Nhiệt điện Ô Môn II chờ quyết định chủ trương đầu tư
Thanh Hương -
05/11/2020 08:28 (GMT+7)
Với quy mô vốn đầu tư lên tới hơn 30.000 tỷ đồng, Dự án nhiệt điện Ô Môn II đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Mong chờ thêm bảo lãnh Chính phủ
Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (tại Trung tâm điện lực Ô Môn, TP. Cần Thơ) từng được Báo Đầu tư phản ánh, đã chính thức được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 6, Điều 34, Luật Đầu tư cuối tuần qua.
Có tổng mức đầu tư sơ bộ là 30.560 tỷ đồng, do liên danh Tổng công ty cổ phần Thương mại xây dựng (Vietrancimex) và Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) triển khai, Dự án có tổng công suất 1.050 MW, sử dụng công nghệ tuabin khí, dự kiến vận hành thương mại vào năm 2024 - 2025.
Ngoài việc sử dụng nguồn khí từ Lô B, Dự án có tính tới sử dụng khí LNG nhập khẩu cho giai đoạn suy giảm của khí Lô B. Nhà đầu tư kỳ vọng bán điện giá 11,02 UScent/kWh, với thời hạn hoạt động 50 năm.
Cho hay, dự án cơ bản đáp ứng các điều kiện về vốn, công nghệ, đã có trong quy hoạch điện lực, nhưng các cơ quan chuyên môn cũng lưu ý nhiều điều về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.
Cụ thể, tỷ suất hoàn vốn (EIRR) là 12% và giá trị hiện tại ròng (NPV) là 6.142 tỷ đồng được tính trên cơ sở giá bán điện năm 2020 là 2.563 đồng/kWh (tương đương 11,02 UScent/kWh).
Tuy nhiên, mức giá 11,02 UScent/kWh này cao hơn nhiều giá thị trường hiện nay cũng như giá bán lẻ điện bình quân 1.864,44 đồng/kWh theo Quyết định 648/QĐ-BCT, ngày 20/3/2019.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng đề nghị cơ chế bảo lãnh ngoại tệ, bảo lãnh cung cấp khí.
“Dự án chưa đảm bảo hiệu quả tự thân, hiệu quả dự án chỉ bảo đảm khi nhận được các hỗ trợ của Chính phủ”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Trong góp ý của mình, Bộ Công thương cũng cho rằng, giá bán điện của dự án (quy về năm 2020) lên tới 2.536 đồng/kWh là cao hơn so với giá bán điện 2.516 đồng/kWh vào năm 2026 của dự án Ô Môn IV đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư (có quy mô công suất và thời gian thực hiện tương đương).
Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị, trong giai đoạn tiếp theo, nhà đầu tư rà soát, phân tích kỹ tính cạnh tranh, khả thi về giá điện của dự án so với một số dự án nhiệt điện sử dụng khí trong nước và LNG nhập khẩu như Ô Môn IV, Nhơn Trạch...
Nhiều điểm cần lưu ý
Các nhà đầu tư có đủ khả năng góp vốn theo cam kết thực hiện dự án, trong đó Vietrancimex có khả năng đầu tư dài hạn là 4.210 tỷ đồng và phía Marubeni là 4,97 tỷ USD, nhưng cơ quan hữu trách cũng đưa ra những điểm cần lưu ý.
Cụ thể, theo hồ sơ, nhà đầu tư sẽ thành lập Công ty TNHH Điện Ô Môn II để thực hiện dự án sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, vốn điều lệ dự kiến của Công ty là 2 tỷ đồng được cho là chưa phù hợp và cần điều chỉnh để đảm bảo đáp ứng điều kiện cho thuê đất theo quy định pháp luật.
Theo khoản 1, Điều 27, Nghị định 118/2015/NĐ-CP, nhà đầu tư phải ký quỹ trong trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư. Cũng theo điểm c, khoản 3, Điều 27, mức ký quỹ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên vốn đầu tư của dự án, quy định tại văn bản quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo nguyên tắc luỹ tiến từng phần. Theo đó, với phần vốn trên 1.000 tỷ đồng, mức ký quỹ là 1%.
Việc tổng mức đầu tư sơ bộ của Dự án đang cao hơn 616 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư Dự án Ô Môn IV có cùng công suất do EVN đầu tư cũng được giải thích là bởi nhà đầu tư đã lựa chọn gam công suất máy để tính toán lớn hơn gam công suất trung bình 1.050 MW, nhưng vẫn nằm trong dải cho phép là 10%, để phù hợp với thiết bị của nhà sản xuất, đồng thời có xét tới yếu tố trượt giá so với thời điểm quyết định đầu tư Dự án Ô Môn IV.
Liên quan đến nguồn vốn vay thương mại lên tới 24.443 tỷ đồng, tương đương 80% tổng mức đầu tư, hiện đã có 4 ngân hàng đều đến từ Nhật Bản là Ngân hàng MUFG, Ngân hàng SMBC, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Ngân hàng MIZUHO có thư xác nhận quan tâm tới dự án. Tuy nhiên, quyết định tài trợ sẽ phụ thuộc vào việc nhà đầu tư đáp ứng đầy đủ các điều kiện do ngân hàng nước ngoài yêu cầu.
Được biết, liên quan đến các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời, Bộ cũng đề nghị Thủ tướng giao EVN trong quá trình đàm phán hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư cần kiểm tra, rà soát, đánh giá tổng mức đầu tư dự án để xác định giá bán điện hợp lý của dự án theo đúng quy định.
Tại Văn bản 1200/TTg-CN do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký đã thông báo, Bộ Công thương chịu trách nhiệm về việc giao Liên danh Vietrancimex và Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) làm chủ đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II theo hình thức đầu tư thông thường (chủ đầu tư tự đầu tư xây dựng, sở hữu và vận hành; không thực hiện theo hình thức đối tác công tư), đảm bảo nhà đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và hiệu quả theo quy định.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone