Nhà băng dồn nhau tăng lãi suất: NHNN đảo chiều lãi suất điều hành?
(VNF) - Trước làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng và áp lực tỷ giá còn cao, thị trường xuất hiện những đồn đoán về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có khả năng sẽ sớm tăng lãi suất điều hành.
Đồn đoán về việc tăng lãi suất điều hành
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Maybank cho rằng NHNN có thể tăng lãi suất điều hành 50 điểm cơ bản nhằm bình ổn tỷ giá VND. Đợt tăng lãi suất này có thể diễn ra ngay trong tháng 6.
Theo các chuyên viên phân tích của Maybank, việc nâng lãi suất điều hành sẽ đẩy lãi suất cho vay lên với độ trễ nhất định và có thể ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước. Song tăng lãi suất điều hành là biện pháp cuối cùng khi áp lực lên VND và dự trữ ngoại hối trở nên căng thẳng.
TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược Dragon Capital, dự báo, áp lực tỷ giá có thể khiến NHNN nâng lãi suất tiền gửi thêm 0,5-1,5% trong 3-6 tháng tới.
Trong khi đó, trong báo cáo phân tích mới đây, Ngân hàng HSBC cho biết, khả năng NHNN tăng lãi suất điều hành sẽ không xảy ra. Bởi việc tăng lãi suất trong khi tăng trưởng tín dụng còn yếu sẽ không có lợi cho tăng trưởng kinh tế và đây cũng không phải “liều thuốc” hỗ trợ đồng nội tệ.
Shinhan Bank cũng đưa ra nhận định, NHNN có khả năng duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các ngân hàng đang nỗ lực giảm lãi suất, đơn giản thủ tục, kích cầu tín dụng... nhưng khả năng NHNN thay đổi quan điểm trong điều hành chính sách tiền tệ là không cao.
Đồng quan điểm, các chuyên gia kinh tế của UOB cho hay, NHNN sẽ giữ lãi suất ổn định trong thời điểm hiện tại. Tỷ lệ lạm phát tăng nhanh gần đây có thể khiến NHNN thận trọng hơn nữa trong bất kỳ thay đổi nào về lãi suất chính sách.
Còn TS.Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, đưa ra quan điểm rằng tỷ giá sẽ sớm hạ nhiệt. "Tỷ giá sẽ không vượt qua 26.000 đồng/USD bởi không phải tháng 9 mà là tháng 7 Mỹ sẽ giảm lãi suất", ông Phước nhận định.
Ông Phước cho rằng, tỷ giá trong những tháng cuối năm sẽ không còn nhiều đáng ngại. Vì vậy, không cần nâng lãi suất, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn cần đến nguồn vốn giá rẻ.
Ông Phước ví von rằng nếu xem tỷ giá là đường ruột thì kháng sinh liều cao là lãi suất. Nếu đẩy lãi suất lên cao để trị lạm phát, tỷ giá thì quá đơn giản, nhưng cái giá phải trả là nền kinh tế đang cần chi phí vốn rẻ.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nhìn nhận: việc điều chỉnh lãi suất không phải là công cụ chính yếu để vực dậy nền kinh tế đang đối mặt nhiều khó khăn.
Giám đốc phân tích một công ty chứng khoán nhận định, cơ quan quản lý sẽ không tăng lãi suất điều hành mà sẽ nới biên độ tỷ giá.
Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, từ 22/4-27/5, NHNN bán ra khoảng 4,1 tỷ USD để kiềm chế đà mất giá của tiền đồng. VDSC cho rằng NHNN có thể sẽ cần bán tiếp ngoại tệ để ổn định tỷ giá vào cuối quý III, đầu quý IV - thời gian cao điểm đối với nhu cầu ngoại tệ.
Trao đổi với báo chí tại họp báo quý I, lãnh đạo NHNN khẳng định đang cố gắng dùng nhiều biện pháp điều hành chính sách tiền tệ để hài hòa giữa hai mục tiêu ổn định tỷ giá, giảm lãi suất phù hợp.
Trước áp lực tỷ giá, NHNN chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất theo hướng tăng hay giảm. Thay vào đó, nhà điều hành duy trì lãi suất điều hành hiện tại và khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay nhất là ở các lĩnh vực ưu tiên.
Lãi suất tiết kiệm đi lên sau thời gian "dò đáy"
Sau thời gian dài liên tục "dò đáy", lãi suất huy động tiền gửi từ người dân tại nhiều ngân hàng đã rục rịch tăng từ tháng 3.
