Ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: Loạt nhà băng được tăng vốn, TPBank ước lãi bán niên tăng trưởng 48%

(VNF) - TPBank ước lãi bán niên hơn 3.000 tỷ đồng; HDBank chia cổ tức tỷ lệ 25%; SCB ước lãi bán niên 456 tỷ đồng; SeABank chốt quyền cổ tức năm 2020 tỷ lệ hơn 9%; NCB, CIMB Việt Nam và ABBank đồng loạt được chấp thuận tăng vốn;…là những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Ngân hàng tuần qua: Loạt nhà băng được tăng vốn, TPBank ước lãi bán niên tăng trưởng 48%

TPBank ước lãi trước thuế bán niên hơn 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng gần 48% là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

TPBank ước lãi trước thuế bán niên hơn 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng gần 48%

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) vừa công bố kết quả kinh doanh ước tính 6 tháng đầu năm với mức lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ và hoàn thành hơn nửa kế hoạch cả năm.

Tổng thu nhập hoạt động của TPBank lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 6.233 tỷ đồng, tăng 27,74% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 3.007 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng ở mức 47,8% và hoàn thành 54% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tính đến cuối tháng 6/2021, tổng tài sản của TPBank ước đạt hơn 242.000 tỷ đồng, tăng 17,3% so với thời điểm cuối năm 2020 và hoàn thành 96,8% kế hoạch cả năm. Tổng huy động ước đạt hơn 217.000 tỷ đồng, tăng 17,46% và hoàn thành 98,3% kế hoạch.

Phía TPBank cho biết nguyên nhân chính giúp tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng là nhờ thực hiện một loạt các giải pháp tiết giảm chi phí và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Trong đó, chi phí hoạt động chỉ tăng 6,19% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng của doanh thu. Chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) cũng giảm mạnh từ 43% cuối tháng 6/2020 xuống còn 36% ở thời điểm kết thúc quý II/2021.

>>> Xem thêm: TPBank ước lãi trước thuế bán niên hơn 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng gần 48%

HDBank chia cổ tức tỷ lệ 25%, tăng vốn điều lệ lên hơn 20.000 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank, HoSE:HDB) vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%, qua đó tăng vốn điều lệ lên hơn 20.073 tỷ đồng.

Cụ thể, HDBank sẽ phát hành hơn 398 triệu cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ phân phối 25%. Theo HDBank, nguồn vốn để phát hành từ lợi nhuận chưa phân phối đã được kiểm toán và trích lập đầy đủ các quỹ theo quy định.

Việc chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức dự kiến sẽ được thực hiện trong tháng 7/2021.

Chốt quý I, HDBank đạt 3.363 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế tăng mạnh hơn ở mức 67,8%, đạt 2.100 tỷ đồng.

Tính đến hết quý I, tổng tài sản của HDBank đạt 325.821 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với thời điểm đầu năm 2021. Tiền gửi khách hàng đạt 184.988 tỷ đồng, dư nợ cho vay khách hàng đạt 187.279 tỷ đồng, lần lượt tăng 5,9% và 5% so với thời điểm đầu năm.

>>> Xem thêm: HDBank chia cổ tức tỷ lệ 25%, tăng vốn điều lệ lên hơn 20.000 tỷ đồng

Ngân hàng Quốc Dân (NCB) được chấp thuận tăng vốn thêm 1.500 tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB, HNX: NVB) tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.500 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHCĐ thông qua.

Theo đó, NCB dự kiến chào bán 150 triệu cổ phiếu, tương đương gần 37% vốn điều lệ cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1 cổ phiếu được hưởng 1 quyền mua, 1 quyền mua sẽ được mua 0,3687 cổ phiếu tăng vốn mới.

Vốn điều lệ của NCB sẽ tăng từ 4.100 tỷ đồng lên hơn 5.600 tỷ đồng sau phát hành.

Về mục đích sử dụng vốn, NCB dự kiến chi 50 tỷ để thay đổi và xây dựng hình ảnh hương hiệu, 150 tỷ để đầu tư phát triển hạng mục Digital Banking, khoảng 300 tỷ tăng vốn bổ sung cho công ty AMC và 1.000 tỷ còn lại để bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh.

NHNN cho biết, việc sử dụng vốn thu được từ việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu 1.500 tỷ đồng phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả để nâng cao năng lực tài chính, ưu tiên xử lý các tồn tại tài chính, trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro theo quy định, không sử dụng vào các mục đích cấp tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro, bất động sản.

>>> Xem thêm: Ngân hàng Quốc Dân (NCB) được chấp thuận tăng vốn thêm 1.500 tỷ đồng

Ngân hàng CIMB Việt Nam được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên gần 3.700 tỷ đồng

Tại văn bản số 4603/NHNN-TTGSNH mới ban hành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TNHH MTV CIMB Việt Nam (CIMB Việt Nam).

Cụ thể, NHNN chấp thuận việc CIMB Việt Nam tăng vốn điều lệ từ 3.467,2 tỷ đồng lên 3.698,2 tỷ đồng.

Văn bản nêu rõ, CIMB Việt Nam có trách nhiệm thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc tăng mức vốn điều lệ, CIMB Việt Nam có văn bản đề nghị sửa đổi mức vốn điều lệ tại giấy phép thành lập và hoạt động gửi NHNN Việt Nam.

