Lãi suất bắt đầu tăng lên, tỷ giá dần hạ nhiệt
(VNF) - Theo giới phân tích, lãi suất không có khả năng giảm thêm, mặt bằng lãi suất đang tăng nhẹ và sẽ còn tăng. Trong khi đó, tiền đồng khó giảm giá thêm trong nửa cuối năm, áp lực tỷ giá dần hạ nhiệt.
Lãi suất tăng nhẹ
Sau thời gian dài liên tục “dò đáy”, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã đảo chiều. Tính đến giữa tháng 5, hầu hết nhà băng đã tăng lãi suất trở lại, với mức tăng gần 1% so với đầu năm.
Tính từ đầu tháng 5 đến nay, đã có 17 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động, trong đó có những ngân hàng điều chỉnh tăng từ 2-3 lần như VIB, CB, SeABank, ABBank và NCB.
Nếu như cuối tháng 4 không có nhà băng nào trả lãi suất tiết kiệm ở mức trên 4,7%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 6 tháng thì đến nay có ngân hàng đã trả lãi suất tiền gửi kỳ hạn này ở mức 5,15%/năm.
Đáng chú ý, có 3 ngân hàng đang duy trì mức lãi suất từ 6%/năm trở lên cho tiền gửi các kỳ hạn dài, gồm: HDBank, OceanBank và OCB.
Theo giới phân tích, việc các ngân hàng tăng lãi suất xuất phát từ một vài lý do. Cụ thể, trong bối cảnh thị trường vàng và tỷ giá nóng lên, lượng tiền gửi ngân hàng của người dân sụt giảm (tính đến ngày 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm) khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất để tăng sức hấp dẫn cho kênh đầu tư này. Cùng với đó, bước sang quý II/2024, cầu tín dụng bắt đầu phục hồi, ngân hàng phải huy động thêm vốn để chuẩn bị phục vụ nhu cầu tín dụng trong thời gian tới.
TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế - chia sẻ rằng lãi suất trong thời gian tới sẽ khó có thể giảm thêm. “Nếu lãi suất huy động ở mức rất thấp, không đủ bù đắp cho trượt giá, người dân sẽ hạn chế gửi tiền vào ngân hàng, mà tìm kiếm kênh đầu tư cho lợi suất cao hơn như bất động sản, vàng, ngoại tệ, chứng khoán…
Khi đó, khả năng huy động vốn của các ngân hàng thu hẹp lại và đương nhiên khả năng cho vay thu hẹp lại. Đây chính là bẫy thanh khoản. Thanh khoản hệ thống ngân hàng gặp khó khăn khi kinh tế phục hồi, đầu tư cho sản xuất, kinh doanh tăng lên. Nói tóm lại, không thể hạ lãi suất tiền gửi thêm nữa", ông Nghĩa phân tích.
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam nhận định, động thái tăng lãi suất của các ngân hàng xuất phát từ xu hướng của các thị trường quốc tế và mục tiêu cân bằng so với lợi suất của các kênh đầu tư khác trên thị trường. Nhưng theo ông Quang, lãi tiền gửi tăng nhưng vẫn ở mức thấp nhiều năm. Mặt bằng chung lãi tiền gửi hiện nay là 5%. Ông Quang dự báo, lãi suất tiền gửi có thể tăng 0,5-1% trên các kỳ hạn khác nhau từ nửa cuối năm nay.
Còn theo dự báo của các chuyên gia Công ty CP Chứng khoán MB (MBS), lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ nhích thêm 0,5-0,7%, lên mức 5,1- 5,3%/năm trong nửa sau năm 2024.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, khả năng trong nửa sau của năm 2024, hoạt động cho vay sẽ trở nên sôi động hơn khi các thành phần kinh tế vay vốn nhiều hơn phục vụ sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng. Khi đó, lãi suất cho vay có thể tăng trở lại cùng nhịp tăng với lãi suất huy động.
Đồng quan điểm, Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận định, lãi suất huy động và cho vay vẫn đang giữ ở mức khá thấp, nhưng thời gian tới, lãi suất huy động tăng sẽ tạo áp lực lên lãi suất cho vay.
Trong khi đó, các chuyên gia của MBS nhận định, lãi suất đầu ra vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và ngân hàng thương mại nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng thương mại liên tục triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Hiện lãi suất cho vay của một số gói tín dụng chỉ từ 2,5-3%/năm với cho vay ngắn hạn và 5-6%/năm với cho vay trung và dài hạn - thấp hơn so với chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng thương mại.
