Tiêu điểm

Nhân kỷ niệm 46 năm ngày thống nhất đất nước: Ý chí - niềm tin - khát vọng

(VNF) - Lịch sử hàng ngàn năm của Việt Nam đã minh chứng hùng hồn ý chí kiên cường chống giặc ngoại xâm, chấn hưng kinh tế với niềm tin sắt đá về tương lai của dân tộc xây dựng đất nước phát triển hiện đại, cuộc sống của người dân ấm no, hạnh phúc.

Nhân kỷ niệm 46 năm ngày thống nhất đất nước: Ý chí - niềm tin - khát vọng

Chủ trương hội nhập thế giới của Việt Nam đã gặt hái được những thành quả quan trọng.

Vượt qua thách thức

Ý chí kiên cường của dân tộc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” với niềm tin sắt đá “Bắc Nam sum họp”, đất nước thống nhất để thực hiện khát vọng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc chiến tranh chống Mỹ, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30/04/1975, đánh dấu cột mốc lịch sử quan trọng: non sông liền một dải từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau.

Hai cuộc chiến tranh biên giới ở Tây Nam và phía Bắc, chính sách cấm vận của một số nước do Mỹ khởi xướng, quan hệ Việt Nam- Trung Quốc bị đóng băng, hệ thống XHCN thế giới ở vào giai đoạn cuối cùng của sự tan rã, cộng với sai lầm về đường lối, chính sách, cơ chế phát triển đã làm cho đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội trầm trọng, cả nước làm không đủ ăn.

Trong bối cảnh đó, một lần nữa ý chí, niềm tin và khát vọng của dân tộc đã nảy sinh sáng kiến của từng con người, từng tập thể, từng địa phương “phá rào” để tự cứu lấy mình, cứu cộng đồng và cả dân tộc thoát khỏi trạng thái nghèo khó. Khoán sản phẩm đến người lao động tại các hợp tác xã nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phú (cũ); kế hoạch ba phần (pháp lệnh, khuyến khích và theo sát thị trường) trong công nghiệp; bỏ tem phiếu, bù giá vào lương, bán hàng theo giá thị trường của tỉnh Long An; thu mua lương thực, nông sản, thực phẩm và bán hàng công nghiệp sát giá thị trường của tỉnh An Giang… là những điển hình thoát ra khỏi cơ chế kế hoạch hóa quan liêu, bao cấp, đặt nền móng cho công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế được Đại hội Đảng VI, tháng 12/1986 đề xướng.

Chuyển nền kinh tế theo cơ chế thị trường, mở cửa để làm bạn với các quốc gia trên thế giới đã khơi dậy tiềm năng to lớn về trí tuệ sáng tạo của người Việt Nam, khôi phục động lực tăng trưởng kinh tế trên cơ sở lợi ích cá nhân gắn với lợi ích cộng đồng và lợi ích dân tộc là nhân tố quyết định khắc phục sớm hơn dự kiến cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội trước năm 1990.

Từ năm 1991 đất nước bước sang giai đoạn tăng tốc, tạo ra “thời kỳ hoàng kim” kéo dài 8 năm từ 1991 đến 1998: tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 8,5%, một số ngành công nghiệp then chốt như thăm dò, khai thác dầu khí, lọc dầu, công nghệ điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ hóa chất, dịch vụ ngân hàng, tài chính, kiểm toán, bảo hiểm, khách sạn, văn phòng cho thuê đã hình thành; nông nghiệp, nông dân và nông thôn- tam nông được phát triển theo hướng thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích; đời sống của các tầng lớp dân cư từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm.

