Ngày càng khó vay vốn ngân hàng, DN nhỏ cần những trợ lực mới
(VNF) - Với phương pháp chấm điểm tín dụng truyền thống, doanh nghiệp SME gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay các tổ chức tín dụng, đặc biệt trong bối cảnh các tổ chức tín dụng ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế.
Doanh nghiệp SME vẫn khó tiếp cận tín dụng
Theo thống kê, hiện nay, số lượng doanh nghiệp SME chiếm gần 85% tổng số doanh nghiệp Việt Nam. Tổng doanh thu của nhóm này đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Khối này đóng góp vào 7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với hơn 1 triệu tỷ đồng.
Trong đó, hơn 40% doanh nghiệp SME tham gia vào hoạt động bán buôn và bán lẻ. Đây được xem là một ngành kinh doanh quan trọng, đóng vai trò trung gian giữa nhà sản xuất, đại lý và người tiêu dùng.
Đa phần doanh nghiệp SME phân bổ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. SME đang tạo ra khoảng 30% việc làm.
Dù là động lực vô cùng quan trọng trong nền kinh tế song các doanh nghiệp SME đang đối mặt với rất nhiều thách thức như: khó khăn trong việc tiếp cận tài chính; khó khăn trong tiếp cận khách hàng mới; thiếu công cụ quản lý rủi ro; thiếu thông tin kinh doanh.
Tỷ lệ dư nợ tín dụng của nhóm doanh nghiệp SME vẫn còn khiêm tốn so với tổng dư nợ vay của toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam.
Theo thống kê của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC), hiện chỉ khoảng 32,18% nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp SME tại Việt Nam được đáp ứng, tương đương 11,2 tỷ USD.
Theo đại diện FiinGroup, khoảng trống tài chính của doanh nghiệp SME ở Việt Nam ước tính khoảng 24 tỷ USD, gấp 2,11 lần mức cho vay doanh nghiệp SME hiện tại. Trong khi đó, dự toán khoảng trống tài chính của doanh nghiệp SME tại các nước đang phát triển chỉ cao hơn 1,23 lần các khoản vay hiện thời dành cho doanh nghiệp SME.
Hiện nay, tổng nợ vay của các doanh nghiệp SME thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp lớn - nhóm chỉ chiếm chưa tới 20% số doanh nghiệp cả nước nhưng tổng nợ vay chiếm tới hơn 90% tổng nợ vay của toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam.
Tháng 6/2024, dữ liệu và mô hình đánh giá rủi ro của Fiin Group ghi nhận có 31.773 doanh nghiệp SME chưa được tiếp cận vốn vay mặc dù mức độ rủi ro là thấp và rất thấp.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến doanh nghiệp SME khó tiếp cận tín dụng là do nhiều yếu tố như yêu cầu cao về tài sản đảm bảo, quy trình phê duyệt tín dụng phức tạp và sự thiếu hụt thông tin tài chính minh bạch từ các doanh nghiệp này.
Ông Nguyễn Minh Tú, Giám đốc điều hành điều hành khối thông tin doanh nghiệp của FiinGroup, cho hay: “Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp SME Việt Nam gặp 4 khó khăn chính. Thứ nhất là tiếp cận tài chính, có đến 67% nhu cầu vốn của doanh nghiệp SME chưa được đáp ứng. Thứ hai, khó khăn trong tiếp cận khách hàng mới, sau Covid-19 việc trực tiếp gặp khách và thúc đẩy thương mại truyền thống không còn hiệu quả. Thứ ba, thiếu công cụ quản trị rủi ro. Thứ tư là môi trường kinh doanh, chính sách”.
Bà Phạm Thị Thanh Huyền, chuyên gia tới từ IFC, đánh giá doanh nghiệp SME gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Từ phía chủ quan, doanh nghiệp SME thường kém minh bạch thông tin tài chính, quản trị, chưa đáp ứng các chuẩn mực tài chính, thông lệ thương mại ngành…
Về phía khách quan, thị trường tài chính tại Việt Nam đang thiếu trầm trọng các sản phẩm ngân hàng và dịch vụ tài chính dành cho các doanh nghiệp SME. Thêm vào đó, văn hoá cho vay ở Việt Nam là chủ yếu dựa trên thế chấp bất động sản mà chưa chú trọng cho vay dựa trên động sản như khoản phải thu, hàng tồn kho, giấy tờ sở hữu và giấy tờ thương mại…
Bà Huyền cho biết, có 26 công ty tài chính tại Việt Nam nhưng không có công ty nào tập trung cho vay các doanh nghiệp SME.
