Nhận diện Tập đoàn Đạt Phương, 'tay to' trúng loạt dự án lớn ở Quảng Nam

Tuấn Anh - 28/09/2023 11:23 (GMT+7)

Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương được thành lập ngày 12/03/2002 với tên gọi ban đầu là Công ty cổ phần Xây dựng và vận tải Đạt Phương. Năm 2005, công ty này đổi tên thành Công ty cổ phần Đạt Phương và chính thức chuyển tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương vào tháng 12/2021. Ông Lương Minh Tuấn là Chủ tịch HĐQT với vốn điều lệ là 629.995.540.000 đồng.

VNF
Nhận diện ông lớn xây cầu 391 tỷ, nhận 4 dự án bất động sản ở Quảng Nam.

Trúng loạt dự án lớn ở Quảng Nam

Những năm gần đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương là một cái tên quen thuộc tại tỉnh Quảng Nam khi liên tiếp trúng nhiều gói thầu giá trị cao.

Mới đây, Tập đoàn Đạt Phương đã trúng 2 gói thầu với giá trị lớn tại Quảng Nam. Gói thầu đầu tiên phải kể đến là gói thầu thi công xây dựng công trình và điều tiết bảo đảm giao thông thủy thuộc Dự án Kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại đoạn từ UBND phường Cẩm An đến khu vực An Bàng, TP. Hội An. Kết quả cho thấy Tập đoàn Đạt Phương đã trúng thầu với giá 173,816 tỷ đồng và thời gian thực hiện hợp đồng 120 ngày.

Tiếp theo là gói thầu Thi công xây dựng công trình của dự án cầu Văn Ly và đường dẫn. Tập đoàn Đạt Phương trúng thầu với giá 467,135 tỷ đồng và thời gian thực hiện hợp đồng 900 ngày.

Ngoài ra, Đạt Phương còn trúng thầu các gói thầu như: Gói HA W3-1 Nạo vét sông Cổ Cò (273 tỷ đồng); Gói thầu Chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại, TP. Hội An (275 tỷ đồng); Đường và cầu ĐH7 qua sông Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn (147 tỷ đồng); Gói thầu xây lắp 01 thuộc dự án đường trục chính từ Khu công nghiệp Tam Thăng đi Cảng Kỳ Hà và Sân bay Chu Lai (509 tỷ đồng); Thi công xây lắp đoạn 2 thuộc Dự án đường trục chính từ Khu công nghiệp Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà và Sân bay Chu Lai (621 tỷ đồng).

Không chỉ là đơn vị trúng nhiều gói thầu tại Quảng Nam, Tập đoàn Đạt Phương còn được biết đến với các dự án liên quan đến hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) tại tỉnh Quảng Nam. 

Cụ thể, năm 2016, Công ty cổ phần Đạt Phương trúng dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Km0+317 (cầu Đế Võng) trên tuyến đường dẫn phía Bắc cầu Cửa Đại - TP. Hội An theo hình thức xây dựng - chuyển giao (Hợp đồng BT). Thời điểm đó, tỉnh Quảng Nam thống nhất giao lại cho nhà đầu tư quỹ đất thanh toán gồm 5 dự án với tổng diện tích khoảng hơn 251ha.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Đế Vọng tại Km0+317 trên tuyến đường dẫn phía Bắc cầu Cửa Đại được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 391 tỷ đồng. Dự án này được Công ty cổ phần Đạt Phương thực hiện từ năm 2016 và hoàn thành năm 2018. 

Đổi lại, UBND tỉnh Quảng Nam giao cho doanh nghiệp quỹ đất thanh toán, gồm 5 dự án: Khu đô thị Võng Nhi, Khu đô thị Đồng Nà (Bến Trễ), Khu đô thị Cồn Tiến (nằm tại TP. Hội An); Khu đô thị Nồi Rang (huyện Duy Xuyên) và Khu đô thị ven biển Bình Dương (huyện Thăng Bình) với tổng diện tích khoảng hơn 251ha. 

Sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản thống nhất quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án cầu Đế Võng trên tuyến đường dẫn phía Bắc cầu Cửa Đại chỉ còn 4 dự án với tổng diện tích khoảng 67,51ha, gồm: Khu đô thị Võng Nhi, Khu đô thị Đồng Nà (Bến Trễ), Khu đô thị Cồn Tiến, Khu đô thị Nồi Rang.

Tại tỉnh Quảng Nam, doanh nghiệp này còn có nhà máy Thuỷ điện Sông Bung 6. Công trình này nằm trên địa phận 2 huyện miền núi Quảng Nam là Đông Giang và Tây Giang với công suất lắp máy 29MW.

Nhận diện Đạt Phương

Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương được thành lập ngày 12/03/2002 với tên gọi tiền thân là Công ty cổ phần Xây dựng và vận tải Đạt Phương. Số vốn điều lệ ban đầu là 2,2 tỷ đồng. 

Năm 2005,công ty này đổi tên thành Công ty cổ phần Đạt Phương và chính thức chuyển tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương vào tháng 12/2021. Vốn điều lệ của công ty là 629.995.540.000 đồng.

