Ngân hàng tuần qua: Tỷ giá USD/VND đắt nhất lịch sử, lãi suất huy động vượt 9%

Hải Đường - 16/10/2022 09:00 (GMT+7)

(VNF) - Cuộc đua tăng lãi suất tiếp tục “nóng” trong tuần qua khi có ngân hàng tung ra mức lãi suất tiết kiệm tới gần 9,4%/năm.

VNF
Ảnh minh hoạ

Vì sao Ngân hàng Nhà nước vẫn tăng giá USD?

Nguồn cung ngoại tệ đã có sự cải thiện đáng kể trong tháng 9 vừa qua. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa riêng tháng 9 ước tính thặng dư 1,14 tỷ USD Mỹ. Tính chung chín tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD Mỹ, trong khi cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,44 tỷ USD Mỹ.

Chỉ tính riêng nguồn ngoại tệ từ hoạt động thương mại và vốn FDI rót vào Việt Nam đã đạt gần 22 tỷ USD Mỹ trong 9 tháng qua, chưa kể dòng tiền kiều hối.

Một dữ liệu khác được công bố trước đây cho thấy NHNN đã bán ra 21 tỷ USD Mỹ nguồn dự trữ ngoại hối trong 8 tháng đầu năm nay. Giả sử trong trường hợp NHNN không có động thái bán ra hoặc mua trở lại ngoại tệ trong tháng 9 vừa qua, có thể thấy đã có 43 tỷ USD Mỹ được bơm vào thị trường. Đây rõ ràng là một trong những động lực quan trọng giúp cho tỷ giá ổn định trở lại trong thời gian gần đây.

Về việc NHNN tiếp tục nâng tỷ giá trung tâm cũng như giá bán ra USD Mỹ, có lẽ nhà điều hành đang linh hoạt sử dụng nhiều công cụ nhằm tránh dồn ép áp lực quá lớn lên tiền đồng khi càng về cuối năm, nhất là khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể còn hai lần tăng lãi suất cơ bản đô la Mỹ nữa trong tháng 11 và tháng 12 tới.

Cụ thể, sau khi đã liên tục bán ngoại tệ từ nguồn dự trữ ngoại hối để can thiệp thị trường, tăng 300 đồng giá bán ra đô la Mỹ hôm 7/9, tiếp đến là tăng lãi suất tiền đồng để nới rộng chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng và đô la Mỹ nhằm tăng sức hấp dẫn khi nắm giữ tiền đồng, thì động thái tiếp tục tăng giá bán ra đô la Mỹ trong ngày cuối tháng 9 có lẽ nhằm hạn chế bớt nhu cầu đô la Mỹ từ các ngân hàng, cũng như triệt tiêu tâm lý đầu cơ trên thị trường ngoại hối.

Ngoài ra, với việc giá đô la Mỹ giao dịch tại các ngân hàng đã tăng xấp xỉ 4,8% so với đầu năm nay, trong khi tỷ giá trung tâm chỉ mới tăng 1,24%, còn cách khá xa mục tiêu 2%, nhà điều hành còn nhiều dư địa điều chỉnh trong thời gian còn lại của năm nay. Vì vậy, việc để tỷ giá trung tâm tiếp tục đi lên là điều có thể hiểu được.

Để tỷ giá điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến và nhu cầu thực tế của thị trường là điều cần thiết, nhằm tránh việc hình thành tâm lý và kỳ vọng phá giá quá lớn tại một thời điểm.

>>> Xem thêm: Nguồn cung ngoại tệ cải thiện, vì sao Ngân hàng Nhà nước vẫn tăng giá USD

Giám sát chặt chẽ tình hình thanh khoản các ngân hàng

Lãnh đạo một NHTM cổ phần trong tuần qua cho biết, các NH cũng nhận được yêu cầu và hướng dẫn từ cơ quan nghiệp vụ của NHNN về thanh khoản các NH nhằm đảm bảo hoạt động an toàn.

Các NH chú trọng tập trung kiểm soát rủi ro, cân đối hợp lý các nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản. Đồng thời, mỗi ngân hàng đều tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ thanh khoản hàng này của NH để kiểm soát các tỷ lệ an toàn theo quy định. Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động nếu có các dấu hiệu biến động về thanh khoản, các ngân hàng sẽ chủ động có phương án đảm bảo an toàn hoạt động và báo cáo cơ quan quản lý kịp thời.

Trong mấy ngày gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục bơm mạnh tiền ra thị trường để hạ lãi suất liên ngân hàng và giảm nhiệt cuộc đua lãi suất huy động các NHTM.

