Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Giống như nhiều ngành sản xuất khác, ngành công nghiệp dầu khí Mỹ đã bị “nghiền nát” bởi đại dịch Covid-19 vào đầu năm 2020. Giá dầu giảm và giá dầu thô kỳ hạn thậm chí còn giảm sâu trong một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp dầu khí Mỹ đã dần phục hồi trở lại nhờ giá dầu tăng, được thúc đẩy bởi những lời “đe dọa” của tổng thống Nga Putin đối với Ukraine. Giá dầu – vốn đã tăng hơn 50% lên mức trên 90 USD/thùng đã bị đẩy lên mức cao nhất trong 7 năm ngay đầu năm 2022 và tiếp tục giữ mức giá cao vì căng thẳng Nga – Ukraine chưa “hạ nhiệt”.
Trước đây, Nga là nhà cung cấp cả dầu và khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu, còn Mỹ từ lâu đã cảnh báo rằng việc kiểm soát các nguồn năng lượng quan trọng của họ có thể trở thành mối nguy hiểm đối với người tiêu dùng châu Âu.
Quả thực, tới thời điểm căng thẳng leo thang, cả thế giới mới nhận thức sâu sắc về lời cảnh báo của Mỹ. Năng lượng rõ ràng là trung tâm của cuộc xung đột.
Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu đã tăng vọt trong suốt mùa đông do lo ngại về nguồn cung thiếu hụt do khu vực này không thể đưa đủ khí tự nhiên vào kho và do Nga cắt giảm một số nguồn cung bắt đầu từ mùa thu. Không chỉ vậy, giá dầu còn bị tác động mạnh theo từng tình tiết của căng thẳng giữa Nga – Ukraine.
Nga gửi khí đốt tự nhiên đến châu Âu thông qua các đường ống chạy qua Ukraine và các đường ống khác, bao gồm Nord Stream 1. Đường ống Nord Stream 2, được xây dựng để đưa khí đốt từ Nga đến Đức, đã hoàn thành nhưng vẫn đang bị “treo” do căng thẳng leo thang. Ngày 15/2, ông Biden nhắc lại rằng nếu Nga xâm lược Ukraine, đường ống dẫn dầu đó sẽ không được phép hoạt động.
Trong một diễn biến gần đây nhất, khi Nga tuyên bố rút bớt quân khỏi biên giới Ukraine, giá dầu đã lập tức giảm nhẹ, sau đó tăng trở lại khi NATO và Mỹ tuyên bố Nga thực chất đang tăng thêm số quân đóng tại biên giới, thay vì rút quân như tuyên bố trước đó.
Nếu Nga "động binh", Mỹ và các đồng minh có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nước này và các nhà phân tích cho rằng tình huống xấu nhất đối với nguồn cung năng lượng sẽ là các lệnh trừng phạt chặn việc bán năng lượng của Nga cho châu Âu hoặc Nga cắt nguồn cung để trả đũa.
Điều này xảy ra khi nhu cầu dầu toàn cầu đang trở lại bình thường và dự kiến sẽ tăng nhiều hơn vào mùa hè này khi việc đi lại bằng đường hàng không được cải thiện.
Trước đại dịch, Mỹ là nước sản xuất cả dầu và khí đốt lớn nhất thế giới, đồng thời là "ông lớn" xuất khẩu dầu. Theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng, Mỹ đã xuất khẩu trung bình 2,6 triệu thùng dầu/ngày trong 4 tuần qua và 4,2 triệu thùng sản phẩm tinh chế, bao gồm xăng và dầu diesel.
Ngành công nghiệp năng lượng Mỹ cũng đã được chứng minh là một nhà cung cấp thay thế quan trọng cho người châu Âu. Vì vậy, khi nguồn cung khí đốt tới châu Âu bị gián đoạn, Mỹ ngay lập tức trở thành “cứu cánh” cho khu vực này, đồng thời trực tiếp kích thích ngành công nghiệp dầu khí trong nước.