Đến nay, HĐQT của Tập đoàn Đạt Phường gồm có 6 thành viên là: Ông Lương Minh Tuấn (Chủ tịch HĐQT); ông Phạm Kim Châu (Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc); ông Trần Anh Tuấn (Tổng giám đốc); ông Đặng Hoàng Huy; ông Đỗ Xuân Diện; bà Lê Thị Thu Trang.

Hệ sinh thái của Tập đoàn Đạt Phường đa dạng với các công ty con hoạt động kinh doanh khác nhau. Các lĩnh vực hoạt động kinh doanh này là: Xây dựng các công trình dân dụng, giao thông thuỷ lợi; sản xuất và kinh doanh điện năng; kinh doanh bất động sản; sản xuất và kinh doanh điện mặt trời áp mái.

Cụ thể, Công ty cổ phần Xây dựng Đạt Phương số 1 có vốn điều lệ là 30.000.000.000 đồng. Trong đó, Tập đoàn Đạt Phương đã góp vốn vào Công ty cổ phần Xây dựng Đạt Phương số 1 với số tiền là 21.000.000.000 đồng, tương đương với 2.100.000 cổ phiếu (tỷ lệ vốn góp 70%);

Công ty cổ phần Xây dựng Đạt Phương số 2 (tên cũ là Công ty TNHH MTV Đạt Phương Sài Gòn) có vốn điều lệ là 30.000.000.000 đồng. Tập đoàn Đạt Phương góp vốn vào Công ty cổ phần Xây dựng Đạt Phương số 2 với số tiền là 21.000.000.000 đồng, tương ứng 2.100.000 cổ phiếu (tỷ lệ vốn góp 70%).

Công ty cổ phần Thủy điện Đạt Phương Sông Bung có vốn điều lệ là 190.000.000.000 đồng. Tập đoàn này góp vốn vào Công ty cổ phần Thủy điện Đạt Phương Sống Bung với số tiền là 116.508.000.000 đồ, tương ứng với 11.650.800 cổ phiếu (tỷ lệ vốn góp 61,32%).

Công ty cổ phần Thủy điện Đạt Phương Sơn Trà có vốn điều lệ là 562.000.000.000 đồng. Công ty đã góp vốn vào Công ty cổ phần Thủy điện Đạt Phương Sơn Trà số tiền là 383.850.000.000 đồng, tương ứng với 38.385.000 cổ phiếu (chiếm 68,30% vốn điều lệ).

Công ty cổ phần Đạt Phương Hội An có vốn điều lệ là 171.000.000.000 đồng. Tập đoàn góp vốn vào Công ty cổ phần Đạt Phương Hội An số tiền là 152.000.000.000 đồng, tương ứng với 15.200.000 cổ phiếu (chiếm 88,89% vốn điều lệ) 

Cuối cùng, Công ty TNHH Thực phẩm Bee có vốn điều lệ là 25.000.000.000 đồng và Công ty TNHH Fukunana có vốn điều lệ là 7.000.000.000 đồng đều do Tập đoàn Đạt phương sở hữu 100% vốn điều lệ.

Ngoài ra, Tập đoàn này còn đang nắm giữ 75.900 cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Cầu Đồng Nai, tương đương 0,12% vốn điều lệ.

Doanh thu cao đến từ xây dựng và thuỷ điện

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ năm 2023, Tập đoàn Đạt Phương có doanh thu thuần đạt 1.159 tỷ đồng, giảm 185 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Doanh nghiệp đạt doanh thu lớn là nhờ vào doanh thu hợp đồng xây dựng (828 tỷ đồng) và doanh thu bán điện thương phẩm (296 tỷ đồng) là chính.

Lợi nhuận gộp chỉ ghi nhận ở mức 271 tỷ đồng, giảm mạnh 195 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Do chi phí lãi vay lớn (100 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế của doanh Tập đoàn Đạt Phương ghi nhận ở mức 137 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp ghi nhận tình trạng âm với 259 tỷ đồng. 

Cơ cấu nguồn vốn Tập đoàn Đạt Phương chủ yếu do nợ phải trả chiếm phần lớn với 3.776 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 2.186 tỷ đồng và nợ dài hạn là 1.590 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu tính đến hết tháng 6/2023 ghi nhận 2.244 tỷ đồng. Với việc nợ phải trả chiếm phần lớn, hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu là 1,6 lần. 

Đáng chú ý, cơ cấu tài sản của Tập đoàn Đạt Phương hàng tồn kho của doanh nghiệp này ghi nhận ở mức khá cao với 1.183 tỷ đồng. Hàng tồn kho của doanh nghiệp này tăng mạnh trong 2 năm 2021, 2022 từ 557 tỷ đồng lên 1.092 tỷ đồng.

Tiếp theo đó, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng (548 tỷ đồng) và chi phí xây dựng cơ bản dở dang (410 tỷ đồng). 

Với việc duy trì 3 mục này ở mức cao (Hàng tồn kho, phải thu ngắn hạn của khách hàng, chi phí xây dựng cơ bản dở dang) sẽ làm ảnh hưởng để doanh thu và tính thanh khoản cho Tập đoàn Đạt Phương.

Cùng chuyên mục
Tin khác