Ngân hàng Trung ương châu Âu cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2019

Minh Ý - 07/06/2024 07:30 (GMT+7)

(VNF) - Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tiến hành cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2019, do nhận thấy những kết quả tích cực trong việc giải quyết lạm phát.

Ngày 6/6 (giờ địa phương), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thông báo cắt giảm lãi suất chủ chốt xuống 3,75%, giảm từ mức kỷ lục 4% được giữ từ tháng 9/2023. Động thái này tương đương mức cắt giảm 0,25%.

Đây là lần đầu tiên ECB cắt giảm lãi suất kể từ tháng 9/2019, khi lãi suất còn ở mức âm.

Hội đồng quản trị ECB tuyên bố: “Dựa trên đánh giá cập nhật về triển vọng lạm phát, động lực của lạm phát cơ bản và sức mạnh của chính sách tiền tệ, việc điều tiết chính sách tiền tệ một cách hạn chế sau 9 tháng giữ lãi suất ổn định là điều phù hợp”.

Bà Christine Lagarde - Chủ tịch ECB

Với động thái mới nhất, ECB đã gia nhập cùng các ngân hàng trung ương của Canada, Thụy Điển và Thụy Sĩ kết thúc những đợt tăng lãi suất mạnh nhất trong lịch sử gần đây.

Trước đó, ngày 5/6, Canada đã trở thành quốc gia thuộc nhóm 7 nước công nghiệp tiên tiến (G7) đầu tiên cắt giảm lãi suất trong chu kỳ hiện tại, trong khi các ngân hàng trung ương của Thụy Điển và Thụy Sĩ đã công bố mức giảm lãi suất của riêng họ trong năm nay.

Mặc dù thừa nhận những tiến bộ trong cuộc chiến chống lạm phát, ECB vẫn tiếp tục thận trọng với yếu tố này và chưa đưa ra dự báo nào về việc có tiếp tục cắt giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 7 hay không.

“Chúng tôi không cam kết trước về một lộ trình lãi suất cụ thể”, Chủ tịch ECB Christine Lagarde phát biểu trong cuộc họp báo ngày 6/6.

Bà Lagarde nói thêm: “Bất chấp tiến bộ trong những quý gần đây, áp lực giá cả trong khu vực vẫn mạnh do tăng trưởng tiền lương tăng cao và lạm phát có thể sẽ cao hơn mục tiêu trong năm tới.

Lạm phát ở 20 quốc gia dùng chung đồng EUR gần đây đã giảm xuống 2,6% từ mức hơn 10% vào cuối năm 2022, phần lớn nhờ chi phí nhiên liệu giảm và những khó khăn về nguồn cung sau đại dịch giảm bớt.

Tuy nhiên, tiến trình này gần đây đã bị đình trệ và những dấu hiệu về lộ trình nới lỏng của ECB bắt đầu trở nên không chắc chắn do lạm phát tiếp tục "cứng đầu".

Trong các dự báo kinh tế vĩ mô cập nhật sẽ được các nhà đầu tư phân tích chặt chẽ, nhân viên ECB đã nâng triển vọng lạm phát trung bình hàng năm cho năm 2024 từ mức 2,3% lên 2,5%. Cơ quan này cũng nâng dự báo lạm phát năm 2025 từ mức 2% lên 2,2% - trên mức mục tiêu của ECB.

Theo dự báo, phải tới năm 2026, lạm phát tại khu vực đồng tiền chung EUR mới quay về mức dưới mục tiêu là 1,9%.

Mặc dù ECB bắt đầu tăng lãi suất muộn hơn, nhưng đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 6 đã khiến ECB dẫn trước Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong đà giảm lãi suất, do ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới vẫn bị cản trở bởi tỷ lệ lạm phát của Mỹ.

Phản ứng của thị trường

Đồng EUR mạnh lên sau quyết định của ECB, với tỷ giá cặp EUR/USD tăng lên 1,0880, .

Chỉ số Euro Stoxx 600 mở rộng đạt mức cao kỷ lục mới trong phiên giao dịch buổi sáng 6/6, nhưng chứng khoán châu Âu đã giảm nhẹ mức tăng trong phiên sau quyết định của ECB. Sự nhiệt tình của nhà đầu tư đối với việc cắt giảm lãi suất đã bị giảm bớt do dự báo lạm phát cao hơn.

Thị trường chứng khoán Madrid và Milan vượt trội so với các khu vực khác, mỗi thị trường tăng 0,6% vào chiều 6/6, trong khi Paris và Frankfurt đều tăng 0,1%.

Trong số các cổ phiếu vốn hóa lớn, cổ phiếu tăng giá hàng ngày nhiều nhất là SAP (tăng 4,1%), Fresenius (tăng 2,4%) và UniCredit (tăng 1,9%).

Tại Phố Wall, chỉ số S&P 500 không thay đổi ở gần mức cao nhất mọi thời đại, Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones tăng thêm 0,4%, trong khi Chỉ số tổng hợp Nasdaq giảm nhẹ 0,1%.

Theo Euro News, CNBC, Reuters
'FED và ECB bắt đầu nới lỏng: Tỷ giá và lãi suất sẽ dễ thở hơn'

'FED và ECB bắt đầu nới lỏng: Tỷ giá và lãi suất sẽ dễ thở hơn'

Ngân hàng
(VNF) - Ông Park Won Sang - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam dự báo, FED và ECB sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua cắt giảm lãi suất điều hành trong nửa cuối năm 2024, thị trường tài chính nhờ đó sẽ hưởng lợi. Việc điều hành vĩ mô của Việt Nam, đặc biệt là tỷ giá và lãi suất sẽ “dễ thở” hơn.
Cùng chuyên mục
Tin khác