Nhà báo trong vai nhà đầu tư chứng khoán
(VNF) - Giữa sự trong sạch tuyệt đối theo kiểu “nhà báo viết về mảng Chứng khoán không được đầu tư chứng khoán” và kiểu “nhà báo phải dấn thân vào đầu tư chứng khoán để tìm kiếm sự thật và đưa sự thật đó đến với độc giả”, cá nhân tôi chọn hướng tiếp cận thứ hai.
1. Tôi là một nhà báo và cũng là một nhà đầu tư chứng khoán. Một trong những câu hỏi từng khiến tôi và có lẽ không ít nhà báo “đứng hai vai” như tôi trăn trở, đó là liệu nhà báo tự bỏ tiền ra đầu tư chứng khoán có vi phạm các nguyên tắc báo chí, nhất là với những nhà báo chuyên viết về mảng tài chính - chứng khoán như tôi?
Để trả lời cho câu hỏi trên, trước tiên, tôi phải làm rõ thiên kiến có thể có của tôi trong bài viết này. Tôi tiếp xúc với các kiến thức cơ bản về đầu tư chứng khoán từ khi còn học cấp 3 thông qua một cuốn sách trong quá trình tìm kiếm ngành nghề phù hợp để học đại học. Tôi đỗ chuyên ngành kinh tế mà tôi mong muốn, dành phần lớn thời gian trên ghế nhà trường cho đam mê đầu tư chứng khoán. Ra trường, tôi có đi làm trong ngành chứng khoán một thời gian và sau đó mới bén duyên với nghề báo. Suốt mười mấy năm, đam mê với đầu tư chứng khoán trong tôi chưa bao giờ suy giảm. Kể lại một hành trình để thấy, thiên kiến của tôi, nếu có, là ủng hộ việc nhà báo đầu tư chứng khoán.
2. Vừa là nhà báo, vừa là nhà đầu tư chứng khoán có điểm tích cực và tất nhiên cũng có điểm tiêu cực. Điểm tích cực rõ thấy nhất là sự “thực chiến”. Nếu ai đã từng “ăn nằm” trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thấy câu nói “90% nhà đầu tư thua lỗ trên thị trường chứng khoán” không phải là ngoa. Chứng khoán là lĩnh vực khó và nếu chỉ đứng ngoài quan sát, nhà báo có thể tiếp cận sai vấn đề, đi lệch khỏi bản chất và rốt cuộc không thể cung cấp “sự thật” cho độc giả.
Tôi vẫn còn nhớ trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi về huyền thoại đầu tư Warren Buffett, tỷ phú Elon Musk từng nhấn mạnh ông không phải “người hâm mộ lớn nhất” của Warren Buffett, đồng thời vừa khen vừa chỉ trích rằng “có quá nhiều người thông minh theo học ngành tài chính và luật” và cho rằng những người thông minh nên tìm đến các ngành sản xuất mà theo Elon Musk là “có ích hơn”. Mặc dù những lời trên của Elon Musk phần nào mang tính “cà khịa” Warren Buffett nhưng cũng cho thấy, tài chính nói chung và đầu tư chứng khoán nói riêng là một lĩnh vực khó.
Vậy với nhà báo, khó nhất ở đâu? Trong đầu tư nhìn chung có 2 hướng tiếp cận: Top-down và Bottom-up. Top-down là tiếp cận từ thị trường chung, rồi đến các ngành, sau đó mới đến doanh nghiệp và cổ phiếu của doanh nghiệp. Bottom-up là tập trung tìm kiếm những cổ phiếu xứng đáng để mua và nắm giữ mà ít quan tâm đến diễn biến của thị trường chung. Trong vai là nhà báo, hướng tiếp cận Top-down là phổ biến bởi nó phù hợp với đặc tính ngành nghề là tiếp xúc với nhiều thông tin từ vĩ mô tới các ngành, các doanh nghiệp.
Kinh nghiệm của cá nhân tôi cho thấy, khó nhất với nhà báo là hiểu được sự vận động của thị trường chung và sự vận động của giá cổ phiếu, còn việc hiểu về ngành cũng như doanh nghiệp không phải là khó, thậm chí nhà báo có lợi thế tiếp cận thông tin. Và để hiểu được sự vận động thị trường chung và giá cổ phiếu, không có cách nào khác là phải dấn thân vào thị trường để có cảm nhận về thị trường, thấy được sự vận động của dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong các bối cảnh vĩ mô khác nhau, nắm bắt được một phần tư duy của các “nhà tạo lập”, biết được trạng thái tâm lý của nhà đầu tư cá nhân... Đây là cả một quá trình học tập và tinh chỉnh liên tục qua các chu kỳ của thị trường chứng khoán. Nhà báo viết về chứng khoán có thể không nhất thiết phải đầu tư thành công, nhưng vẫn rất cần hiểu về đầu tư chứng khoán để hạn chế việc tiếp cận sai vấn đề hoặc đi vào lý thuyết mà thiếu đi sự thấu hiểu thị trường chứng khoán Việt Nam, đưa thông tin sai mà không hay biết…
Ngược lại, về mặt tiêu cực, nhà báo dấn quá sâu vào đầu tư chứng khoán có thể vô tình rơi vào thiên kiến cá nhân khi viết bài, đánh mất đi sự khách quan, lẫn lộn công - tư. Tình huống này thường xảy ra khi nhà báo sử dụng đòn bẩy quá lớn trong đầu tư chứng khoán, hoặc viết về chính cổ phiếu mà bản thân đang/có thể sẽ sớm nắm giữ. Nhà báo nếu không đủ tỉnh táo và hiểu biết cũng có thể vô tình trở thành công cụ lan truyền các thông tin có mục đích, thậm chí là lan truyền tin đồn, phục vụ cho việc kéo - xả cổ phiếu… Đó là chưa kể đến các trường hợp cố tình lan truyền các thông tin có mục đích, góp phần vào thao túng giá cổ phiếu, hoặc giao dịch mang tính chất nội gián… Dù vô tình hay cố ý, những trường hợp trên đều vi phạm đạo đức nghề báo, một số trường hợp còn vi phạm các quy định pháp luật.