Chủ trương hội nhập thế giới đã gặt hái được những thành quả quan trọng. Quan hệ Việt Nam với các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, WB, ADB được phục hồi từ 1989. Quan hệ Việt Nam- Trung Quốc được cải thiện từ 1991. Năm 1994 Mỹ quyết định dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam, sau đó một năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Tháng 7/1995 Việt Nam gia nhập ASEAN, năm 1996 tham gia Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA). Cũng trong tháng 7 này Việt Nam ký Hiệp định khung về quan hệ hợp tác với EU. Bối cảnh mới đã thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), viện trợ phát triển (ODA), thương mại, du lịch quốc tế.

Dư luận thế giới bắt đầu chú ý đến sự thay đổi nhanh chóng của Việt Nam với những mỹ từ như “con rồng mới”, “ngôi sao đang lên” thể hiện sự kính trọng đối với một dân tộc bằng ý chí, niềm tin, khát vọng đã vượt qua nghìn trùng khó khăn để hồi sinh và phát triển.

Thực hiện mục tiêu kép

Dịch Covid 19 tác động nghiêm trọng đến đời sống kinh tế- xã hội của các nước trên thế giới. Việt Nam ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 23/01/2020. Chính phủ đã kịp thời đề ra khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc” để thực hiện mục tiêu kép: nhanh chóng dập dịch và tiếp tục phát triển kinh tế. Các giải pháp liên tục được áp dụng như Việt Nam đơn phương tạm ngừng các chuyến bay quốc tế tới một số quốc gia có dịch; các hoạt động tập trung đông người tại một số địa phương bị hạn chế, thực hiện đo thân nhiệt, trang bị chất sát khuẩn, phát khẩu trang miễn phí, siết chặt kiểm soát nhằm giảm thiểu rủi ro lây nhiễm trong cộng đồng…

Sự chỉ đạo kịp thời, có kết quả của Chính phủ, tính kỷ luật và tự giác tham gia của người dân là hai nhân tố chủ yếu của thành công chống dịch Covid 19. Một số hãng thông tấn, báo chí, tổ chức quốc tế đã ca ngợi thành công của Việt Nam trong việc đối phó dịch do thực hiện chính sách kiểm dịch, cách ly nghiêm ngặt 14 ngày và truy dấu những người tiếp xúc với virus thay vì phụ thuộc vào y học và công nghệ; bộ máy an ninh nhà nước Việt Nam đã áp dụng một hệ thống giám sát công khai rộng rãi.

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) nhận định “Việt Nam có cơ chế quốc gia độc Đảng và lực lượng an ninh – quân đội hùng hậu tổ chức tốt đã giúp đưa ra những quyết định nhanh chóng. Việt Nam có một nền văn hóa giám sát mạnh mẽ với những người sẽ thông tin về hàng xóm của họ nếu nghi ngờ có hành động sai trái”.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phân tích lý do vì sao Việt Nam là quốc gia đầu tiên dỡ bỏ lệnh cách ly xã hội. Tổ chức này khẳng định thành công của Việt Nam đến bằng kinh nghiệm của mình với các đợt bùng phát dịch trước đó cộng với việc ưu tiên cho sức khỏe hơn các vấn đề kinh tế cùng với sự giúp đỡ của quân đội, các dịch vụ an ninh công cộng và các tổ chức cơ sở cùng truyền thông hiệu quả và minh bạch”.

Tờ Sputnik của Nga với tiêu đề Câu chuyện thành công của Việt Nam khiến nhiều nước phải “lo sợ” đã viết: “Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy bản lĩnh và sức mạnh quốc gia, dân tộc khi thoát khỏi danh sách nước nghèo nhanh hơn bất kỳ nước nào trong lịch sử hiện đại và tạo nên kỳ tích tăng trưởng kinh tế, GDP khiến chính các nước láng giềng phải “ghen tị”.

Chống dịch thành công đồng thời khôi phục hoạt động kinh tế trong trạng thái bình thường mới đã làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 tuy giảm so với những năm trước đó, nhưng là một trong rất ít nước có tỷ lệ tăng trưởng dương. Tốc độ tăng GDP đạt 2,91%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân đạt 3,23%; xuất siêu khoảng 20 tỷ USD, tương đương 7,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,85%.