Ngay trong tuần đầu tháng 6, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã tiếp tục nhích tăng với mức phổ biến từ 0,1-0,5%/năm, thậm chí có nơi tăng mạnh 1,6%/năm.
Hầu hết ngân hàng thương mại đều đã điều chỉnh lãi suất huy động tăng với mức trung bình khoảng 30-100 điểm cơ bản so với vùng đáy xác nhận vào tháng 3. Tuy nhiên, xu hướng tăng mạnh chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng vừa và nhỏ ở hầu hết các kỳ hạn. Còn nhóm ngân hàng lớn chỉ điều chỉnh tăng nhẹ ở kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Lãi suất tăng trở lại mức cao nhất là 6,2%/năm, song chỉ ở kỳ hạn dài.
Nguyên nhân đẩy lãi suất tiết kiệm tái tăng là do tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sụt giảm trong những tháng đầu năm. Đồng thời, khi bước sang quý II, cầu tín dụng bắt đầu phục hồi. Vì vậy, nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn.
Hơn nữa, theo một số nhà phân tích, lãi suất huy động cần phải tăng lên để bảo vệ tiền đồng. Hiện Việt Nam đang áp dụng chính sách tiền tệ ngược với xu hướng chung của thế giới. Công cụ cuối cùng của NHNN là lãi suất điều hành vẫn chưa tăng. Trong khi đó, áp lực tỷ giá được nhận định sẽ còn tăng lên.
Từ đầu năm đến nay, đồng VND đã mất giá gần 5%, ngang bằng dự báo cả năm 2024. Trước áp lực tỷ giá, NHNN phải phát hành tín phiếu gửi tín hiệu đến thị trường rằng chính sách tiền tệ không nới lỏng quá mạnh và sẽ thu hẹp lại.
Các chuyên gia của BVSC cho rằng, mặt bằng lãi suất ở mức thấp khiến cho nhu cầu nắm giữ các tài sản sinh lời cao hơn tăng lên, gây áp lực đối với hoạt động huy động vốn của các ngân hàng. Tiền nhàn rỗi bắt đầu tìm hướng ra các kênh đầu tư tích lũy khác như: bất động sản, vàng, chứng khoán.
Để giữ chân được tiền nhàn rỗi, nhiều dự báo đưa ra cho thấy khả năng lãi suất tiền gửi sẽ tăng thêm 1%.
VDSC nhận định, lãi suất huy động có thể phục hồi về thời điểm đầu năm nay trong các tháng tới, tương đương với mức tăng bình quân 0,5-1%/năm từ vùng đáy.
Các chuyên gia của Chứng khoán MB (MBS) dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 0,5-0,7 điểm %, quay về mức 5,1%-5,3% trong nửa sau năm 2024.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng dự báo, mặt bằng lãi suất huy động sẽ dần dâng cao trong thời gian tới. Nhưng mức tăng nếu có sẽ không quá lớn, chỉ khoảng 0,5-1%/năm.
Tương tự UOB dự báo lãi suất huy động còn xu hướng tăng từ nay đến cuối năm 2024, với mức tăng 0,5-1%.
Nhóm phân tích Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) cho biết dù NHNN chưa điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, các lãi suất tham chiếu khác như lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu chính phủ cũng dần ghi nhận xu hướng tăng trở lại.
Dù dự báo lãi suất huy động sẽ chịu áp lực tăng vào nửa cuối năm nay nhưng giới phân tích đánh giá mức tăng không lớn khi tín dụng còn yếu.
Nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất huy động tăng gây áp lực đến lãi suất vay nhưng hiện tác động chưa đáng kể. Dù lãi suất tín dụng đã ấm dần nhưng so với nhiều năm trước vẫn chậm và chưa đạt kế hoạch của các ngân hàng. Chính các ngân hàng cũng phải chịu áp lực cạnh tranh cho vay.
Hơn nữa, NHNN lại đang kiểm soát chặt chẽ lãi vay dưới sự chỉ đạo của Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, các nhà băng muốn tăng lãi suất cho vay ở thời điểm này cũng không dễ.
Lãi suất liên ngân hàng bất ngờ giảm sâu
- Lãi suất bắt đầu tăng lên, tỷ giá dần hạ nhiệt 25/05/2024 02:00
- NHNN đồng loạt tăng lãi suất OMO và tín phiếu 22/05/2024 07:33
- Soi lãi vay các ngân hàng, lãi suất thấp còn duy trì được bao lâu? 16/05/2024 01:30
Cảnh đìu hiu ở Chợ trung tâm Móng Cái chuyên bán hàng Trung Quốc
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone