Ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: VPBank bán 15% vốn cho Nhật, MSB sắp sáp nhập 1 nhà băng

(VNF) - Trong tuần qua, VPBank đã tiến hành ký kết thoả thuận phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho SMBC, dự kiến mang về cho ngân hàng này 1,5 tỷ USD, tương đương 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1.

Ngân hàng tuần qua: VPBank bán 15% vốn cho Nhật, MSB sắp sáp nhập 1 nhà băng

Ngân hàng tuần qua: VPBank chốt bán 15% vốn, MSB muốn sáp nhập 1 nhà băng

VPBank chốt bán 15% vốn cho SMBC, thu về 1,5 tỷ USD

Lễ ký kết thoả thuận phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) thuộc tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group, Inc (SMFG) của Nhật Bản đã diễn ra vào sáng nay (27/3).

Theo đó, SMBC chính thức trở thành nhà đầu tư chiến của VPBank.

Khoản đầu tư từ SMBC sẽ mang lại cho VPBank 1,5 tỷ USD, tương đương 35,9 nghìn tỷ đồng vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng. Thỏa thuận đầu tư lần này là một phần trong kế hoạch tăng vốn đã được VPBank thực hiện từ năm 2022 nhằm tăng cường năng lực tài chính dài hạn và giúp ngân hàng đạt được mục tiêu tăng trưởng chiến lược trong 5 năm tới. 

Thương vụ này đã đưa VPBank trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam.

Chia sẻ tại buổi ký kết, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, cho biết ngân hàng và SMBC đã mất tới 2 năm để đi đến thỏa thuận cuối cùng này. Trong năm vừa qua, đối tác Nhật Bản cũng đóng vai trò là bên thu xếp nhiều khoản huy động vốn từ thị trường quốc tế cho VPBank.

>>> Xem thêm: VPBank chốt bán 15% vốn cho SMBC, thu về 1,5 tỷ USD

Nhận chuyển giao tổ chức tín dụng yếu kém, ngân hàng được nới room ngoại

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP (Nghị định 01) ngày 3/01/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam bổ sung khoản 6a vào sau khoản 6 Điều 7 như sau: Chính phủ quyết định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) vượt giới hạn quy định tại khoản 5 Điều này khi phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc, nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc.

(Khoản 5 quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam).

Điều này cho thấy, nhóm 4 ngân hàng có vốn nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV không thuộc đối tượng điều chỉnh của nghị định này.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, quy định trên phù hợp với điểm đ khoản 1 Điều 151e Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định quyền của bên nhận chuyển giao “được bán, phát hành cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao cho nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.

Ngoài ra, quy định này sẽ tạo điều kiện cho TCTD nhận chuyển giao tăng cường được năng lực tài chính (khi thu hút thêm được vốn đầu tư nước ngoài, tăng vốn chủ sở hữu), nâng cao năng lực quản trị điều hành, đổi mới công nghệ,... tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho TCTD được chuyển giao, góp phần thực hiện thành công phương án chuyển giao bắt buộc, ổn định hệ thống tài chính ngân hàng, ổn định kinh tế, xã hội.

Theo kế hoạch, có 4 ngân hàng thương mại cổ phần sẽ nhận chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém. Trong đó có 2 nhận chuyển giao tại phương án chuyển giao bắt buộc có đề xuất được nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên 49%.

>>> Xem thêm: Nhận chuyển giao tổ chức tín dụng yếu kém, ngân hàng được nới room ngoại

VPBank lên mục tiêu lãi trước thuế 24.000 tỷ, chia hơn 7.900 tỷ cổ tức tiền mặt cho cổ đông

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) trong tuần qua đã công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 với các nội dung như kế hoạch kinh doanh, kế hoạch phân phối lợi nhuận, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược.

Theo đó, năm 2023, VPBank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 877.460 tỷ đồng, tăng 39% so với thời điểm cuối năm 2022. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá mục tiêu đạt 518.192 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng đạt 635.972 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng ở mức 41% và 33%. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ dự kiến duy trì ở mức dưới 3%.

Lợi nhuận trước thuế mục tiêu năm 2023 đạt 24.004 tỷ đồng, tăng 13% so với mức thực hiện năm 2022. Nếu tính trên các hoạt động kinh doanh cốt lõi, mức tăng trưởng lợi nhuận này tương đương 53%.

Theo VPBank, mức tăng trưởng tín dụng nêu trên là mức tính toán dựa trên nhu cầu và năng lực của ngân hàng này. Số liệu thực tế sẽ được thực hiện trên các hạn mức tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, sau khi trích lập các quỹ theo quy định, VPBank dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 10% (tính trên tổng số cổ phiếu lưu hành mới sau các đợt phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP và phát hành/chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài).

Số tiền dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt là hơn 7.933 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong quý II đến quý III/2023.

