Nhật Bản chấm dứt kỷ nguyên lãi suất âm, đồng yên sụt giá thấp nhất 34 năm

Vy Ba - 27/03/2024 15:01 (GMT+7)

(VNF) - Chính phủ Nhật Bản tiến gần hơn đến việc can thiệp tiền tệ trước cảnh báo mạnh mẽ nhất khi đồng yên trượt xuống mức yếu nhất trong khoảng 34 năm so với đồng USD.

Sáng 27/3, đồng yên Nhật đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ năm 1990 so với "đồng bạc xanh" của Mỹ khi ghi nhận tỷ giá 151,97 yên/USD, vượt qua mức 151,95 vào tháng 10/2022. Đây là mốc khiến giới chức Nhật Bản khi đó phải can thiệp để kéo giá yên lên.

Đồng yên mất giá dù Nhật Bản dừng lãi suất âm.

“Chúng tôi đang theo dõi các diễn biến của thị trường với tinh thần hết sức cấp bách”, Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki cho hay.

Các thị trường luôn lo ngại mốc 152 yên, dù giới chức khẳng định họ không có mốc giá cụ thể nào để can thiệp. Họ chỉ có động thái nếu đánh giá có dấu hiệu đầu cơ.

Các nhà hoạch định chính sách đang hết lựa chọn trong việc mua tiền tệ để hỗ trợ sau khi đợt tăng lãi suất đầu tiên của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) kể từ năm 2007 không thay đổi được quỹ đạo của nó.

BoJ ngày 19/3 thông báo nâng lãi suất ngắn hạn lên mức “khoảng 0-0,1%", từ mức -0,1%. Dù mức tăng không đáng kể nhưng đây là lần đầu tiên lãi suất tại Nhật tăng lên sau 17 năm.

Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin được công bố chính thức, yên Nhật mất giá so với các tiền tệ khác.

Theo các chuyên gia, sự sụt giảm của đồng yên đã gây áp lực buộc các nhà hoạch định chính sách phải hành động vì nó có xu hướng làm tăng chi phí sinh hoạt cho các hộ gia đình Nhật Bản bằng cách khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt hơn.

Ông Rodrigo Catril, chiến lược gia FX cấp cao tại National Australia Bank Ltd. ở Sydney, cho biết: “Với lịch sử gần đây, việc vượt mốc 152 có thể dẫn đến sự can thiệp của chính phủ”.

Các chuyên gia cho rằng nếu đồng yên tiếp tục mất giá, Bộ trưởng Tài chính Suzuki có thể kêu gọi mua đồng yên trên thị trường. Các nhà chức trách ở Tokyo đã chi 9,2 nghìn tỷ yên (60,6 tỷ USD) vào năm 2022 để hỗ trợ đồng yên trong ba lần.

Các nhà đầu tư kỳ vọng chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và các nền kinh tế phát triển khác, đặc biệt là Mỹ, vẫn còn lớn ngay cả sau khi BoJ chấm dứt chế độ lãi suất âm cuối cùng trên thế giới vào tuần trước. Điều đó đang làm suy yếu đồng yên khi các nhà đầu tư ưa chuộng các loại tiền tệ có lãi suất cao hơn ở nơi khác.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm là khoảng 4,2%, cao hơn khoảng 3,5 điểm phần trăm so với các đối tác Nhật Bản, gần với mức chênh lệch lớn nhất trong thập kỷ qua.

Hiện các nhà giao dịch quyền chọn đang theo dõi tỷ giá cặp USD-yên vì việc tăng lên 152 sẽ gây ra một số rào cản nhất định. Các nhà giao dịch cho biết việc vi phạm rào cản có thể khiến đồng tiền Nhật Bản kéo dài đà giảm so với đồng bạc xanh vì các nhà đầu tư nắm giữ quyền chọn mua ngược sẽ cần phải đảm bảo các vị thế bán khống lớn bằng đồng USD-yên.

Xem thêm >> Nhật Bản chấm dứt kỷ nguyên lãi suất âm: Điều gì đang chờ phía trước?

Theo Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.