Ngân hàng tuần qua: BIDV hoàn thành mục tiêu lợi nhuận, SeABank chốt quyền mua 181 triệu cổ phiếu

Hải Đường - 08/01/2022 08:34 (GMT+7)

(VNF) - SeABank chốt quyền phát hành hơn 181 triệu cổ phiếu; VietinBank và BIDV hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm; tăng mức phạt lấy cắp thông tin thẻ ngân hàng;… là những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

VNF
BIDV hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2021, dư nợ tín dụng tăng gần 12% là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua

VietinBank đấu giá khoản nợ hơn 234 tỷ đồng của 2 công ty trong lĩnh vực xây dựng

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) trong tuần qua đã thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Cung ứng Vật tư Xây dựng Gia Bảo và Công ty TNHH MTV Xây dựng Thủy Tiên.

Tổng giá trị theo thông báo của VietinBank là hơn 234 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khoản nợ của Công ty TNHH Cung ứng Vật tư Xây dựng Gia Bảo bao gồm nợ gốc là 55,8 tỷ đồng, nợ lãi là gần 105 tỷ đồng.

Giá trị khoản nợ của Công ty TNHH MTV Xây dựng Thủy Tiên bao gồm nợ gốc là 73,5 tỷ đồng, nợ lãi là 49 tỷ đồng.

Giá khởi điểm mà VietinBank đưa ra cho khoản nợ này là hơn 190 tỷ đồng, thấp hơn giá trị của khoản nợ khoảng 18,7%.

Trước đó vào tháng 8/2020, VietinBank cũng từng thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá cho khoản nợ của 2 công ty này với mức giá khởi điểm là hơn 219 tỷ đồng, cao hơn mức giá được đưa ra ở thời điểm hiện tại khoảng 15%.

>>> Xem thêm: VietinBank đấu giá khoản nợ hơn 234 tỷ đồng của 2 công ty trong lĩnh vực xây dựng

SeABank chốt quyền phát hành hơn 181 triệu cổ phiếu, huy động hơn 2.700 tỷ

18/1/2022 là ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HoSE: SSB) thực hiện quyền mua cổ phiếu trong đợt phát hành tới đây. Thời gian chuyển nhượng quyền mua cổ phần là từ ngày 26/1 đến ngày 22/2.

Được biết, SeABank sẽ chào bán hơn 181 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền là 100:12,2633. Cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu tại ngày chốt danh sách có 1 quyền mua, cứ 100 quyền mua được mua thêm 12,2633 cổ phiếu mới.

Giá chào bán theo công bố của SeABank là 15.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 66% so với thị giá của SSB trên thị trường chứng khoán. Số tiền ngân hàng này dự kiến huy động được là hơn 2.719 tỷ đồng.

Theo phương án sử dụng vốn, SeABank dự kiến dùng hơn 2.019 tỷ đồng để cho vay khách hàng doanh nghiệp, cá nhân; dùng 700 tỷ đồng để đầu tư trái phiếu tổ chức tín dụng và trái phiếu Chính phủ.

Sau phát hành, vốn điều lệ của SeABank sẽ tăng từ 14.785 tỷ đồng lên 16.599 tỷ đồng.

>>> Xem thêm: SeABank chốt quyền phát hành hơn 181 triệu cổ phiếu, huy động hơn 2.700 tỷ

Ngân hàng kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm trong quý I/2022

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, quý I/2022, tăng trưởng tín dụng có thể sẽ tiếp tục bỏ xa tăng trưởng huy động vốn.

Cụ thể, huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 2,6% trong quý I/2022 và tăng 12,1% trong năm 2022. Trong khi đó, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 5,3% trong quý I/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022. Trước đó, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết tính đến ngày 24/12/2021, huy động vốn của toàn hệ thống TCTD tăng 8,44%, thấp hơn nhiều mức tăng 12,97% của dư nợ tín dụng.

Đáng chú ý, kết quả điều tra cho hay các TCTD nhận định tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu “tăng nhẹ” trong quý IV/2021 nhưng kỳ vọng sẽ “giảm nhẹ” trở lại trong quý I/2022.

Trong 6 tháng đầu năm 2022 và cả năm 2022, các TCTD dự kiến “nới lỏng nhẹ” tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình và áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên. 

Về hoạt động kinh doanh, 72,2-84,2% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2022 với mức độ cải thiện cao hơn so với năm 2021.