>>> Xem thêm: VPBank lên mục tiêu lãi trước thuế 24.000 tỷ, chia hơn 7.900 tỷ cổ tức tiền mặt cho cổ đông

Techcombank tiếp tục không chia cổ tức, dự kiến 2023 tăng trưởng lợi nhuận âm

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) dự kiến trình cổ đông các chỉ tiêu tài chính quan trọng cho năm 2023 bao gồm dư nợ tín dụng đạt 511.297 tỷ đồng, tăng trưởng 15% hoặc cao hơn theo chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước cấp; lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 dự kiến đạt 22.000 tỷ đồng, giảm 14% so với mức thực hiện năm 2022; huy động vốn dự kiến phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế nhằm tối ưu hoá nguồn huy động; tỷ lệ nợ xấu dự kiến duy trì dưới mức 1,5%.

Techcombank cho biết, để tăng nguồn thu từ phí ngoài hoạt động ngân hàng đầu tư bị ảnh hưởng khá nhiều từ biến động của thị trường trái phiếu, cổ phiếu, ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung triển khai gia tăng dịch vụ thẻ, bảo hiểm ngoại hối, quản lý tiền mặt, quản lý tài chính doanh nghiệp.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, Techcombank đề xuất không chia cổ tức năm 2022 nhằm bổ sung vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Đây là năm thứ 12 Techcombank không tiến hành chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Lần gần đây nhất ngân hàng này phân phối lợi nhuận cho cổ đông là năm 2018, dưới hình thức cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 1:2.

Cũng tại phiên họp thường niên, Techcombank dự kiến trình cổ đông kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Ngân hàng này sẽ phát hành hơn 3,5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu được sẽ dùng để bổ sung vốn hoạt động của nhà băng.

Vốn điều lệ của Techcombank sau phát hành sẽ tăng từ hơn 35.172 tỷ đồng lên hơn 35.225 tỷ đồng.

>>> Xem thêm: Techcombank tiếp tục không chia cổ tức, dự kiến 2023 tăng trưởng lợi nhuận âm

MSB dự kiến sáp nhập một ngân hàng, không có kế hoạch chia cổ tức năm 2022

Theo tài liệu ĐHCĐ thường niên năm 2023, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) dự kiến nhận sáp nhập có hoạt động bình thường với các tiêu chí về tổng tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, có chất lượng tín dụng tốt.

Mục đích của việc nhận sáp nhập nhằm tận dụng được hệ thống mạng lưới, nhân sự cũng như các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng nhận sáp nhập, hướng tới tăng quy mô hoạt động của MSB.

Năm 2023, MSB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.300 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022. Tổng tài sản dự kiến tăng 8% lên 230 nghìn tỷ; dư nợ tín dụng tăng 15%, đạt 141,7 nghìn tỷ; huy động vốn thị trường 1 và trái phiếu huy động vốn tăng 10% đạt 142 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.

Về phương án phân phối lợi nhuận, MSB cho biết ngân hàng đã thực hiện chi trả cổ tức và chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 30% trong 2 năm 2021 và 2022 cho cổ đông. Với tình hình thị trường cổ phiếu biến động, ảnh hưởng tiêu cực từ xu thế lãi suất, yêu cầu chú trọng quản trị rủi ro cao từ phía cơ quan quản lý, MSB trình ĐHCĐ giữ nguyên phần vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ như hiện tại để tạo nguồn vốn đệm vững chắc cho ngân hàng.

Khi tình hình thị trường diễn biến tích cực hơn, HĐQT MSB sẽ trình ĐHCĐ phương án chia cổ tức, cổ phiếu thưởng phù hợp cho lợi nhuận tạo ra năm 2022.

>>> Xem thêm: MSB dự kiến sáp nhập một ngân hàng, không có kế hoạch chia cổ tức năm 2022

Ngân hàng Nhà nước bất ngờ giảm loạt lãi suất điều hành

Tối ngày 31/3, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ ra các quyết định về điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Các quyết định này có hiệu lực từ đầu tuần tới 3/4/2023.

Cụ thể, tại Quyết định số 574/QĐ-NHNN ngày 31 tháng 3 năm 2023NHNN quyết định giảm lãi suất tái cấp vốn từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm, lãi suất tái chiêt khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) giữ nguyên ở mức 6%/năm.

Quyết định số 575/QĐ-NHNN, NHNN quy định, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ mức 1,0%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Đồng thời, NHNN cũng quy định  lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay đê đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm.

>>> Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước bất ngờ giảm loạt lãi suất điều hành

Chính phủ yêu cầu xử lý sở hữu chéo, tham nhũng trong ngành ngân hàng

Trong phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3/2023, về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu việc xây dựng dự án Luật này phải thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực ngân hàng và các yêu cầu, định hướng, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, các quy định của Luật phải khắc phục được các vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, góp phần khơi thông nguồn tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xử lý vấn đề sở hữu chéo, góp phần phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực ngân hàng.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề tiêu cực, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu xây dựng các quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán, thu giữ tài sản bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và thực tiễn hoạt động của các tổ chức tín dụng; quy định rõ thẩm quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc quyết định việc cho vay đặc biệt.

Đồng thời, hoàn thiện các quy định liên quan đến tổ chức, quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng nhằm nâng cao hơn nữa năng lực quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng, ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối.

Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ trong lĩnh vực ngân hàng, bảo đảm tính khả thi và tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

>>> Xem thêm: Chính phủ yêu cầu xử lý sở hữu chéo, tham nhũng trong ngành ngân hàng

Tin mới lên