Ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: NCB báo lãi quý III tăng gấp 15 lần, Kienlongbank có tân quyền TGĐ

(VNF) - Trong tuần vừa qua, một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý là việc thay đổi nhân sự cấp cao ở Kienlongbank. Theo đó bà Trần Tuấn Anh chính thức được HĐQT của ngân hàng này thông qua đơn từ nhiệm vị trí tổng giám đốc và ông Trần Ngọc Minh, Phó tổng giám đốc Kienlongbank, được bổ nhiệm vào vị trí quyền tổng giám đốc.

Ngân hàng tuần qua: NCB báo lãi quý III tăng gấp 15 lần, Kienlongbank có tân quyền TGĐ

Kienlongbank có tân quyền TGĐ là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua

Dư nợ tín dụng 'dậm chân tại chỗ' trong 5 tuần, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng

Theo thông tin mới cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 7/10/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 5,65% so với cuối năm 2020.

Cùng thời kỳ, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm 2020.

Mặc dù mức tăng này cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2020 (5,48%) nhưng lại bằng mức tăng trưởng tín dụng đến ngày 31/8/2021. Như vậy, tín dụng đã chững lại trong suốt 5 tuần.

Đến cuối tháng 9/2021, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 278.000 khách hàng với dư nợ 238.000 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ 23/01/2020 khoảng 531.000 tỷ đồng.

"Công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng", phía Ngân hàng Nhà nước cho biết.

>>> Xem thêm: Dư nợ tín dụng 'dậm chân tại chỗ' trong 5 tuần, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng

NCB: Lãi trước thuế quý III tăng gấp 15 lần, nợ xấu tăng 31%

Thu nhập lãi thuần quý III của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB, HNX: NVB) đạt hơn 439 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020.

NCB trích lập dự phòng rủi ro hơn 132 tỷ đồng trong quý III, trong khi cùng kỳ năm 2020 chỉ trích lập vỏn vẹn 2 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng năm 2021, NCB đạt lần lượt hơn 1.088 tỷ đồng thu nhập lãi thuần và hơn 205 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương ứng tăng trưởng ở mức 31% và 620%.

Nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng đột biến của NCB là do trong năm 2020, ngân hàng này đã phải dành hơn 800 tỷ đồng trích lập theo đề án tái cấu trúc của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó kể từ quý II/2021, NCB đã không còn ghi nhận giá trị khoản trích lập này trên báo cáo tài chính.

Về chất lượng nợ vay, tổng dư nợ cho vay khách hàng của NCB tại thời điểm cuối quý III đạt 41.341 tỷ đồng, trong đó nợ xấu đạt giá trị hơn 800 tỷ đồng, tăng 31% so với thời điểm đầu năm.

Tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ từ 1,51% (đầu năm) lên 1,94% (cuối quý III).

>>> Xem thêm: NCB: Lãi trước thuế quý III tăng gấp 15 lần, nợ xấu tăng 31%

Kienlongbank có tân quyền TGĐ, báo lãi 9 tháng tăng gấp 6 lần

HĐQT Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank, UPCoM: KLB) đã thông qua đơn từ nhiệm vị trí tổng giám đốc của bà Trần Tuấn Anh kể từ ngày 15/10/2021 theo nguyện vọng cá nhân. Đồng thời, ngân hàng này cũng quyết định bổ nhiệm ông Trần Ngọc Minh - Phó tổng giám đốc vào vị trí quyền Tổng giám đốc.

Sau khi thôi giữ chức vụ tổng giám đốc, bà Trần Tuấn Anh vẫn tiếp tục là thành viên HĐQT của ngân hàng.

Bà Trần Tuấn Anh từ nhiệm khỏi vị trí Tổng giám đốc Kienlongbank sau hơn 3 năm ngồi ghế nóng

Cũng trong tuần vừa qua, Kienlongbank công bố kết quả kinh doanh quý III với thu nhập lãi thuần đạt 290 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020.

Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này trong quý III đạt hơn 72,8 tỷ đồng, tăng gần 74% so với quý III/2020.

Lũy kế 9 tháng năm 2021, Kienlongbank ghi nhận thu nhập lãi thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 1.517 tỷ đồng và 878 tỷ đồng, tương ứng tăng gần gấp đôi và tăng gấp 6 lần cùng kỳ năm 2020.

Tổng dư nợ cho vay khách hàng của Kienlongbank tại thời điểm cuối quý III đạt hơn 34.922 tỷ đồng, chênh lệch không đáng kể so với thời điểm đầu năm.

Trong đó, nợ xấu giảm mạnh 63% về mức hơn 697 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cũng giảm hơn 3 điểm % so với thời điểm đầu năm còn 2%. 

>>> Xem thêm: Bà Trần Tuấn Anh rời ghế tổng giám đốc Kienlongbank

SHB báo lãi 9 tháng tăng gần gấp đôi lên 5.055 tỷ đồng

Lũy kế 9 tháng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (HoSE: SHB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế 5.055 tỷ đồng, tăng gần 94% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 86% kế hoạch cả năm.

Phía SHB cũng cho biết, việc thoái vốn công ty tài chính tiêu dùng cho đối tác ngoại mang lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho ngân hàng này.

Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) đạt 1,5%; tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của SHB đạt 25,6%.

Tính đến ngày 30/9/2021, tổng tài sản SHB đạt 464.000 tỷ đồng, tăng 12,5% so với thời điểm đầu năm, vượt kế hoạch ĐHĐCĐ đã đề ra cho cả năm.

Vốn tự có của ngân hàng đạt hơn 43.300 tỷ đồng. Vốn điều lệ hiện đang là 19.260 tỷ đồng và dự kiến sẽ tăng lên 26.674 tỷ đồng trong năm nay thông qua việc chi trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 10,5% bằng cổ phiếu và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ thực hiện quyền 100:28, giá chào bán 12.500 đồng/cổ phiếu.

>>> Xem thêm: SHB báo lãi 9 tháng tăng gần gấp đôi lên 5.055 tỷ đồng

'Èo uột' tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng

Trong bối cảnh lãi suất huy động duy trì ở mức rất thấp cùng với tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến thu nhập, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng tăng trưởng rất chậm.

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến cuối tháng 8/2021 cho thấy tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng chỉ tăng 2,95% so với đầu năm. Con số này thấp hơn đáng kể mức tăng cùng kỳ năm ngoái là 5,46% và cũng thấp hơn nhiều cùng kỳ các năm trước đó.

Xét riêng tháng 8/2021, người dân đã rút ròng 986 tỷ đồng khỏi hệ thống ngân hàng. Ở tháng trước đó, người dân cũng chỉ gửi ròng vỏn vẹn 1.250 tỷ đồng. Như vậy trong hai tháng 7 và 8, gần như người dân không gửi thêm tiền vào hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, các tổ chức kinh tế quay lại xu hướng "phòng thủ" trong tháng 8/2021 khi gửi ròng thêm 59.148 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng.

Chốt tháng 8/2021, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 5,46% so với đầu năm.

Nếu xu hướng chững lại của tiền gửi dân cư còn tiếp diễn và tổ chức kinh tế tiếp tục gửi thêm tiền vào hệ thống ngân hàng, quy mô tiền gửi của tổ chức kinh tế sẽ nhanh chóng vượt quy mô tiền gửi của dân cư bởi đến cuối tháng 8, mức chênh lệch chỉ còn là gần 150.000 tỷ đồng.

>>> Xem thêm: 'Èo uột' tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng

Tin mới lên