Vào tháng 1/2022, các tàu chở đầy khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ đã được chuyển hướng từ châu Á và Nam Mỹ đến các cảng châu Âu. Theo IHS, nhập khẩu LNG tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái có nghĩa là lần đầu tiên Mỹ cung cấp nhiều khí đốt tự nhiên hơn cho châu Âu so với Nga.
IHS Markit tính toán rằng 7,73 tỷ m3 khí đốt của Mỹ đã được vận chuyển đến châu Âu vào tháng 1/2022, so với 7,5 tỷ m3 thông qua các đường ống của Nga.
“Đây là mức LNG của Mỹ tới châu Âu cao nhất mà chúng tôi từng thấy, và chúng tôi kỳ vọng mức xuất khẩu khí đốt từ Mỹ sang châu Âu sẽ tiếp tục giữ ở mức cao (khoảng 5 triệu tấn) trong tháng 2/2022”, các nhà phân tích nói với CNBC.
Mặc dù LNG của Mỹ đang giúp châu Âu vượt qua mùa đông, nhưng điều này không đủ để thay thế cho nguồn khí đốt từ Nga.
Theo Dan Yergin, phó chủ tịch IHS Markit: “Châu Âu rơi vào khủng hoảng năng lượng trước cuộc khủng hoảng Ukraine. Nhưng sự khác biệt giữa hiện tại so với thời điểm năm 2009 - khi người Nga làm gián đoạn dòng khí đốt qua Ukraine, là hệ thống đường ống của châu Âu đã linh hoạt hơn nên có thể nhận hay vận chuyển LNG từ nhiều nơi hơn ngoài Nga. Chỉ vài năm trước, việc bù đắp LNG nếu nguồn cung từ Nga bị hạ thấp gần như bất khả thi”.
Đồng thời, ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ dự kiến sẽ tăng sản lượng khai thác ước tính khoảng 900.000 thùng/ngày trong năm nay, Yergin nói. Ngành công nghiệp hiện sản xuất khoảng 11,6 triệu thùng/ngày và có thể quay trở lại mức trước đại dịch là 13 triệu thùng/ngày vào năm 2023.
Bằng chứng về việc mở rộng sản xuất của ngành công nghiệp dầu mỏ là sự gia tăng số lượng giàn khoan trên khắp đất nước. Theo Baker Hughes, tổng số giàn khoan trong ngành dầu khí hiện có 516 giàn, tăng 19 giàn trong tuần trước - mức tăng lớn nhất trong 4 năm.
Theo người sáng lập Again Capital John Kilduff cho rằng ngành công nghiệp Mỹ có thể sẽ sớm chứng kiến sự gia tăng đáng ngạc nhiên về sản lượng dầu, vì các công ty đã mở các giếng khoan mới.
Dan Pickering, Giám đốc đầu tư của Pickering Energy Partners cho biết, sản lượng dầu của Mỹ đang tăng lên, nhưng các công ty Mỹ vẫn chưa khai thác hết tốc độ vì áp lực từ các cổ đông. Các công ty đã và đang trả nợ, tăng cổ tức và tìm cách giảm sản lượng carbon của họ, dưới sự giám sát của các nhà đầu tư ESG về môi trường, xã hội, quản trị.
Ông Pickering cho biết giá dầu tương lai có thể ở mức 68 USD/thùng trong 5 năm tới, một mức giá tốt và chắc chắn thấp hơn mức 90 USD.
“Vì vậy, ngành công nghiệp có thêm một mùa xuân trong bước đi của mình. Hãy nhớ rằng họ đã gặp rắc rối lớn vào năm 2020, rất nhiều công ty đã phá sản hoặc trở nên thu hẹp. Nhưng mọi thứ đang trở nên tốt đẹp hơn”, giám đốc Pickering Energy Partners khẳng định.
Xem thêm >> Giá dầu, khí đốt hạ nhiệt sau động thái của Nga
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.