Ngân hàng tuần qua: Agribank báo lãi riêng lẻ bán niên gần 9.500 tỷ đồng, NCB bổ nhiệm dàn lãnh đạo mới
Hải Đường -
07/08/2021 15:09 (GMT+7)
(VNF) - NCB bổ nhiệm dàn lãnh đạo mới; Agribank lãi riêng lẻ gần 9.500 tỷ đồng nửa đầu năm, tăng trưởng 40%; MSB triển khai phát hành hơn 352 triệu cổ phiếu; ông Nguyễn Văn Lê xin từ nhiệm Tổng giám đốc SHB;…là những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.
NCB bổ nhiệm dàn lãnh đạo mới
Sau khi bà Bùi Thị Thanh Hương được bầu giữ vị trí chủ tịch HĐQT, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) tiếp tục công bố quyết định bổ nhiệm quyền tổng giám đốc và hai phó tổng giám đốc. Đáng chú ý, dàn lãnh đạo mới đều là các "nữ tướng".
Theo NCB, việc bổ sung nguồn lực, củng cố đội ngũ ban điều hành sẽ giúp ngân hàng này thúc đẩy tái cấu trúc mạnh mẽ, tăng trưởng và phát triển, đảm bảo lợi ích tốt nhất cho ngân hàng cũng như lợi ích của các cổ đông, nhà đầu tư.
Cụ thể, từ ngày 3/8, bà Dương Thị Lệ Hà sẽ đảm nhận vị trí quyền tổng giám đốc NCB thay cho ông Phạm Thế Hiệp. Ông Phạm Thế Hiệp vẫn đảm nhận vị trí thành viên HĐQT NCB.
Bà Dương Thị Lệ Hà đã có 26 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Trước khi đảm nhiệm vị trí quyền tổng giám đốc, bà Hà là phó tổng giám đốc thường trực, trưởng ban kiểm soát NCB.
Bà Hà cũng từng là phó tổng giám đốc - Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) và có nhiều năm công tác tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
Ngoài bà Lệ Hà, HĐQT cũng bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Thùy Dương và bà Hoàng Thu Trang làm phó tổng giám đốc NCB.
Như vậy, ban điều hành NCB hiện gồm có: bà Dương Thị Lệ Hà, quyền tổng giám đốc và 5 phó tổng giám đốc gồm: ông Nguyễn Hồng Long, ông Nguyễn Đình Tuấn, bà Lê Kim Chi, bà Nguyễn Thị Thùy Dương và bà Hoàng Thu Trang.
Theo thống kê của VietnamFinance, ở những tuần đầu năm 2021, thị giá bình quân của cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội dao động trên dưới ngưỡng 17.000 đồng/cổ phiếu, với thanh khoản tương ứng trên 12,4 triệu đơn vị mỗi phiên.
Kể từ ngày 19/1, cổ phiếu SHB bắt đầu lao dốc khá nhanh. Sau loạt phiên "dò đáy", giá cổ phiếu SHB chỉ còn hơn 12.270 đồng/đơn vị - mức giá chốt phiên 1/2 với thanh khoản gần 20 triệu cổ phiếu. Như vậy, SHB đã "bốc hơi" đến 27,8% chỉ sau gần 10 phiên cuối tháng.
Bước sang tháng 2, cổ phiếu SHB đã đảo chiều bật tăng. Tuy nhiên, nhìn chung mức tăng của cổ phiếu SHB vẫn là khá thấp so với sự thăng hoa của toàn thị trường. SHB đã ì ạch hơn 1 tháng, ở quanh ngưỡng trung bình 13.500 đồng/cổ phiếu với thanh khoản tăng mạnh lên 31,6 triệu đơn vị/phiên, chỉ cao hơn 10% so với mức "đáy" hồi đầu tháng 2, tính đến ngày 10/3.
Đáng chú ý, ở tuần cuối cùng của tháng 3, cổ phiếu SHB bất ngờ tăng mạnh với 4 phiên liên tiếp tăng hơn 9% (26/3 - 31/3), qua đó nâng mức giá kết thúc quý I của SHB lên 25.700 đồng/cổ phiếu, cao hơn 74% so với thị giá hồi đầu tháng 3.
Tính chung tháng 4, cổ phiếu SHB dao động trung bình trong khoảng 25.700 đồng/đơn vị, và bắt đầu có những phiên điều chỉnh ở nửa đầu tháng 5.
Chi đến khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho SHB và một số ngân hàng khác được nới room tín dụng, từ ngày 13/5 đến 17/5, cổ phiếu của nhà băng này mới tăng mạnh với 2 phiên tăng kịch biên độ và 1 phiên tăng gần 4%, qua đó đưa thị giá lên 29.700 đồng/cổ phiếu, cao hơn 23,7% so với giá đóng cửa ngày 4/5.
Đến trung tuần tháng 6, thời điểm 175 triệu cổ phiếu SHB chính thức được giao dịch bổ sung (cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 10%), giá trị của cổ phiếu SHB mới có sự thay đổi rõ nét, khi giảm liên tiếp từ 29.000 đồng (ngày 8/6) xuống 27.000 đồng/đơn vị (ngày 16/6), giảm 6,8% sau 1 tuần.
Mức giá này tiếp tục giằng co ở những phiên kế tiếp. Cho đến cuối tháng 6, cổ phiếu SHB nhanh chóng tìm lại được sắc xanh và hồi phục về ngưỡng 30.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 5/7.