>>> Xem thêm: Ngân hàng kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm trong quý I/2022

Lấy cắp thông tin thẻ ngân hàng bị phạt đến 150 triệu đồng

Chính phủ ban hành Nghị định 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung Khoản 7 Điều 28 vi phạm quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Cụ thể, phạt tiền từ 100-150 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện thực hiện việc sử dụng thẻ trả trước vô danh trên môi trường internet, chương trình ứng dụng trên thiết bị di động hoặc rút tiền mặt;

Chuyển mạch thẻ, bù trừ giao dịch thẻ, quyết toán giao dịch thẻ không đúng theo quy định pháp luật về hoạt động thẻ ngân hàng; chuyển thiết bị chấp nhận thẻ, QR Code cho bên khác sử dụng; chấp nhận thanh toán thẻ mà không có hợp đồng thanh toán thẻ; sử dụng trái phép các thiết bị chấp nhận thẻ, QR Code.

Bên cạnh đó là các hành vi: Thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện để người khác thực hiện các hành vi giao dịch thẻ gian lận, giả mạo; giao dịch thanh toán khống tại đơn vị chấp nhận thẻ (không phát sinh việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ); lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin thẻ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung Khoản 6 Điều 28. Cụ thể, phạt tiền từ 50-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thuê, cho thuê, mua, bán thẻ hoặc thông tin thẻ, mở hộ thẻ (trừ trường hợp thẻ trả trước vô danh) với số lượng từ 10 thẻ trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; phát hành thẻ, thanh toán thẻ không đúng quy định của pháp luật;

Không từ chối thanh toán thẻ trong trường hợp sử dụng thẻ để thực hiện các giao dịch thẻ bị cấm theo quy định của pháp luật, thẻ đã được chủ thẻ thông báo bị mất, thẻ hết hạn sử dụng, thẻ bị khóa, sử dụng thẻ không đúng phạm vi đã thỏa thuận tại hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về phát hành và sử dụng thẻ.

>>> Xem thêm: Lấy cắp thông tin thẻ ngân hàng bị phạt đến 150 triệu đồng

VietinBank: Lợi nhuận 2021 vượt kế hoạch, năm 2022 mục tiêu tăng 10-20%

Tại hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, Phó tổng giám đốc phụ trách ban điều hành Nguyễn Hoàng Dũng cho biết tính đến hết ngày 31/12/2021, dư nợ bình quân của VietinBank tăng 12,3% so với năm 2020; tỷ trọng dư nợ bán lẻ và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 57%, cải thiện tích cực so với năm 2020; thu ngoài lãi tăng trên 20%; nguồn vốn CASA tăng hơn 20% so với cùng kỳ.

Tỷ trọng tiền gửi CASA/tổng nguồn vốn năm 2021 đạt 20%. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt và vượt kế hoạch ĐHĐCĐ giao.

Tính đến hết năm 2021, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank được kiểm soát ở mức 1,3%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu 171% - cao hơn so với năm 2020.

Trong năm 2022, VietinBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tăng 10% - 20%; tổng tài sản tăng trưởng khoảng 5% - 10%; tín dụng tăng trưởng khoảng 10% - 14%; nguồn vốn huy động tăng trưởng 10% - 12%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

>>> Xem thêm: VietinBank: Lợi nhuận 2021 vượt kế hoạch, năm 2022 mục tiêu tăng 10-20%

BIDV hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2021, dư nợ tín dụng tăng gần 12%

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác Đảng và kinh doanh năm 2022, phía BIDV cho biết đến ngày 31/12/2021, ngân hàng này đều đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh được Ngân hàng Nhà nước và ĐHCĐ giao.

Cụ thể, tổng tài sản tính đến cuối năm 2021 của BIDV đạt 1,72 triệu tỷ đồng, tăng 16,3% so với năm 2020, là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất trong nước.

Tổng nguồn vốn huy động đạt 1,61 triệu tỷ đồng, trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1,49 triệu tỷ đồng, tăng 16,9% so với năm 2020, chiếm hơn 11% thị phần tiền gửi toàn ngành. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,65 triệu tỷ đồng; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,33 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020 và chiếm 13% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN kiểm soát ở mức 0,81%, giảm 0,73% so với năm 2020; tỷ lệ nợ nhóm 5 ở mức 0,42%, giảm 0,82% so với năm 2020. Đại diện BIDV cho biết ngân hàng đã thực hiện việc trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định.

Phía BIDV không tiết lộ số liệu lợi nhuận cụ thể của năm 2021, tuy nhiên ngân hàng này cho biết đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm do Ngân hàng Nhà nước giao, lợi nhuận trước thuế của khối công ty con đạt 1.094 tỷ đồng.

>>> Xem thêm: BIDV hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2021, dư nợ tín dụng tăng gần 12%

 

 

Cùng chuyên mục
Tin khác