Năm 2020 là năm cuối của chiến lược phát triển kinh tế- xã hội lần thứ ba (2011- 2020), quy mô, sức mạnh, tiềm lực của kinh tế đất nước đã lớn gấp nhiều lần so với năm 1991, năm khởi đầu chiến lược phát triển lần thứ nhất. Nếu GDP năm 1991 đạt 12,642 tỷ USD thì đến năm 2020 đạt 271,2 tỷ USD, gầp 21,45 lần.

Nếu GDP/người năm 1991 đạt 188 USD thì đến năm 2020 đạt 2779 USD, gấp 14,78 lần.

Hoạt động ngoại thương năm 1991 chủ yếu được thực hiện với các nước XHCN (cũ) nên đơn vị tính là “Rúp/USD”, nếu quy ra USD đạt khoảng 2 tỷ USD, năm 2020 đạt 545,4 tỷ USD, gấp hơn 270 lần. Cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện rõ rệt, dự trữ ngoại hối của nước ta đạt khoảng 100 tỷ USD, bảo đảm an toàn về ngoại hối cho xuất nhập khẩu, ổn định giá trị đồng tiền.

Nếu như 5 năm đầu của chiến lược phát triển lần thứ nhất (1991- 1995) tổng vốn đầu tư xã hội khoảng 16,5 tỷ USD, trong đó FDI chiếm 35%, thì 5 năm cuối cùng của chiến lược phát triển lần thứ ba (2016- 2030) tổng vốn đầu tư xã hội hơn 400 tỷ USD (9-10 triệu tỷ đồng), gấp 24,2 lần; cơ cấu vốn đầu tư thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng vốn ngân sách Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước từ 39,1% giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 31-34% trong giai đoạn 2016-2020; vốn khu vực tư nhân trong nước tăng từ 38,3% lên 45-48% tổng đầu tư toàn xã hội.

Những thành tựu to lớn trong 30 năm vừa qua là đáng khích lệ, quan trọng nhất là đã tạo lập được lòng tin của người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp vào tương lai của dân tộc.

Tuy vậy, cũng cần khách quan và khoa học khi đánh giá kết quả của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế theo quan điểm phát triển để nhận biết những thách thức đang ở phía trước trong một thế giới mà nhiều nhân tố bất định đang diễn ra hàng ngày với những sự đảo chiều ở từng nước, từng khu vực và trên phạm vi toàn cầu; từ đó thấy được việc nước ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, it khi biến thách thức thành thời cơ như chống dịch Covid 19, tăng trưởng dưới tiềm năng, thiếu bền vững, không đáp ứng kịp thời chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo mô hình mới.

Khát vọng và hiện thực

Tôi đồng tình với ông Đỗ Cao Bảo - thành viên sáng lập Tập đoàn FPT khi đặt câu hỏi trong cuộc trao đổi với báo Dân trí: “Lẽ nào chúng ta không dám mơ, không dám tin rằng 25-30 năm nữa Việt Nam sẽ làm được những kỳ tích” (?).Theo ông, thái độ đúng đắn nhất của mỗi người Việt Nam chúng ta là bàn cách làm sao biến các dự báo ấy trở thành hiện thực, đặc biệt là hãy tích cực tham dự, là một phần của quá trình đổi thay kỳ diệu ấy chứ không phải đứng bên lề rồi “hoài nghi” hay “cười khẩy”.

Đại hội Đảng XIII đã đề ra định hướng, giải pháp phát triển cho 5 năm, 10 năm và xa hơn đến năm 2045- kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vấn đề cần tập trung bàn thảo là làm thế nào để động viên tiềm lực trí tuệ sáng tạo của người Việt Nam trong và ngoài nước, tiếp cận thành tựu khoa học, công nghệ thế giới để sớm biến khát vọng thịnh vượng của dân tộc thành hiện thực.

