'Nghịch lý' ở Vĩnh Hoàn

Thanh Long - 23/04/2019 17:14 (GMT+7)

(VNF) - Quý I/2019, lãi ròng của Vĩnh Hoàn tăng gấp 3 lần trong bối cảnh doanh thu giảm, trái ngược với kế hoạch lợi nhuận cả năm giảm 13% nhưng doanh thu kỳ vọng tăng 8,4%.

VNF
Vĩnh Hoàn đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng cho năm 2019

Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019 với lợi nhuận sau thuế rất ấn tượng: 307 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần con số cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận tăng mạnh nhưng "nghịch lý" là doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn lại giảm trong quý vừa qua. Mức giảm dù không lớn, chỉ 0,83%, cũng đủ để mường tượng được phần nào khó khăn của "nữ hoàng cá tra" trong việc duy trì và gia tăng sản lượng bán ở các thị trường nước ngoài - nơi Vĩnh Hoàn, hay bất cứ doanh nghiệp Việt nào khác, phải "chơi" theo "luật" của nước sở tại.

Diễn biến thuận lợi của giá xuất khẩu tiếp tục là điểm tựa lợi nhuận của Vĩnh Hoàn. Biên lợi nhuận gộp quý I/2019 của doanh nghiệp này lên đến 23,5%, tăng tới 9,5 điểm% so với cùng kỳ năm ngoái và nhỉnh hơn khoảng 1,5 điểm% so với con số cả năm ngoái.

Tuy nhiên, nếu so với mức đỉnh biên lợi nhuận gộp của quý II/2018 thì con số quý I/2019 vẫn kém 6,4 điểm%.

Nhìn rộng ra, biên lợi nhuận gộp các quý gần đây của Vĩnh Hoàn dù cao nhưng khá bất định.

Biên lợi nhuận gộp 4 quý gần đây mặc dù cao hơn hẳn 4 quý trước đó nhưng khá trồi sụt

Điều này dễ hiểu, bởi như đã đề cập phía trên, nguyên nhân khiến biên lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn tăng cao đến từ diễn biến thuận lợi của giá xuất khẩu. Diễn biến này xuất phát từ điều kiện thời tiết không thuận lợi dẫn đến tỷ lệ tử vong cá giống cao, khiến thị trường cá tra cung không đủ cầu. Thêm vào đó, nguồn cung cá thịt trắng đánh bắt tự nhiên - loại cá thay thế cá tra - bất ngờ giảm.

Rõ ràng đây là tác động tạm thời. Thời gian dài hay ngắn, mức độ tác động nhiều hay ít trong từng thời điểm không phụ thuộc vào Vĩnh Hoàn. Điều này giải thích cho sự bất định trong biên lợi nhuận của doanh nghiệp này.

Đây có lẽ cũng là lý do vì sao Vĩnh Hoàn đặt kế hoạch lợi nhuận rất thận trọng trong năm 2019. Cụ thể, mặc dù kỳ vọng doanh thu năm nay tăng 8,4% lên trên 10.000 tỷ đồng nhưng kế hoạch lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn chỉ 1.255 tỷ đồng, giảm 13% so với năm ngoái.

Bên cạnh rủi ro biến động giá xuất khẩu, còn có hai yếu tố khiến "nữ hoàng cá tra" thận trọng.

Thứ nhất là yếu tố giá cá tra nguyên liệu. Thời tiết không thuận lợi khiến tỷ lệ cá giống tử vong cao, một mặt giúp giảm cung khiến giá thương phẩm tăng, nhưng mặt khác lại khiến giá cá giống tăng cao. Với ngành cá, giá cá nguyên liệu chiếm phần lớn chi phí đầu vào và Vĩnh Hoàn cũng không phải ngoại lệ.

Có hai cách kiểm soát rủi ro trên và thực tế, "nữ hoàng cá tra" cũng đang triển khai. Một là xây dựng nguồn nguyên liệu nhằm chủ động nguồn cá giống, hai là gia tăng chế biến sâu nhằm tăng biên lợi nhuận.

Đầu năm 2019, Vĩnh Hoàn cùng một đối tác được mô tả là "giàu kinh nghiệm trong khâu nuôi giống thủy sản" đã cho ra đời Công ty TNHH Sản xuất giống cá tra Vĩnh Hoàn. Công ty này được kỳ vọng sẽ giúp Vĩnh Hoàn cải thiện chất lượng cá giống, gia tăng khả năng đề kháng với thời tiết bất lợi và bảo vệ Vĩnh Hoàn khỏi rủi ro thiếu hụt cá giống toàn ngành.

Dự án dự kiến sẽ đạt quy mô 200ha khi hoàn thành và nếu đạt tối đa công suất, Vĩnh Hoàn có thể tự cung ứng gần 100% nhu cầu cá giống của mình.

Song song, doanh nghiệp thủy sản này dự kiến sẽ đầu tư 447 tỷ đồng cho việc đầu tư nâng cấp, tăng công suất chế biến của nhà máy Vĩnh Phước, đầu tư thêm nhà máy chế biến số 2, xây dựng kho lạnh mới và đầu tư thêm nhà máy chế biến bột cá và mỡ cá. Cùng với đó, 115 tỷ đồng sẽ được đầu tư cho hệ thống đóng gói tự động, đầu tư thêm dây chuyền chế biến Gelatin; 88 tỷ đồng sẽ được dùng để mua sắm máy móc chế biến cá.

Yếu tố rủi ro thứ hai là vấn đề thuế. Ngành thủy sản nói chung và ngành cá tra nói riêng phụ thuộc rất lớn vào thuế nhập khẩu vào nước sở tại.

Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Vĩnh Hoàn. Năm 2018, doanh nghiệp này hưởng lợi lớn tại thị trường Mỹ nhờ không chịu thuế chống bán phá giá (CBPG) trong khi hầu như tất cả các công ty Việt Nam khác (trừ Biển Đông) đang chịu thuế CBPG rất cao của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) nên không thể xuất khẩu vào Mỹ.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, trong kỳ POR 14, thuế CBPG sơ bộ dành cho Vĩnh Hoàn vẫn giữ ở mức 0 USD/kg. Tuy nhiên, mức thuế dành cho đa số các công ty Việt Nam khác đã giảm mạnh về mức 0,41-1,37 USD/kg. Nếu kết quả cuối cùng của POR 14 không đổi so với kết quả sơ bộ, Vĩnh Hoàn sẽ mất lợi thế về thuế chống bán phá giá tại Mỹ và gặp phải cạnh tranh lớn từ phía các công ty này.

Cùng chuyên mục
Tin khác