CIMB Việt Nam thuộc Tập đoàn CIMB – một trong những ngân hàng hàng đầu ASEAN hiện nay về công nghệ số. CIMB có mặt tại 15 quốc gia với trên 37.000 nhân viên phục vụ, cung cấp một loạt các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng cho các cá nhân, doanh nghiệp và tập đoàn.

Có mặt tại Việt Nam từ năm 2018, CIMB đặt trụ sở chính tại Hà Nội, cung cấp một loạt các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng cho các cá nhân, doanh nghiệp và tập đoàn. Thời điểm ra mắt tại Việt Nam, CIMB có vốn điều lệ là 3.203,2 tỷ đồng và có thời hạn hoạt động là 99 năm.

>>> Xem thêm: Ngân hàng CIMB Việt Nam được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên gần 3.700 tỷ đồng

ABBank: Lãi bán niên ước đạt 1.164 tỷ, được chấp thuận tăng vốn lên hơn 9.400 tỷ

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, UPCoM: ABB) vừa thông báo về việc nhận được công văn chấp thuận tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, ABBank được chấp thuận tăng vốn thêm hơn 3.696 tỷ đồng thông qua việc phát hành thêm gần 370 triệu cổ phiếu mới.

Cụ thể, theo phương án được ĐHCĐ năm 2021 thông qua, lộ trình tăng vốn điều lệ tại ABBank được chia thành hai đợt.

Ở đợt 1, ABBank sẽ phát hành hơn 114 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ phát hành 20% và phát hành hơn 11 triệu cổ phần, tương đương 2% vốn điều lệ, cho cán bộ nhân viên theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).  

Ở đợt 2, ABBank sẽ tiến hành chia hơn 243 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 35% trên số cổ phần sau khi tăng vốn đợt 1.

Vốn điều lệ của ABBank sau khi phát hành sẽ tăng lên hơn 9.409 tỷ đồng.

Phía ABBank cho biết, kết thúc quý II, ngân hàng này ước lợi nhuận trước thuế bán niên tăng 85% so với cùng kỳ năm 2020 lên 1.164 tỷ đồng.

Năm 2021, ABBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 1.985,74 tỷ đồng nếu hoàn tất tăng vốn điều lệ.

>>> Xem thêm: ABBank: Lãi bán niên ước đạt 1.164 tỷ, được chấp thuận tăng vốn lên hơn 9.400 tỷ

SCB ước lãi bán niên cao gấp 15 lần cùng kỳ, đạt 456 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) ước đạt 456 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2020 (riêng lẻ), cao gấp 15 lần cùng kỳ năm 2020. Thu nhập ngoài lãi ước đạt 3.000 tỷ đồng, trong đó thu nhập từ dịch vụ của SCB ước đạt 1.310 tỷ đồng, tương đương bằng 78% tổng thu nhập dịch cả năm 2020.

Doanh số bảo hiểm của SCB ước đạt gần 1.000 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh ngoại hối và kinh doanh chứng khoán ước đạt hơn 1.600 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý II, quy mô tài sản của SCB ước đạt 670.749 tỷ đồng, tăng 6% so với thời điểm đầu năm.

Huy động từ tổ chức kinh tế và dân dư của SCB tăng 5,8% so với cuối năm 2020, ước đạt 612.375 tỷ đồng, trong đó tiền gửi từ dân cư chiếm 93,6%.

Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu được kiểm soát lần lượt ở mức 1,19% và 0,89%.

Được biết, cuối tháng 6 vừa qua, SCB đã chào bán thành công thành hơn 478 triệu cổ phiếu ra công chúng, thu về hơn 4.788 tỷ đồng. Vốn điều lệ của ngân hàng tăng lên 20.020 tỷ đồng sau phát hành.

>>> Xem thêm: SCB ước lãi bán niên cao gấp 15 lần cùng kỳ, đạt 456 tỷ đồng

SeABank chốt quyền chia cổ tức năm 2020, tỷ lệ hơn 9% bằng cổ phiếu

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HoSE: SSB) thông báo, ngày 26/7 tới là ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông nhận cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 23/7.

Đợt chi trả cổ tức lần này của SeABank có tỷ lệ là 9,12%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được 9,12 cổ phiếu mới. Với hơn 1,2 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ngân hàng dự kiến sẽ phát hành thêm 110 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông.

Nguồn vốn phát hành lấy từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm cuối năm 2020. Phần cổ phiếu lẻ sẽ được trích quỹ khen thưởng, phúc lợi để giao cho công đoàn SeABank - hội sở mua và quản lý toàn bộ, làm nguồn cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên.

Phương án chia cổ tức này nằm trong kế hoạch tăng vốn đã được thông qua tại phiên họp thường niên năm 2021 của SeABank. Cách đây ít lâu, ngân hàng cũng lấy ý kiến bằng văn bản về việc chốt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa ở mức 5%.

Cổ đông giao và ủy quyền cho chủ tịch HĐQT thực hiện các thủ tục báo cáo, thông qua tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của SeABank tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và công bố thông tin theo quy định.

>>> Xem thêm: SeABank chốt quyền chia cổ tức năm 2020, tỷ lệ hơn 9% bằng cổ phiếu   

 

Từ khoá: TPBank, SeABank, ABBank, NCB, HDBank, SCB,
Tin mới lên