Tỷ giá dần hạ nhiệt
Tỷ giá USD/VND đã tăng mạnh ngay từ nửa đầu năm 2024. Theo NHNN, từ đầu năm đến nay, VND giảm giá khoảng 5% so với USD, tương tự xu hướng mất giá của các đồng tiền trong khu vực.
Ông Đinh Đức Quang, Ngân hàng UOB Việt Nam, nhận định nguyên nhân khiến tiền đồng mất giá khoảng 5% kể từ đầu năm là do biến động của đồng USD. Theo ông Quang, việc lãi suất USD neo ở mức rất cao gây áp lực mất giá lên tất cả các đồng tiền khác, trong đó có VND. Khi lãi suất USD ở mức cao, thị trường sẽ luôn có sự dịch chuyển dòng vốn ngược lại Mỹ để đầu tư vào các tài sản USD như tiền gửi USD, chứng khoán niêm yết tại Mỹ, giấy tờ có giá,...
Trước áp lực tỷ giá, NHNN đã thực hiện hàng loạt các biện pháp bao gồm: đấu thầu vàng miếng nhằm thu hẹp chênh lệch giá bán trong nước và thế giới, đẩy lãi suất liên ngân hàng nhằm hạn chế các hoạt động carrytrade (giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ), đồng thời bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm.
Cùng với đó, NHNN cũng đã tăng lãi suất trên thị trường mở (OMO) từ 4,25% lên 4,5%/năm, nhằm giúp NHNN giảm áp lực phải bán ra ngoại tệ trong những ngày gần đây.
Đáng chú ý, ngày 23/5, NHNN đã cho các thành viên vay gần 43.100 tỷ đồng, cao kỷ lục trong nhiều năm, lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao nhất trong gần một năm trở lại đây (4,5%/năm).
Giới chuyên môn đánh giá những nỗ lực mạnh mẽ của NHNN đã phần nào giải tỏa tâm lý thị trường cũng như nhu cầu USD giảm nhẹ theo mùa vụ đã giúp tỷ giá ổn định.
Kể từ sau khi NHNN bắt đầu bán ngoại tệ, đà tăng của tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã dừng lại.
Thống kê từ MBS cho biết, tính đến cuối tháng 4/2024, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng ở mức 25.415 đồng/USD giảm nhẹ 0,1% kể từ đỉnh ngày 23/4, tăng 4,4% kể từ đầu năm.
Ông Park Won Sang - Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, Fed và ECB sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua cắt giảm lãi suất điều hành trong nửa cuối năm 2024, thị trường tài chính nhờ đó sẽ hưởng lợi. Việc điều hành vĩ mô của Việt Nam, đặc biệt là tỷ giá và lãi suất sẽ “dễ thở” hơn.
Còn ông Abel Lim, Giám đốc Tư vấn và chiến lược quản lý tài sản, Tập đoàn UOB, cho biết Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất hai lần trong năm nay, vào tháng 9 và tháng 12. Dự báo NHNN cũng sẽ giữ nguyên lãi suất trong năm nay. Vì vậy, sức mạnh của USD được kỳ vọng sẽ giảm bớt trong những tháng tới, tác động tích cực tới VND.
Trong khi đó, các chuyên gia đến từ MBS tin rằng: “Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024”.
Các chuyên gia của MBS dự báo tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.100-25.300 đồng/USD trong quý II/2024.
Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia của Ngân hàng UOB Việt Nam nhận định, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp kỷ lục, khá chắc chắn là đã chạm đáy và sẽ tăng trở lại. Do đó, cùng với khả năng lãi suất USD giảm, tiền đồng khó giảm giá thêm trong nửa cuối năm.
Báo cáo của UOB cho thấy dự báo VND và cả các đồng tiền khác, có khả năng tăng giá trở lại so với USD trong nửa sau 2024 khi lãi suất USD có thể được cắt giảm trong khi lãi suất VND sẽ hầu như không có khả năng giảm thêm và sẽ tăng trở lại.
Các chuyên gia UOB dự báo tỷ giá USD/VND sẽ đạt 25.600 trong quý II, 25.100 trong quý III, 24.800 trong quý IV và 24.600 trong quý I/2025.
Ngân hàng Nhà nước phủ nhận tin đồn thay đổi điều hành tỷ giá
- Thủ tướng yêu cầu phấn đấu giảm 1-2% lãi suất cho vay 20/05/2024 03:46
- Ngân hàng tăng hút tiền, đẩy lãi suất tiết kiệm lên 8%/năm 08/05/2024 01:30
- Tỷ giá VND/USD tăng 'giật mình', áp lực đẩy lãi suất đi lên nhanh chóng? 03/05/2024 08:00
Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.