Ngân hàng nợ xấu trên 3% không được tăng vốn cho công ty con

Mai Anh - 15/05/2024 18:51 (GMT+7)

(VNF) - Nhằm đảm bảo an toàn cho tổ chức tín dụng (TCTD), tránh trường hợp TCTD tăng vốn khi công ty con, công ty liên kết đang hoạt động kém hiệu quả, cơ quan quản lý yêu cầu TCTD phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, có tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ dưới 3%.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 51/2018 quy định điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng.

Trong dự thảo Thông tư có nội dung bổ sung về quy định định điều kiện tăng vốn tại công ty con, công ty liên kết của các TCTD.

Theo đó, cả TCTD thực hiện tăng vốn và công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng đều phải đáp ứng một số yêu cầu.

Cụ thể, TCTD cần đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; đảm bảo tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần; giá trị thực của vốn điều lệ tại thời điểm thực hiện tăng vốn và tại thời điểm hoàn tất việc tăng vốn không thấp hơn mức vốn pháp định.

Đồng thời, kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng mẹ phải có lãi theo báo cáo tài chính của năm liền kề trước năm tăng vốn; không bị xử phạt vi phạm hành chính về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, góp vốn, mua cổ phần trong 12 tháng liền kề trước tháng thực hiện tăng vốn; đảm bảo có số lượng thành viên, lãnh đạo theo quy định.

Ngoài ra, nhà điều hành cũng yêu cầu TCTD phải có tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ nhỏ hơn 3% trong 12 tháng liền kề trước tháng thực hiện tăng vốn công ty con, công ty liên kết.

Đáng chú ý, đến cuối quý I năm nay, có khoảng 9/28 ngân hàng thương mại ghi nhận nợ xấu trên 3% tổng dư nợ.

Đối với công ty con, công ty liên kết được tăng vốn, dự thảo thông tư của NHNN yêu cầu các doanh nghiệp này phải có lãi trong 3 năm trước khi tăng vốn hoặc có lãi từ thời điểm thành lập đến khi được tăng vốn và không có lỗ lũy kế đến thời điểm được TCTD thực hiện tăng vốn; đồng thời, không bị xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực hoạt động.

Điều kiện để tăng vốn của công ty con, công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài sản đơn giản hơn, không cần công ty mẹ và công ty con phải có lãi do trường hợp này nhằm giúp TCTD đang có tỷ lệ nợ xấu cao có biện pháp để xử lý nợ xấu.

Theo cơ quan quản lý, dự thảo thông tư đã bổ sung những quy định trên để đảm bảo đáp ứng các điều kiện tương tự như điều kiện chấp thuận góp vốn, mua cổ phần; đảm bảo an toàn cho tổ chức tín dụng, tránh trường hợp tổ chức tín dụng tăng vốn khi công ty con, công ty liên kết đang hoạt động kém hiệu quả...

Dự thảo cũng đã bổ sung quy định loại trừ các trường hợp tăng vốn đặc thù tại công ty con, công ty liên kết là tổ chức tín dụng được can thiệp sớm/kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 tại phạm vi điều chỉnh.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư còn điều chỉnh một số quy định đơn giản hóa thủ tục chấp thuận góp vốn, mua cổ phần; bỏ quy định ngân hàng thương mại được thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết hoặc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh ngoại hối. Dự thảo Thông tư cũng có bổ sung, sửa đổi một số điều khoản để phù hợp với Luật Các TCTD 2024.

Ra tay can thiệp khi tỷ giá quá nóng, không để nền kinh tế gánh nợ xấu

Ra tay can thiệp khi tỷ giá quá nóng, không để nền kinh tế gánh nợ xấu

Ngân hàng
(VNF) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẵn sàng can thiệp nếu tỷ giá tăng quá nóng. Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm ngân hàng không công khai lãi suất cho vay. Đó là những thông tin ngân hàng đáng chú ý tuần qua.
Nghiêm cấm cấp tín dụng cho doanh nghiệp sân sau với lãi suất ưu đãi

Nghiêm cấm cấp tín dụng cho doanh nghiệp sân sau với lãi suất ưu đãi

Ngân hàng
(VNF) - Thủ tướng nghiêm cấm việc cấp tín dụng cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp sân sau… với lãi suất ưu đãi.
Khi ngân hàng là 'sân sau' trong hệ sinh thái các tập đoàn

Khi ngân hàng là 'sân sau' trong hệ sinh thái các tập đoàn

Ngân hàng
(VNF) - Ngoài 86 bị cáo, gần 200 luật sư, tòa cũng triệu tập hơn 2.400 người có quyền, nghĩa vụ liên quan cho việc xét xử vụ án sai phạm tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vào ngày 5/3. Sở hữu chéo, nhất là sở hữu chéo ngân hàng ở Việt Nam vô cùng phức tạp và là khởi nguồn của mọi cuộc khủng hoảng, đổ vỡ ngân hàng.
Cùng chuyên mục
Tin khác