Trong ngày 12/10 với tổng cộng lượng tiền lên hơn 26.666 tỉ đồng. Trong đó, 17 thành viên được bơm gần 20.000 tỉ đồng kỳ hạn 28 ngày; 9 thành viên nhận hơn 6.666 tỉ đồng kỳ hạn 14 ngày.

Trong ba phiên gần nhất, từ 10-12/10, lượng tiền được Ngân hàng Nhà nước bơm cho các tổ chức tín dụng thông qua việc cầm cố giấy tờ có giá đều ở mức rất cao, quanh ngưỡng 20.000-26.000 tỷ đồng/phiên với kỳ hạn từ 14-28 ngày và lãi suất 5-5,5%. Tổng số tiền mà NHNN bơm ra thị trường trong 3 ngày qua lên 74.358 tỉ đồng (vào khoảng 3 tỉ USD).

>>> Xem thêm: Giám sát chặt chẽ tình hình thanh khoản các ngân hàng

Chủ tịch ngân hàng 0 đồng OceanBank làm sếp VietinBank

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) trong tuần qua đã bổ nhiệm ông Đỗ Thanh Sơn làm Phó tổng giám đốc kể từ 11/10 với thời hạn 5 năm.

Đây là việc điều chuyển ông Sơn về lại cơ quan cũ sau thời gian ‘đi sứ’ thực hiện nhiệm vụ tại Ngân hàng OceanBank. OceanBank là ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt và Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng, Vietinbank được giao hỗ trợ quản lý điều hành.

Năm 2015, ông Sơn được điều về OceanBank làm Chủ tịch Hội đồng thành viên. Tính đến nay ông Sơn đã thực hiện nhiệm vụ tại OceanBank tronng suốt 7 năm để thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu. Trước khi về OceanBank, ông Sơn là Giám đốc Chi nhánh 11 của VietinBank.

Cùng sang OceanBank với ông Sơn có nhiều cán bộ cấp trưởng phòng ban nghiệp vụ khác để giúp quản trị, điều hành, tái cơ cấu OceanBank

Một nhân sự khác cùng ra đi từ Vietinbank làm lãnh đạo ở ngân hàng 0 đồng là ông Phạm Huy Thông tới GPBank.

Tháng 7/2015, khi GPBank được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, ông Phạm Huy Thông được điều động và bổ nhiệm giữ chức Thành viên HĐTV kiêm Tổng giám đốc GPBank.

Trước khi trở thành lãnh đạo GPBank, ông Thông công tác tại VietinBank, đảm nhiệm nhiều vị trí tại nhà băng này như giám đốc chi nhánh thành phố Hà Nội, phó tổng giám đốc ngân hàng. 

Tới tháng 9/2022, ông Thông đã được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) ngân hàng GPBank.

>>> Xem thêm: Chủ tịch ngân hàng 0 đồng OceanBank về làm sếp VietinBank

Lãi suất vượt 9%: Những ngân hàng dẫn đầu cuộc đua

Sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành (từ ngày 23/9), nhiều ngân hàng đã tiến hành tăng lãi suất tiết kiệm, thậm chí có ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động tới 2-3 lần.

Dù đang là quán quân lãi suất cao nhất trong toàn hệ thống nhưng ngày 12/10, SCB tiếp tục tung ra chương trình tặng coupon lãi suất 0,5% cho khách hàng tham gia sản phẩm tiền gửi tại quầy bằng VND ở tất cả hình thức lĩnh lãi với kỳ hạn gửi từ 6 tháng trở lên trong thời gian từ 12-31/10.

Trước đó, SCB tăng lãi suất huy động các kỳ hạn khoảng 1%/năm từ ngày 8/10. Theo đó, mức cao nhất là 8,9%/năm dành cho kỳ hạn 24 tháng với chứng chỉ tiền gửi và cũng áp dụng mức lãi suất 8,9% cho tiền gửi kỳ hạn 36 tháng (trước đó là 7,55%/năm). Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng được điều chỉnh lên mức 7,8-7,95%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 9-12 tháng được tăng lên ngưỡng 8-8,55%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 18 tháng và 24 tháng lần lượt là 8,8% và 8,85%.

Như vậy, với việc SCB tặng coupon lãi suất 0,5% và tăng lãi suất 1%/năm, khách hàng gửi tiền tại ngân hàng này có thể nhận lãi cao nhất lên đến 9,35%/năm cho kỳ hạn 36 tháng; kỳ hạn 6 tháng lãi suất sau khi cộng là 8,4%/năm và lãi suất huy động sau khi cộng ở kỳ hạn 12 tháng là 9%/năm.

