Nhà máy in tiền quốc gia lỗ, tín hiệu đáng mừng

Thanh Xuân - Mai Phương - 20/08/2019 07:20 (GMT+7)

Đó là nhận định của các chuyên gia sau khi thông tin Nhà máy in tiền quốc gia trực thuộc Ngân hàng Nhà nước lỗ 11,2 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay.

VNF
Số lượng in tiền của Nhà máy in tiền quốc gia phụ thuộc kế hoạch cung ứng tiền mặt của NHNN. Ảnh: Ngọc Thắng

Cung tiền giảm

Nhà máy in tiền quốc gia với ngành nghề kinh doanh duy nhất hiện nay là in, đúc tiền do đó số lượng, doanh thu và chi phí từ hoạt động in đúc tiền của nhà máy là hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu tiền mặt trong nền kinh tế, việc điều hành chính sách tiền tệ và theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Trong báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm, doanh thu của đơn vị này giảm đến 90 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, còn 906,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm 7 tỷ đồng xuống còn 10,3 tỷ đồng. Ngược lại chi phí quản lý tăng thêm 3,5 tỷ đồng lên 32,6 tỷ đồng. Từ đó khiến nhà máy bị lỗ hơn 11,2 tỷ đồng sau thuế trong khi cùng kỳ năm trước có lãi 60,38 tỷ đồng. Đáng chú ý, hàng tồn kho đến hết tháng 6 vừa qua của nhà máy tăng mạnh lên 950 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với hàng tồn kho cuối năm vừa qua.

Trước đó, cả năm 2018, Nhà máy in tiền quốc gia có doanh thu 2.337,33 tỷ đồng, tăng so với mức 2.113 tỷ đồng cả năm 2017 và lợi nhuận sau thuế cả năm 2018 là 51 tỷ đồng, tăng so với 44,46 tỷ đồng của năm 2017.

Mặc dù nhà máy đã giải thích hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, Bộ Tài chính và NHNN không giao chỉ tiêu lợi nhuận…, nhưng doanh thu của nhà máy chỉ bằng 39% so với năm 2018 cho thấy lượng cung tiền mặt vào nền kinh tế trong 6 tháng đã giảm.

Thực tế ngay từ đầu năm 2019, NHNN công bố không phát hành tiền mệnh giá dưới 10.000 đồng trong dịp Tết Nguyên đán, tiết kiệm gần 2.600 tỷ đồng trong 5 năm trở lại đây.

Thanh toán không tiền mặt tăng

Ông Nguyễn Trí Hiếu, Cố vấn HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), nhận xét đối với nhà máy in tiền, doanh thu phụ thuộc vào đơn đặt hàng của NHNN thì điều này khá tích cực đối với nền kinh tế khi lượng tiền mới giảm.

Vấn đề tại sao NHNN giảm đơn đặt hàng cần có thêm nhiều thông tin đánh giá nhưng có thể lượng tiền mặt trên thị trường không còn cần thiết như trước, hoặc NHNN còn các công cụ tiền tệ khác điều tiết trên thị trường. Cung tiền trên thị trường gồm tiền mặt, tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng, nếu người dân gửi tiền tại ngân hàng nhiều hơn thì điều đó không bắt buộc là tiền giấy. Đồng thời các phương thức thanh toán đang ngày càng phát triển với sự xuất hiện ngày càng nhiều thẻ ngân hàng, ví điện tử…, người dân không nhất thiết phải sử dụng tiền mặt trong thanh toán. Do đó tổng cung tiền dù tăng lên nhưng lượng tiền mặt giảm.

Theo NHNN, tỷ trọng tiền mặt trong lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán tính đến tháng 5 ở mức 11,67%, tương đương hơn 1,132 triệu tỷ đồng (tổng phương tiện thanh toán có quy mô hơn 9,7 triệu tỷ đồng). Thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng gia tăng. Tính đến hết quý 1/2019, hoạt động của thẻ ngân hàng với hơn 65 triệu giao dịch (tăng 10 triệu giao dịch so với cùng kỳ năm 2018) với giá trị hơn 171.461 tỷ đồng (tăng hơn 27.161 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái), các phương tiện khác lên đến 11,3 triệu giao dịch với giá trị 1,37 triệu tỷ đồng...

Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng năm 2018 đã xử lý an toàn với giá trị 73 triệu tỷ đồng (gấp 13 lần GDP, khoảng 13 tỷ USD/ngày), tăng trưởng 25% so với năm 2017; giá trị thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng 169,5% so với năm 2017.

Khảo sát của Công ty PwC đối với 27 nước đã ghi nhận VN là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán di động ở VN đã tăng từ 37% lên 61%.

TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, nhận định nhà máy in tiền sụt giảm về doanh thu là tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế. Điều này cho thấy NHNN vẫn đang theo chính sách hạn chế cung tiền ra thị trường.

Đồng thời, chủ trương tăng trưởng tín dụng ở mức thấp 12% trong năm nay cũng cho thấy Chính phủ đã nhất quán trong việc kiểm soát chặt nguồn cung tiền. Những năm trước đây, việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, đưa mức tăng trưởng tín dụng hằng năm lên cao để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo ước tính, cứ tăng trưởng 1% GDP thì tương đương tăng trưởng 3 - 4% tín dụng. Điều này cũng kéo theo lạm phát ở mức cao. Thế nhưng từ năm 2017 đến nay, tăng trưởng tín dụng được kiềm chế nhưng GDP vẫn tăng cao. Đồng thời lạm phát giữ ổn định ở mức thấp.

Bản chất hoạt động của Nhà máy in tiền quốc gia là đặc biệt nên việc doanh thu sụt giảm, bị lỗ là đáng mừng cho nền kinh tế vì thể hiện chính sách cung tiền thận trọng và tập trung phát triển kinh tế bằng chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh thay vì kích thích tăng trưởng kinh tế bằng thâm dụng vốn.

TS Đinh Thế Hiển

Xem thêm >> Thua lỗ nửa đầu năm 2019, Nhà máy in tiền quốc gia nói gì?

Theo Thanh Niên
Cùng chuyên mục
Tin khác