Nhà hát 1.500 tỷ tại Thủ Thiêm: 'Giờ không làm, đợi đến khi nào?'
Quốc Anh - Đại Việt -
09/10/2018 23:04 (GMT+7)
Đó là ý kiến của TS Trần Du Lịch, nguyên đại biểu Quốc hội TP. HCM khi được hỏi về việc HĐND TP. HCM thông qua chủ trương xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch tại Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư 1.508 tỷ đồng.
Dự án ấp ủ 20 năm
Tại kỳ họp lần thứ 10 (kỳ họp bất thường) diễn ra ngày 8/10, HĐND TP. HCM đã quyết định thông qua chủ trương đầu tư xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), với tổng mức đầu tư 1.508 tỷ đồng.
Nhà hát này được xây dựng với quy mô 1.700 chỗ, có 2 khán phòng gồm khán phòng lớn 1.200 chỗ và khán phòng nhỏ 500 chỗ. Dự kiến, thời gian thực hiện từ năm 2018-2022. Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa và Thể thao TP. HCM.
Phó chủ tịch UBND TP. HCM Lê Thanh Liêm nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng nhà hát 1.500 tỷ đồng tại kỳ họp thứ 10 của HĐND TP. HCM diễn ra ngày 8/10
Theo Phó chủ tịch UBND TP. HCM Lê Thanh Liêm, với vai trò là đầu mối giao lưu kinh tế, khoa học, văn hóa, TPHCM cần những công trình văn hóa xứng tầm.
Trước đây, thành phố có 3 nhà hát là Nhà hát Opera (nay là Nhà hát thành phố), Nhà hát Philharmonie (nay là Kho bạc thành phố) và Nhạc viện thành phố. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn Nhà hát Thành phố còn giá trị là một nhà hát đúng nghĩa.
Sau giải phóng, thành phố đầu tư xây dựng nhà hát Hòa Bình, nhà hát Bến Thành nhưng đến nay các công trình đã xuống cấp, không đạt tiêu chuẩn để tổ chức biểu diễn theo yêu cầu của các đoàn nghệ thuật đẳng cấp quốc tế.
Sự kiện HĐND TP. HCM thông qua chủ trương đầu tư xây dựng nhà hát hơn 1.500 tỷ đồng gây dư luận trái chiều, người ủng hộ, người băn khoăn và cũng có ý kiến phản đối.
TS Trần Du Lịch, nguyên đại biểu Quốc hội TP. HCM, cho biết ông hoàn toàn ủng hộ chủ trương xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
“HĐND TP. HCM quyết định như vậy là hoàn toàn phù hợp. TP. HCM cần một nhà hát xứng tầm. Dự án nhà hát này đã ấp ủ 20 năm rồi”, TS Lịch nói.
Khi được hỏi, HĐND thành phố quyết định đầu tư dự án nhà hát lên tới 1.500 tỷ đồng trong thời điểm này liệu có hợp lý, TS Lịch thẳng thắn: “Bây giờ chúng ta không quyết định làm thì đợi đến thế hệ nào mới làm được. Thành phố có thể tiết kiệm ở chỗ khác, còn văn hóa vẫn phải đầu tư. Lựa chọn mặt bằng trong trung tâm bán lấy tiền xây nhà hát là phù hợp”.
Nên dành nguồn vốn để chống ngập, giải quyết kẹt xe
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP. HCM cho biết, với vị thế của mình, TP. HCM cần một công trình văn hóa xứng tầm.
Ông Cương đồng ý với chủ trương của thành phố là xây dựng một công trình nghệ thuật tầm cỡ để nâng cao trình độ thẩm mỹ của người dân. Tuy nhiên, ông Cương cũng băn khoăn với quyết định đầu tư của thành phố trong điều kiện ngân sách gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Theo ông Cương, việc chi tới 1.500 tỷ đồng để xây nhà hát là chưa cần thiết và nên dành nguồn vốn để thực hiện các công trình chống ngập, chống kẹt xe.
Cũng theo TS Cương, thành phố có thể kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để xây nhà hát thay vì sử dụng vốn ngân sách như hiện nay.
TS Bùi Quang Tín - chuyên gia kinh tế (nhà sáng lập trường Doanh nhân BizLight) cho biết, ông chưa thể đưa ra ý kiến về việc đồng tình hay không đồng tình việc xây dựng nhà hát vì việc này còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, ông Tín cũng chia sẻ đôi điều dưới góc nhìn kinh tế khi đầu tư một dự án.
Theo ông Tín, khi đầu tư dự án thì cần xem xét kỹ tính pháp lý, dòng tiền, cân nhắc tỉ mỉ vấn đề chi ngân sách và chọn nhà thầu đủ năng lực. Cần phải đấu thầu công khai, minh bạch, tuyệt đối không chỉ định thầu.
Theo chuyên gia kinh tế này, cần phải xem xét kỹ về lợi ích của dự án mang lại, cách triển khai dự án như thế nào, dự án có đáp ứng được kỳ vọng đề ra hay không.
“Chủ đầu tư cũng phải đầy đủ tiềm lực tài chính để hạn chế việc phụ thuộc vào dòng tiền từ hệ thống ngân hàng. Nhiều khi ngân hàng không cho vay thì lại làm trì trệ tiến độ thực hiện của công trình”, tiến sĩ Tín nói.
Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch thành phố được thành lập từ năm 1993. Đến năm 1999, TP. HCM có ý định xây tại khu đất 23 Lê Duẩn (trụ sở Công ty Xổ số kiến thiết TP. HCM).
Đến năm 2005, UBND TP. HCM quyết định thu hồi và bàn giao khu đất 23 Lê Duẩn để bố trí sử dụng làm nhà hát. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà hát tại khu vực này được đánh giá là không phù hợp. Do đó, dự án xây dựng nhà hát bị ngưng trệ. Riêng khu đất 23 Lê Duẩn sau này bán đấu giá được hơn 1.400 tỷ đồng.
Đến năm 2012, chính quyền thành phố khởi động lại dự án nhà hát và chọn địa điểm là công viên 23/9. Nhà hát dự kiến có tổng vốn đầu tư gần 2.200 tỷ đồng, rộng 1,2ha bao gồm 2 khán phòng chính có sức chứa 1.700 chỗ. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc hội thảo, tổ chức lấy kiến chuyên gia…, dự án xây dựng nhà hát tại công viên bị phản đối.
Trong nhiệm kỳ này, lãnh đạo chính quyền thành phố quyết tâm xây dựng Nhà hát quy mô, xứng tầm với thành phố. Trả lời ý kiến của đại biểu HĐND TP. HCM tại kỳ họp năm 2016, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, mấy mươi năm sau giải phóng thành phố chưa đầu tư được nhiều công trình văn hóa. Ông khẳng định quyết tâm xây dựng nhà hát trong nhiệm kỳ này.
Đến tháng 8/2017, UBND TP. HCM quyết định chọn khu vực Thủ Thiêm (quận 2) là địa điểm xây nhà hát. Cuối tháng 9/2018, UBND TP. HCM chính thức có tờ trình gửi HĐND TP. HCM xin thông qua chủ trương đầu tư.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone