Nhiều câu hỏi đằng sau khoản lỗ nghìn tỷ của HAGL

Kình Dương - 22/08/2016 12:28 (GMT+7)

(VNF) – Khoản lỗ nghìn tỷ của HAGL trong nửa đầu năm 2016 mới chỉ là bề nổi. Đằng sau đó là không ít những câu hỏi hóc búa liên quan đến thực trạng tài chính của tập đoàn này.

Tiền đâu trả lãi vay?

Khoản lỗ nghìn tỷ của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) gây xôn xao giới đầu tư mới đây mới chỉ là bề nổi. Một trong những điểm đáng chú ý nhất đằng sau khoản lỗ ấy là tình trạng lãi vay của tập đoàn này.

Tính trong 6 tháng đầu năm 2016, chi phí lãi vay của HAGL đã lên tới 782 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều quan trọng là, con số lãi vay 782 tỷ đồng này đã vượt xa lợi nhuận gộp 591 tỷ đồng nửa đầu năm 2016 của HAGL, nghĩa là toàn bộ thành quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn này không đủ để trang trải chi phí lãi vay chứ chưa nói đến các khoản chi phí khác như chi phí bán hàng hay chi phí quản lý doanh nghiệp.

Việc lãi vay bào mòn toàn bộ lợi nhuận gộp của HAGL, thậm chí bào mòn đến mức âm lợi nhuận hàm ý 2 điều. Một là, gánh nặng lãi vay của HAGL đang ngày càng lớn và có dấu hiệu vượt quá khả năng chịu đựng của tập đoàn này.

Hai là, tình hình kinh doanh của HAGL đang đi theo chiều hướng xấu hơn khi lợi nhuận gộp có xu hướng giảm. Cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận gộp của HAGL ở mức 1.214 tỷ đồng, gấp đôi 6 tháng đầu năm nay, dù doanh thu 6 tháng đầu năm ngoái thấp hơn.

Liệu có làn sóng thanh lý tài sản hay không?

Quý IV/2016, HAGL bất ngờ báo lỗ trước thuế 554 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là lỗ do thanh lý ngành Khoáng sản (396 tỷ đồng). 6 tháng đầu năm 2016, HAGL bất ngờ báo lỗ trước thuế 1.075 tỷ đồng, trong đó có khoản lỗ do thanh lý bất động sản ở TP. Hồ Chí Minh (413 tỷ đồng).

Về cơ bản thì có 2 lý do khiến HAGL thanh lý tài sản và chấp nhận lỗ. Một là tài sản đó thuộc ngành kinh doanh không hiệu quả nên HAGL chấp nhận bán lỗ để trừ "ung nhọt". Hai là HAGL bán để trang trải nợ và chấp nhận bị ép giá.

Nếu HAGL vẫn còn những tài sản "ung nhọt" cần thanh lý và nếu HAGL vẫn khó khăn trong việc trang trải nợ gốc và lãi vay thì làn sóng thanh lý tài sản nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp diễn trong những quý tới.

Vì sao bây giờ HAGL mới đánh giá lại tài sản?

Đánh giá lại tài sản là điểm rất đáng chú ý trong tình hình tài chính của HAGL 6 tháng đầu năm nay. Nhiều ý kiến cho rằng việc HAGL đánh giá lại tài sản không hiệu quả mà nhiều khả năng là tài sản lĩnh vực nông nghiệp (vì HAGL Agrico cũng ghi nhận lỗ do đánh giá lại tài sản) là việc HAGL đang mạnh tay xử lý tài sản xấu.

Thực tế thì khoản lỗ 530 tỷ đồng do đánh giá lại tài sản của HAGL trong nửa đầu năm 2016 chẳng nhằm nhò gì so với tổng tài sản hay vốn chủ sở hữu của tập đoàn này (chiếm khoảng 1% tổng tài sản và khoảng gần 3% vốn chủ sở hữu).

Vậy vì sao tới thời điểm này, HAGL mới đánh giá lại tài sản? Phải chăng Chính phủ đã đồng ý phương án tái cơ cấu nợ cho HAGL? Phải chăng đánh giá lại tài sản là một phần trong yêu cầu tái cơ cấu nợ?

Một câu hỏi nữa mà rất nhiều nhà đầu tư quan tâm là, liệu HAGL đã đánh giá lại toàn bộ tài sản hay chưa? Hay các quý sau sẽ tiếp tục đánh giá lại tài sản và có thể tiếp tục ghi nhận lỗ?

Kể cả khi HAGL đã đánh giá lại toàn bộ tài sản trong 6 tháng đầu năm 2016, thì cũng không có gì đảm bảo tập đoàn này sẽ không phải đánh giá lại tài sản trong tương lai gần nếu tình hình kinh doanh tiếp tục kém khả quan và tài sản lại tiếp tục giảm giá.

Đã hơn 2 tháng trôi qua kể từ khi HAGL có công bố Báo cáo thường niên 2015 với chủ đề "Giữ vững niềm tin", trong đó nổi bật là bức tâm thư bầu Đức gửi đến các cổ đông và nhà đầu tư. Liệu đến thời điểm này, còn có bao nhiêu nhà đầu tư sẽ tiếp tục giữ vững niềm tin và "đặt cược" cùng với bầu Đức?

Cùng chuyên mục
Tin khác