Tôi đã có nhiều bài viết liên quan đến vấn đề này, một lần nữa khẳng định niềm tin của mình vào tương lai đất nước với lòng tự hào là người Việt Nam đang có vị thế ngày càng cao trong khu vực và thế giới, do đó đã đến lúc cần phải tư duy lại quá trình phát triển vừa qua để tìm kiếm các phương thức mới thích ứng với thế giới số để tiến cùng thời đại, xích gần và đuổi kịp trình độ phát triển của các nước tiên tiến ASEAN, tiến tới trở thành nước công nghiệp phát triển, hiện đại.

Dưới đây là gợi ý về phương thức hành động mới để đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống.

Năm 1995 sau chuyến thăm Myanmar, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tâm sự với một số cán bộ thân cận về việc Myanmar có trường đại học quốc gia khá hiện đại, do đó chúng ta phải xây dựng hai dự án tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hai trường đại học quốc gia, mỗi trường rộng khoảng 1.000 ha. Ông liên tiếp chủ trì nhiều cuộc họp để thực hiện ý tưởng đó. Tại Hà Nội, Chính phủ chủ trương cùng với dự án khu công nghệ cao Hòa Lạc, sử dụng diện tích đất liền kề xây dựng trường đại học và đô thị vệ tinh hiện đại. Do đó, đại lộ Thăng Long- đường cao tốc đầu tiên của Việt Nam được xây dựng để nối liền thủ đô với ba công trình quan trọng này.

Đáng tiếc, sau ¼ thế kỷ, khu công nghệ cao mới thu hút được một số nhà đầu tư chủ yếu là trong nước, bắt đầu có sản phẩm công nghệ hiện đại, hai dự án còn lại vẩn chưa biết khi nào mới được đưa vào sử dụng. Khó tính hết lãng phí về thời gian, tiền của, nhưng đáng tiếc nhất là ý tưởng của vị thủ tướng đáng kính chưa được những người kế nhiệm thực hiện.

Từ nhiều năm trước, Chính phủ đã có chủ trương dời một số trường đại học, cao đẳng ra khỏi các quận trung tâm thủ đô, nhưng vẫn chưa làm được, gây ra không biết bao nhiêu hệ lụy về ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Thiết tưởng nếu khởi động lại với phương thức hành động mới có hiệu quả hơn dự án trường đại học quốc gia thì đạt được cả hai mục tiêu: hiện đại hóa cơ sở đào tạo đại học, đồng thời giảm tải chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nội đô, tiết kiệm chi phí do quá tải về giao thông, tạo thuận lợi cho vận chuyển người và hàng hóa.

Chính phủ lập phương án, tổ chức đấu thầu theo hướng nhà đầu tư tự bỏ vốn xây dựng trường đại học quốc gia, được giao đặt tại một số trường đại học nội đô sẽ di dời để xây dựng các khu phố mới theo quy hoạch của thành phố và được nhà nước hỗ trợ tài chính và tín dụng ưu đãi. Tôi tin rằng, sẽ có nhiều tập đoàn kinh tế lớn tham gia đấu thầu và vấn đề còn lại là lựa chọn được nhà đầu tư có đủ tiềm năng, có tín nhiệm do đã từng hoàn thành một số công trình lớn với chất lượng cao, chi phí thấp.

Với phương thức hành động mới, hy vọng trong vòng 5 năm sắp tới, Trường Đại học quốc gia tại Hà Nội sẽ được hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng; một số trường đại học hiện đang đóng tại nội thành sẽ được chuyển đến đó.

Ý chí, niềm tin, khát vọng của dân tộc Việt Nam đã được thể hiện trong các giai đoạn giữ nước và dựng nước; tiếp tục là ba nhân tố chủ yếu để hoàn thành vượt dự kiến các mục tiêu do Đại hội XIII của Đảng đề ra cho năm 2015, 2030 và năm 2045.

Tin mới lên