Tuy nhiên ngay sau đó, SHB ghi nhận 3 phiên liên tiếp sụt giảm mạnh (8/7 - 12/7) khiến cho thị giá "bốc hơi" hơn 21%, còn 23.700 đồng/cổ phiếu. Trong đó phiên 12/7 giảm sâu nhất với 8,85%, thanh khoản lên đến 41,6 triệu đơn vị.
Kể từ đó đến nay, giá cổ phiếu SHB có xu hướng tăng trở lại nhưng với biên độ khá nhỏ. Kết thúc phiên 3/8, cổ phiếu SHB tăng nhẹ 0,7% lên 27.500 đồng/cổ phiếu.
Agribank lãi riêng lẻ gần 9.500 tỷ đồng nửa đầu năm, tăng trưởng 40%
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ bán niên vừa công bố, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) ghi nhận 9.464 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thu nhập lãi thuần của Agribank tăng mạnh 29%, nhờ doanh thu tín dụng tăng trong khi chi phí huy động lại giảm.
Trong khi đó, các mảng phi tín dụng cũng đều tăng trưởng tốt. Cụ thể, mảng dịch vụ đem về 2.527 tỷ đồng lãi thuần, tăng 22% so với nửa đầu năm ngoái; mảng ngoại hối đem về 758 tỷ đồng, tăng trưởng 30%; mảng mua bán chứng khoán đầu tư lãi thuần 20,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ thuần 18,1 tỷ đồng. Đặc biệt, các hoạt động khác đem về tới 4.293 tỷ đồng lãi thuần, tăng trưởng tới 60%.
Song song với việc thu nhập hoạt động tăng mạnh, chi phí hoạt động lại bất ngờ giảm 6% giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh nửa đầu năm nay lên đến 22.114 tỷ đồng, tăng tới 66% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhờ đó, dù tăng gần gấp đôi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên 12.650 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế của Agribank vẫn tăng tới 40%, như đã đề cập phía trên.
Tính đến hết ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Agribank ở mức trên 1,62 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng ở mức trên 1,23 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 1,6% sau 6 tháng. Tỷ lệ nợ xấu đạt 1,98%.
Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng đạt trên 1,46 triệu tỷ đồng, tăng 4,2%. Vốn chủ sở hữu ở mức 74.473 tỷ đồng.
MSB triển khai phát hành hơn 352 triệu cổ phiếu, tăng vốn lên 15.275 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (HoSE: MSB) vừa phê duyệt triển khai tăng vốn điều lệ thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu.
MSB dự kiến phát hành 352,5 triệu cổ phiếu mới, tương đương tỷ lệ 30% để trả cổ tức cho các cổ đông hiện hữu. Tại ngày chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền, cổ đông nắm giữ 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 30 cổ phiếu mới.
Nguồn vốn sử dụng để tăng vốn điều lệ là lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức năm 2020 sau khi trích lập đủ các khoản, quỹ theo quy định của pháp luật và lợi nhuận năm trước còn lại chưa chia. Tính đến cuối năm 2020, lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối của ngân hàng này là hơn 4.775 tỷ đồng.
Sau phát hành, số lượng cổ phiếu lưu hành của MSB dự kiến tăng từ 1,175 tỷ lên hơn 1,527 tỷ đơn vị, vốn điều lệ cũng tăng tương đương từ mức 11.750 tỷ đồng lên 15.275 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III này, sau khi MSB nhận được chấp thuận từ các cơ quan quản lý.
Ông Võ Đức Tiến thay ông Nguyễn Văn Lê phụ trách điều hành SHB
Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa có thông cáo báo chí chính thức liên quan đến việc thay đổi nhân sự Tổng giám đốc.
Theo đó, căn cứ đơn từ nhiệm vì lý do sức khỏe của ông Nguyễn Văn Lê, tại cuộc họp HĐQT thường kỳ ngày 26/7/2021, HĐQT ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã đồng ý đề xuất xin từ nhiệm chức danh Tổng giám đốc của Ông Nguyễn Văn Lê từ ngày 04/8/2021.
Ông Nguyễn Văn Lê sẽ tiếp tục là thành viên HĐQT tại ngân hàng SHB. Trong thời gian chưa bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới, HĐQT SHB giao ông Võ Đức Tiến - Phó Chủ tịch HĐQT phụ trách điều hành kể từ ngày 04/08/2021 cho tới khi có Quyết định khác thay thế.
Ông Nguyễn Văn Lê là Tiến sỹ kinh tế với gần 30 năm kinh nghiệm công tác và quản lý trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, và giữ chức danh Tổng Giám đốc SHB từ năm 1999.
Ông Nguyễn Văn Lê sẽ rời ghế CEO của SHB sau gần 23 năm gắn bó và đưa ngân hàng này đạt nhiều thành tựu nổi bật, bước qua nhiều giai đoạn phát triển và chuyển mình mạnh mẽ. Đặc biệt phải kể đến thương vụ nhận sáp nhập thành công Habubank trở thành thương vụ điển hình thành công trong đề án tái cấu trúc của hệ thống ngân hàng, sáp nhập công ty tài chính cổ phần Vinaconex – Viettel…
Người được HĐQT SHB giao phụ trách điều hành, ông Võ Đức Tiến sinh năm 1962, Thạc sỹ Kinh tế và Cao cấp lý luận Chính trị. Ông có 37 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, từng phụ trách các vị trí quản lý tại Agribank, Ngân hàng chính sách xã hội…
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone