‘Nhiều ngân hàng khó đạt được tăng trưởng lợi nhuận 20% trong năm 2022’
Hải Đường -
25/10/2022 12:15 (GMT+7)
(VNF) - Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP. HCM, Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC cho rằng việc thị trường trái phiếu và “room” tín dụng bị siết trong thời gian qua sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng. Với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận đưa ra từ đầu năm là 20%, theo ông Huy, nhiều ngân hàng sẽ khó đạt được.
Tại Talkshow Phố Tài chính, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết theo thống kê sơ bộ, một số ngành đã ghi nhận sự giảm tốc tăng trưởng trong quý III, nổi bật là những nhóm ngành liên quan đến xuất khẩu như gỗ, dệt may, ngoài ra là nhóm ngành điện.
“Mặc dù sản lượng tiêu thụ điện có xu hướng tăng tích cực khoảng 10% trong cả quý III, tuy nhiên một số doanh nghiệp ngành điện lại ghi nhận lỗ do tỷ giá, hay lỗ do lãi suất”, bà Trần Thị Khánh Hiền cho biết.
Một nhóm ngành khác cũng có sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận là các doanh nghiệp bất động sản, khu công nghiệp. Theo đại diện VNDirect, chủ yếu các doanh nghiệp nhóm ngành này gặp phải vấn đề về một số dự án mới chậm đưa vào hoạt động hoặc không đủ thủ tục pháp lý để có thể ghi nhận doanh thu, lợi nhuận.
“Lợi nhuận nhóm bất động sản, khu công nghiệp giảm trung bình khoảng 30%, thậm chí một số doanh nghiệp ghi nhận mức giảm 50% trong quý III so với cùng kỳ năm trước”, bà Trần Thị Khánh Hiền cho hay.
Cũng tại buổi talkshow, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP. HCM, Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC cho rằng nhóm ngành đầu tiên có sự giảm tốc sâu phải kể đến là nhóm chứng khoán. Tiếp theo là nhóm thép, nhóm phân bón đều có sự giảm tốc nhất định khi bị ảnh hưởng bởi giá hàng hóa, thậm chí nhiều doanh nghiệp báo lỗ.
Đáng chú ý, ông Bùi Văn Huy nhấn mạnh về nhóm ngân hàng. Dù nhóm này vẫn duy trì được tăng trưởng lợi nhuận trong quý III/2022 với mức tốt, tuy nhiên ông Huy lại đặt nghi vấn về việc duy trì mức tăng trưởng này trong quý IV/2022 và các quý sau. Trong đó các quý đầu năm 2023 triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng có thể sẽ khó hơn.
Theo ông, thị trường trái phiếu bị siết chặt trong thời gian qua đối với nhiều ngân hàng phụ thuộc vào lợi nhuận từ mảng trái phiếu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Việc “room” tín dụng bị siết cũng sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch lợi nhuận trong quý IV.
“Với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận đưa ra từ đầu năm của là 20%, tôi cho rằng nhiều ngân hàng sẽ khó đạt được”, ông Bùi Văn Huy cho hay.
Dự báo về tương lai, đại diện Chứng khoán DSC cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang đi sau các thị trường lớn khoảng 3-9 tháng. Theo kịch bản cơ sở của ông Bùi Văn Huy, với chu kỳ trung bình là 6 tháng, khi những khó khăn của của kinh tế thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu đạt đỉnh vào khoảng cuối quý II, đầu quý III, giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu từ nửa cuối năm 2023.
“Kinh tế năm 2023 sẽ khó khăn, nhưng thị trường chứng khoán sẽ có những chặng khác nhau, có thể qua sớm hơn so với điểm rơi khó khăn nhất của nền kinh tế”, ông Bùi Văn Huy cho biết.
Còn bà Trần Thị Khánh Hiền cho biết trong ít nhất 2-3 quý tới, hầu hết các tổ chức kinh tế lớn đều đưa ra những dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ và châu Âu đều sụt giảm khá mạnh trong năm 2023. Trong khi ở khu vực châu Á thì Trung Quốc lần đầu tiên ghi nhận đà tăng trưởng thấp hơn so với nhóm các nước kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam.
“Như vậy, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, những thị trường, đối tác lớn của Việt Nam đang ghi nhận sự sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến những nhóm ngành xuất khẩu của Việt Nam. Tôi cho rằng tình trạng này sẽ kéo dài 6 tháng đến 1 năm nữa”, đại diện VNDirect cho hay.
Talk show Phố Tài chính là chương trình truyền hình cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin chính thống, đa chiều và các kiến thức chuyên sâu về thị trường tài chính - chứng khoán. Chương trình được phát sóng vào lúc 18h30 thứ 2 hàng tuần trên VTV8 và phát lại trên các nền tảng mạng xã hội của Talkshow Phố Tài chính.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone