Ngân hàng tuần qua: Dragon Capital nâng sở hữu tại VPBank, OCB được chấp thuận tăng vốn

Ngân Kim - 04/06/2022 18:03 (GMT+7)

(VNF) - Trong tuần vừa qua, nhóm quỹ Dragon Capital đã mua vào 2,1 triệu cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB), nâng tỷ lệ sở hữu từ 5,98% lên 6,03%.

VNF
VPBank: Dragon Capital mua vào 2,1 triệu cổ phiếu là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua

Cựu Tổng giám đốc DongA Bank Trần Phương Bình tiếp tục bị khởi tố

Căn cứ tài liệu, kết quả điều tra, ngày 24/5/2022, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á, Công ty CP M&C và các đơn vị liên quan.

Đồng thời, cơ quan công an cũng ra quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam (thời hạn 04 tháng) về tội Vi phạm quy định về ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, quy định tại Điều 206, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), đối với một số bị can.

Các bị can bị khởi tố gồm: Trần Phương Bình, sinh năm 1959, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á; Nguyễn Đức Tài, sinh năm 1968, nguyên Giám đốc Sở Giao dịch, Ngân hàng TMCP Đông Á; Phùng Ngọc Khánh, sinh năm 1963, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần M&C.

Bộ Công an cho biết sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định và lệnh đúng quy định pháp luật. Hiện, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng để điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các bị can, mở rộng vụ án và thu hồi tài sản.

Như vậy, đây là vụ án thứ 4 ông Trần Phương Bình bị khởi tố vì những sai phạm dẫn tới thất thoát tiền của Ngân hàng Đông Á.

>>> Xem thêm: Cựu Tổng giám đốc DongA Bank Trần Phương Bình tiếp tục bị khởi tố

Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho OCB tăng vốn lên gần 13.758 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) trong tuần vừa qua đã công bố nhận được công văn số 3479/NHNN-TTGSNH của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc chấp thuận tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, NHNN đã chấp thuận cho OCB tăng vốn điều lệ thêm gần 59 tỷ đồng. Trong đó, tăng vốn điều lệ thêm 50 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và thêm  8,82 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài (ngân hàng Aozora – Nhật Bản) theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ thường niên 2021 thông qua.

Cổ phần mới phát hành sẽ chịu hạn chế chuyển nhượng trong vòng 4 năm kể từ ngày phát hành, sau mỗi năm sẽ được chuyển nhượng 25%.

Như vậy, sau khi hoàn tất đợt phát hành này, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng lên 13.758 tỷ đồng.

>>> Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho OCB tăng vốn lên gần 13.758 tỷ đồng

‘Một phần dòng tiền rẻ từ ngành ngân hàng tràn vào TTCK, bất động sản'

Tại phiên thảo luận ngày 1/6, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến xoay quanh việc kéo dài thực hiện Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) đề nghị kéo dài Nghị quyết 42 đến cuối năm 2023 để tránh khoảng trống pháp lý trong thời gian đợi gia cố khuôn khổ pháp luật về xử lý nợ xấu.

Vị đại biểu này cho rằng kết quả xử lý nợ xấu thời gian qua chưa thực sự vững chắc, thực trạng xử lý nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu ngân hàng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Trong đó, nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng này là do một phần đáng kể của dòng tiền "dễ dãi" đã và đang tìm tới các kênh đầu tư và nhóm tài sản rủi ro không được khuyến khích, bao gồm các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và nhiều tài sản khác tài chính khác.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng đặt nghi vấn về tình trạng dòng tiền rẻ từ ngành ngân hàng bơm ra một phần đáng kể đã tràn vào thị trường chứng khoán nói riêng, thị trường bất động sản và nhiều thị trường tài sản tài chính nói chung.

“Đòn bẩy tài chính mà các nhà đầu tư sử dụng vốn ngân hàng hoạt động thế nào, liệu nợ xấu ngân hàng trong các lĩnh vực rủi ro này ở mức bao nhiêu và sẽ còn gia tăng như thế nào trong thời gian tới?”, đại biểu Hà Sỹ Đồng đặt nghi vấn.

