'Sớm sửa Luật Thuế TNCN, không thể cứng nhắc chờ đến 2026'
(VNF) - TS Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế Ứng dụng cho rằng, cần ưu tiên sớm sửa Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) để thay đổi mức giảm trừ gia cảnh, hỗ trợ cho đời sống của người dân khi cách tính thuế đã không còn phù hợp và lạc hậu.
Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đang là một trong những vấn đề nổi cộm tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước của Quốc hội. Nhiều đại biểu cho rằng cần sớm sửa đổi Luật Thuế TNCN để phù hợp với tình hình kinh tế hiện tại.
Để làm rõ về vấn đề này, Tạp chí Đầu tư Tài chính đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế Ứng dụng.
Ông đánh giá thế nào về cách tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định hiện hành?
TS Nguyễn Hoàng Hiệp: Từ kỳ tính thuế năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế đã được nâng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng, tương đương 132 triệu đồng/năm; mức giảm trừ đối với người phụ thuộc nâng từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng.
Đã hơn 3 năm kể từ khi có sự điều chỉnh về mức giảm trừ gia cảnh, mặt bằng giá cả, chi phí sinh hoạt so với thời điểm đó cũng đã tăng lên khá nhiều. Giá cả biến động từ những cốc cà phê, từ mớ rau đến học phí, viện phí,… trong khi mỗi tháng người dân vẫn phải chịu 1 khoản thuế thu nhập cá nhân được đánh giá là cao so với thu nhập.
Ở những thành phố lớn, chi phí sinh hoạt tăng theo ngày, theo tuần với mức tăng có thể nhanh hơn thu nhập trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp khó trong giai đoạn phục hồi vừa qua.
Đối với cách tình thuế hiện tại, những người có thu nhập cao đang được khấu trừ gia cảnh tương đương với những người có thu nhập thấp. Điều này sẽ tạo ra sự mất công bằng xã hội. Cần phải thay đổi cách tính, phân biệt khoảng cách giữa thu nhập cao và thấp, từ đó gia tăng mức giảm trừ gia cảnh cho đối tượng thu nhập thấp để hỗ trợ đời sống, tránh làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong nước.
Không chỉ phân biệt giữa thu nhập, cách tính thuế còn cần phân biệt giữa các ngành nghề kinh doanh, phải tính đến các yếu tố như môi trường độc hại khác với môi trường văn phòng để thêm tiêu chí tính thuế thu nhập cá nhân. Ngoài ra, việc phân biệt cách tính thuế giữa các địa phương cũng vô cùng quan trọng. Với cùng mức thu nhập, chi phí sinh hoạt ở các thành phố lớn so với vùng nông thôn có mức chênh lệch lớn. Việc “cào bằng” tính thuế thu nhập cá nhân như hiện nay với tất cả người dân trong xã hội được cho là chưa công bằng. Nhiều chuyên gia cũng như đại biểu Quốc hội đánh giá, cách tính thuế thu nhập cá nhân hiện tại là rất lạc hậu và không phù hợp với tình hình của Việt Nam hiện tại.
Theo ông, việc phải chờ thêm 3 năm để sửa đổi Luật Thuế TNCN và đưa vào thực thi sẽ gây ảnh hưởng gì tới người dân?
Theo những phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để sửa đổi Luật Thuế TNCN đã được bổ sung vào kỳ họp tháng 10/2025, dự kiến thông qua vào kỳ họp tháng giữa năm 2026.
Điều này có nghĩa là phải đến năm 2027, Luật Thuế TNCN sửa đổi mới được đưa vào thực thi và thậm chí phải chờ 1-2 năm để những sửa đổi của bộ luật này tác động vào thực tiễn. Như vậy thời gian chờ đợi của người dân không chỉ là 3 năm mà có thể nhiều hơn.
Trong khi đó, bộ phận người dân bị ảnh hưởng không tốt bởi sự lạc hậu của bộ luật này là không hề ít. Việc phải chờ đợi thêm 1 năm đã đủ gây nên tác động tiêu cực đến đời sống của người dân và nhìn rộng ra có thể ảnh hưởng tới thị trường bán lẻ tiêu dùng, hay những lĩnh vực khác như du lịch nghỉ dưỡng, tài chính ngân hàng khi túi tiền của người dân không còn dư dả.
Tôi cho rằng các bộ, ban, ngành cần ưu tiên sửa đổi những quy định lạc hậu của Luật Thuế TNCN, không thể cứng nhắc làm chậm trễ thêm điều này tới năm 2025-2026. Những bức xúc của người dân về mức giảm trừ gia cảnh, về cách tính thuế TNCN không chỉ diễn ra trong những tháng gần đây mà đã là câu chuyện của nhiều năm trở lại đây.
Nếu chậm trễ trong việc sửa đổi Luật Thuế TNCN thêm 3-4 năm nữa, vấn đề này có thể trở thành nỗi bức xúc suốt cả thập kỷ của người dân.
Thuế TNCN là một trong 3 trụ cột thuế của Việt Nam, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước bên cạnh thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Khoản thuế này trích trực tiếp từ thu nhập của mỗi người nhân, do đó phải để người dân cảm thấy thoải mái, phù hợp khi đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
Ông đề xuất nên sửa đổi Luật Thuế TNCN như thế nào để phù hợp với tình hình hiện tại?
Cần sửa đổi Luật Thuế TNCN theo nhiều hình thức chứ không đơn thuần là mức giảm trừ gia cảnh, mà còn phải tính đến cả người phụ thuộc và phải được xem xét đánh giá góc độ thành thị, nông thôn, ngành nghề vì với giảm trừ người phụ thuộc hiện nay là hoàn toàn không thể nuôi một đứa trẻ ở khu vực thành thị lớn như TP. HCM, Hà Nội...
Nhìn vào các quốc gia trong khu vực, người dân của họ được khấu trừ rất nhiều các loại chi phí vào thu nhập chịu thuế. Chúng ta nên tham khảo cách tính thuế thu nhập của các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia … để có cách tính toán có chọn lọc và bổ sung những chi phí cần thiết và phù hợp để khấu trừ vào thu nhập chịu thuế của người dân.
Ngoài ra, thu nhập cá nhân bất thường nên xác định rõ thế nào là thu nhập bất thường và đóng thuế theo khung cho phù hợp đồng thời không được cộng dồn với thu nhập thường xuyên để tính thuế thu nhập được vì hai khoản thu nhập bất thường và thường xuyên là khác nhau do vậy tình cần làm rõ hai loại thu nhập này để tránh người lao động phải đóng thuế hai lần
Chính phủ hối thúc, Bộ Tài chính sắp nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN?
- Lương 12 triệu/tháng không đủ sống, Bộ Tài chính tính nâng giảm trừ gia cảnh tính thuế TNCN 03/11/2023 08:39
- Tăng mức giảm trừ gia cảnh: Những câu chuyện từ chi tiêu thực tế 07/05/2024 08:00
- Giảm trừ gia cảnh liệu đã đủ sống? 06/05/2024 08:00
- 'Cần tính giảm trừ gia cảnh theo xu hướng phát triển' 08/05/2024 08:00
- Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: 'Cân nhắc thêm các hình thức giảm trừ' 05/03/2024 11:39
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.