3. Giữa sự trong sạch tuyệt đối theo kiểu “nhà báo viết về mảng Chứng khoán không được đầu tư chứng khoán” và kiểu “nhà báo phải dấn thân vào đầu tư chứng khoán để tìm kiếm sự thật và đưa sự thật đó đến với độc giả”, cá nhân tôi chọn hướng tiếp cận thứ hai. Vấn đề là cần phải làm gì để hạn chế các mặt tiêu cực khi nhà báo đầu tư chứng khoán?
Qua tham khảo cách tiếp cận của một số toà soạn trên thế giới, tôi cho rằng mỗi toà soạn phải nêu rõ 2 vấn đề: nguyên tắc và khuyến nghị.
Về nguyên tắc, nhà báo phải khai báo các quyền lợi, lợi ích có thể dẫn đến việc ảnh hưởng tới tính khách quan khi viết bài. Cụ thể, tòa soạn cần có mẫu khai báo dạng như “Kê khai về lợi ích cá nhân”, trong đó quy định nhà báo buộc phải khai báo khoản đầu tư của mình vào một cổ phiếu, một loại trái phiếu, một loại chứng chỉ quỹ… nếu như giá trị đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đó vượt quá một mức tối thiểu nào đó do tòa soạn quy định. Nhà báo cũng phải khai báo các mối quan hệ mang tính nội bộ với lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp niêm yết, chẳng hạn như có người thân ruột thịt làm thành viên HĐQT hoặc thành viên ban điều hành của một doanh nghiệp niêm yết.
Các bản kê khai về lợi ích cá nhân như trên được cập nhật định kỳ và gửi đến những người có thẩm quyền (ví dụ như người quản lý trực tiếp của nhà báo cũng như ban thư ký toà soạn, ban biên tập tòa soạn). Điều quan trọng là các bản kê khai này được bảo mật và chỉ gửi đến những người có thẩm quyền theo quy định của toà soạn. Những người có thẩm quyền này sẽ quyết định trong trường hợp nào thì nhà báo A không được triển khai đề tài X mà phải cử nhà báo B triển khai đề tài X. Điều này đảm bảo sự tự chủ, linh hoạt của toà soạn trong hành trình tìm kiếm “sự thật”. Trong những trường hợp cần thiết, một nhà báo nắm giữ đáng kể một cổ phiếu vẫn có thể triển khai đề tài về cổ phiếu đó nếu như được những người có thẩm quyền của tòa soạn cho phép.
Về khuyến nghị, tòa soạn cần đưa ra các khuyến nghị để nhà báo duy trì tính liêm chính khi viết bài về chứng khoán. Chẳng hạn như khuyến nghị nhà báo không nên mua/bán một cổ phiếu trong tương lai gần nếu như họ vừa viết bài liên quan đến cổ phiếu đó. Hoặc nhà báo hay tòa soạn được khuyến nghị đưa ra các tuyên bố từ chối trách nhiệm thích hợp đối với các bài viết về chứng khoán chứa nhiều nhận định mang tính cá nhân của tác giả.
Chuyên đề ‘Kinh tế báo chí’ trên Tạp chí Đầu tư Tài chính số tháng 6/2024
Kinh tế báo chí: Góc nhìn từ lịch sử
Kinh tế báo chí trước thách thức của mạng xã hội
- Cú 'đổ đèo' của báo in 19/06/2024 08:15
- 'Cơ hội đang mở ra cho những người đi nhanh, cho đổi mới, sáng tạo' 03/06/2024 08:00
- 'Sớm sửa Luật Thuế TNCN, không thể cứng nhắc chờ đến 2026' 01/06/2024 03:00
Nhà phố trên 'đất vàng' Hà Nội, bỏ trống hàng loạt vì 'ế' khách thuê
(VNF) - Nhiều căn nhà mặt phố đường Kim Mã (Hà Nội) hiện nay vẫn để không từ nhiều tháng nay vì không tìm được khách thuê.