>>> Xem thêm: ‘Một phần dòng tiền rẻ từ ngành ngân hàng tràn vào TTCK, bất động sản'

VPBank: Dragon Capital mua vào 2,1 triệu cổ phiếu là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua

VPBank: Dragon Capital mua vào 2,1 triệu cổ phiếu

Quỹ thành viên của Dragon Capital là Hanoi Investments Holdings Limited trong tuần qua đã mua vào 2,1 triệu cổ phiếu VPB trong phiên 31/5/2022, tăng tổng số lượng nắm giữ của cả nhóm từ hơn 266 triệu đơn vị lên hơn 268 triệu đơn vị.

Tỷ lệ sở hữu cũng tăng tương ứng từ 5,98% lên 6,03%.

Tạm tính theo thị giá của VPB trong phiên thực hiện giao dịch, Dragon Capital có thể đã chi khoảng 65 tỷ đồng.

Được biết, hồi đầu tháng 3/2022, VPBank đã lấy ý kiến cổ đông về điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,5% vốn điều lệ.

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết đã nhận được hồ sơ thông báo thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của VPBank ở mức 17,38% và đề nghị ngân hàng này công bố theo quy định của pháp luật.

>>> Xem thêm: VPBank: Dragon Capital mua vào 2,1 triệu cổ phiếu

Nữ nhân viên ngân hàng tuyên bố vỡ nợ 100 tỷ đồng đã bị bắt

Ngày 3/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC01) Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, vừa khởi tố, bắt tạm giam Hoàng Anh Trúc (31 tuổi, ngụ phường 2, TP. Đà Lạt), nhân viên của ngân hàng B.A, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bước đầu, PC01 xác định, năm 2018, khi làm nhân viên của ngân hàng B.A, chi nhánh Đà Lạt, Trúc nhận làm đáo hạn cho khách hàng vay vốn tại ngân hàng.

Ban đầu, Trúc chỉ đứng ra giới thiệu cho khách hàng trực tiếp làm việc với những người có tiền cho vay; sau khi đáo hạn xong, những người cho vay chia cho Trúc một phần tiền lãi do khách đáo hạn chi trả.

Từ tháng 10/2020, những người cho vay yêu cầu Trúc đứng ra trực tiếp vay tiền của họ rồi đáo hạn cho khách hàng vì họ chỉ biết nhân viên ngân hàng chứ không biết những người vay tiền.

Phía cho vay yêu cầu, khoảng 3 - 4 ngày sau khi vay tiền để đáo hạn cho khách hàng, Trúc phải chuyển lại số tiền gốc và khoản tiền lãi theo thỏa thuận. Sau đó, họ sẽ chuyển cho Trúc khoản tiền cho vay mới.

Một số người cho vay trừ tiền lãi trước khi chuyển khoản cho Trúc vay, sau đó yêu cầu Trúc phải trả lại đủ tiền gốc theo giấy mượn.

Ngoài ra, một số người cho Trúc vay một khoản tiền “cứng” (cho vay nhưng không yêu cầu trả dứt điểm), sau đó yêu cầu Trúc chuyển trả tiền gốc kèm lãi vào thời điểm thoả thuận.

Đến tháng 10/2021, Trúc đã nợ tiền của rất nhiều người. Để che giấu không cho những chủ nợ biết, Trúc tiếp tục vay của người này để trả gốc cho người kia. Từ ngày 20/1/2022, Trúc đã nợ gần 20 người với số tiền khoảng 100 tỷ đồng.

Bị nhiều người gây áp lực, yêu cầu trả nợ, ngày 10/2/2022, Trúc tuyên bố không còn khả năng trả nợ. Các chủ nợ của Trúc đã gửi đơn tố cáo đến Công an tỉnh Lâm Đồng.

>>> Xem thêm: Nữ nhân viên ngân hàng tuyên bố vỡ nợ 100 tỷ đồng đã bị bắt

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.