Các chuyên gia cho rằng, với phương pháp chấm điểm tín dụng truyền thống, doanh nghiệp SME sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng, đặc biệt trong bối cảnh các tổ chức tín dụng ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế.
Cần có chính sách hỗ trợ
Tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam đang ở mức rất cao so với nhiều nước trong khu vực, thế nhưng số lượng doanh nghiệp SME tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng lại rất thấp. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Các chuyên gia đánh giá, các doanh nghiệp SME tại Việt Nam ngày càng cạnh tranh và đứng trước thách thức về tài chính từ tìm nguồn vốn khởi nghiệp, quản lý doanh thu, chi phí hàng ngày. Do đó, bên cạnh giải pháp vay vốn linh hoạt, đáp ứng nhu cầu vốn ngắn và dài hạn, các doanh nghiệp SME rất cần giải pháp hỗ trợ thanh toán, quản lý tài chính bền vững.
Các ngân hàng bên cạnh nguồn vốn ưu đãi cũng cần thiết kế thêm nhiều sản phẩm nhằm giúp các SME quản trị “sức khoẻ” một cách tốt hơn, từ đó đáp ứng tốt khi biến động xảy ra và cũng là cơ sở để tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn từ ngân hàng. Các tổ chức tín dụng có thể tối ưu hóa danh mục cho vay dựa trên năng lực phân tích rủi ro nâng cao nhằm tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng SME, đặc biệt là các doanh nghiệp còn non trẻ.
Bà Nguyễn Thị Anh Đào, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) tiêu dùng Việt Nam mong muốn các ngân hàng thương mại, công ty tài chính trong nước và quốc tế cũng cần quan tâm sâu sắc hơn với doanh nghiệp SME, cũng như đánh giá khách quan hơn, có các gói tín dụng đáp ứng nhu cầu, kể cả những gói tín dụng rất nhỏ của doanh nghiệp SME và các HTX, từ đó doanh nghiệp, HTX mới dễ dàng tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng và tổ chức này.
Theo ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc khối Thông tin Doanh nghiệp, phụ trách Mô hình rủi ro và phân tích dữ liệu của Fiin Group, thời gian tới, doanh nghiệp SME cũng tiếp cận được nhiều cơ hội từ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ của tín dụng xanh và phát triển bền vững… Từ những cơ sở này, các tổ chức tín dụng có thể tối ưu hóa danh mục cho vay đối với các doanh nghiệp SME dựa trên năng lực phân tích rủi ro nâng cao.
Trong khi đó, ông Jimmy Nguyễn, Phó giám đốc, chuyên gia sản phẩm tín dụng (ASEAN) S&P Global Market Inteligence nhìn nhận: đối với việc hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp SME, rủi ro là có, nhưng không có nghĩa là không cho vay mà cần kiểm soát rủi ro một cách hiệu quả. Chẳng hạn như ngoài đánh giá rủi ro của doanh nghiệp, cần đánh giá rủi ro về ngành, bao gồm: lợi nhuận, lỗ lãi, số lượng hợp đồng, doanh thu… Và để làm được điều này, ngân hàng cần có dữ liệu đáng tin cậy để đánh giá rủi ro.
Bà Phạm Thị Thanh Huyền nhấn mạnh: Các ngân hàng đang có các công cụ rất hữu hiệu để quản trị rủi ro nên cần mạnh dạn cho vay với các doanh nghiệp SME.
Hiện các nhà băng cũng đang tích cực tung nhiều gói tín dụng ưu đãi được “đo ni đóng giày” riêng cho SME để các doanh nghiệp này tăng khả năng tiếp cận tín dụng.
Nhìn từ góc độ tích cực, các chuyên gia cho rằng việc có một khoảng trống tài chính lớn cũng mở ra cơ hội cho các ngân hàng và tổ chức tài chính trong việc phát triển các sản phẩm tài chính phù hợp hơn với nhu cầu của SME và thúc đẩy Chính phủ xem xét các chính sách hỗ trợ cho SME nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiếp cận vốn.
Khó thẩm định, vốn tín dụng 'né' doanh nghiệp vừa và nhỏ
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn với lãi suất chỉ 1,2% 11/07/2024 07:32
- Qua 1 đợt 'sốc' tỷ giá, nhiều doanh nghiệp báo lỗ lớn 13/05/2024 06:30
- Nghiêm cấm cấp tín dụng cho doanh nghiệp sân sau với lãi suất ưu đãi 05/03/2024 06:55
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.