Ngoài ra, SCB còn có chính sách cộng thêm lãi suất 0,02 điểm % cho những người trung niên và cao tuổi (từ 40 tuổi trở lên)Tính ra, mức lãi suất cao nhất mà khách hàng có thể nhận được khi gửi tiết kiệm tại SCB lên tới 9,37%/năm.

>>> Xem thêm: Lãi suất vượt 9%, điểm tên những ngân hàng dẫn đầu cuộc đua

Ngân hàng tăng tỷ giá USD/VND lên mức kỷ lục

Ngày 14/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.541 đồng/USD, tăng 44 đồng so với phiên 13/10. Với biên độ +/-3%, tỷ giá trần ngày 14/10 là 24.244 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.838 VND/USD.

Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN ở mức 23.925 đồng/USD (bán ra), còn giá mua vào tạm để trống (trước đó niêm yết 22.550 đồng/USD).

Tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại phiên 14/10 tiếp tục tăng mạnh, vượt mốc lịch sử 24.200 đồng. 

Cụ thể, Vietcombank 14/10 mua vào - bán ra USD ở mức 23.890 - 24.200 VND/USD, tăng 120 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với ngày 13/10.

Tỷ giá VND/USD tại Techcombank hôm nay là 23.978 - 24.247 đồng/USD. Như vậy, tỷ giá bán tại Techcombank đã vượt cả mức giá trần hôm nay là 24.244 VND/USD

Còn Vietinbank phiên 14/10niêm yết USD ở mức 23.877 - 24.205 (mua vào - bán ra), giảm 46 đồng/USD ở chiều mua vào nhưng tăng 3 đồng ở chiều bán ra so với phiên 13/10.

ACB phiên 14/10 mua bán USD ở mức 23.950 - 24.230 VND/USD, tăng 50 đồng/USD ở chiều mua vào và tăng 30 đồng ở chiều bán ra so với phiên phiên 13/10.

Trong khi tỷ giá VND/USD trên thị trường ngân hàng tăng rất mạnh thì tỷ giá trên thị trường tự do lại giảm nhẹ. Giá USD "chợ đen" hiện ở mức 24.250 - 24.330 đồng (mua vào - bán ra), cùng giảm 20 đồng mỗi chiều so với hôm qua.

>>> Xem thêm: Ngân hàng tăng tỷ giá USD/VND lên mức kỷ lục

SeABank lãi hơn 4.016 tỷ đồng trong 9 tháng

Theo đó, tính đến hết ngày 30/9/2022, lợi nhuận trước thuế của SeABank đạt hơn 4.016 tỷ đồng, tăng 58,7%; tổng thu thuần TOI đạt gần 7.282 tỷ đồng, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ sự tăng trưởng từ kinh doanh mảng bán lẻ, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ và tăng trưởng các hoạt động doanh thu phí.

Đáng chú ý, thu thuần ngoài lãi (NOII) cũng ghi nhận con số tăng trưởng ấn tượng đạt 2.205 tỷ đồng, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm tỷ lệ 30,28% trên tổng thu thuần của ngân hàng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 33,09% giảm so với mức 35,35% cùng kỳ năm 2021 nhờ việc tối ưu hóa chi phí trong vận hành thông qua công nghệ. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm từ 1,65% tại thời điểm 31/12/2021 xuống còn 1,59% tại thời điểm 30/9/2022.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, SeABank đã hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 19.809 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu năm 2022.

>>> Xem thêm: SeABank lãi hơn 4.016 tỷ đồng trong 9 tháng, gấp rưỡi cùng kỳ 2021

Kiểm soát đặc biệt Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - SCB

Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, để ổn định hoạt động của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quyết định kiểm soát đặc biệt Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn.

Theo NHNN, việc kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.

Theo đó, hoạt động của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn được thực hiện dưới sự kiểm soát của NHNN. NHNN lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn.

Đồng thời, NHNN sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp cần thiết để ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh.

Kiểm soát đặc biệt là cơ chế được NHNN thực thi khi cần thiết để đảm bảo hoạt động của ngân hàng thương mại cụ thể khi TCTD đó rơi vào khó khăn, cũng như an toàn cho toàn hệ thống. 

Trước SCB đã có nhiều ngân hàng đã rơi bị kiểm soát đặc biệt như: DongABank, ba ngân hàng được mua lại 0 đồng là GPBank, OceanBank, CBBank.

>>> Xem thêm: Kiểm soát đặc biệt Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - SCB

Cùng chuyên mục
Tin khác