu cầu cơ quan có liên quan tập trung tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế và để cung cấp cho khách hàng. Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng để kiểm soát thị trường vàng.
Tổng cục Thuế cho hay, đến nay, 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc đã sử dụng hoá đơn điện tử. Cơ quan quản lý thuế đã kiểm soát được việc xuất hóa đơn với các cơ sở kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ.
Sau hơn một năm triển khai, trên toàn quốc đã có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng, bạc thực hiện áp dụng và sử dụng trên 1,065 triệu hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và đều được người dân và doanh nghiệp củng hộ việc xuất hóa đơn điện tử khi giao dịch vàng.
Vàng nhẫn lập đỉnh và khan hiếm: Giá sẽ tăng mạnh, mua ngay hay né 'bão'?
- Vàng lập đỉnh mới, dự đoán tiếp tục tăng đến năm 2025 25/09/2024 10:27
- Giá vàng miếng chạm đỉnh 83,5 triệu/lượng, vàng nhẫn lập kỷ lục mới 25/09/2024 08:45
- Giá vàng chinh phục đỉnh cao mới khi Bitcoin vượt 64.000 USD 24/09/2024 08:15
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.