Nhìn lại 1 năm phiên 'bán chui' 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết

Tuệ Lâm - 10/01/2023 16:09 (GMT+7)

(VNF) - Sau khi việc "bán chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10/1/2022 vỡ lở, thị trường chứng khoán đã liên tục chao đảo. Ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp "họ" FLC cũng bị ảnh hưởng, cổ phiếu bị đưa vào tầm kiểm soát, thậm chí bị đình chỉ giao dịch.

VNF
Ông Trịnh Văn Quyết "bán chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC trong phiên giao dịch ngày 10/1/2022.

Ngay sau việc ông Trịnh Văn Quyết "bán chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC trong phiên giao dịch ngày 10/1/2022, cơ quan điều tra đã vào cuộc điều tra, xác minh đối với ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân thuộc Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán". 

Theo đó, từ ngày 1/12/2021 đến ngày 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thông đồng mua, bán chứng khoán với tần suất lớn, nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.

Các tài khoản nêu trên đã tham gia 28/28 phiên giao dịch, đặt mua chiếm 12% tổng khối lượng đặt mua và khớp mua 2,84% tổng khối lượng khớp mua toàn thị trường; đặt bán chiếm 7% tổng khối lượng đặt bán và khớp bán chiếm 12% tổng khối lượng khớp bán toàn thị trường.

Tại các phiên tăng giá, nhóm tài khoản nêu trên đặt mua với tổng khối lượng 77% tổng khối lượng đặt mua của nhóm. Tại các phiên giảm giá, nhóm đặt bán với tổng khối lượng 94% tổng khối lượng đặt bán của nhóm. Mục đích là đẩy giá chứng khoán FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu ngày 1/12/2021 lên giá 24.050 đồng/cổ phiếu (tăng 64%).

Sau đó, ông Trịnh Văn Quyết giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá 22.586 đồng/cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, với số tiền 1.689 tỷ đồng, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỷ đồng.

Lãnh đạo đi tù

Ngày 29/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định hành vi của ông Trịnh Văn Quyết đã đủ yếu tố cấu thành tội "Thao túng thị trường chứng khoán", quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự.

Bên cạnh đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết, đồng thời, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan.

Đến ngày 25/8/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục ra quyết định khởi tố bổ sung đối với ông Trịnh Văn Quyết cùng 2 em gái là bà Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế để điều tra tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Cụ thể, quá trình điều tra mở rộng vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoản BOS và các công ty có liên quan, theo quyết định khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, có căn cứ xác định, ngoài hành vi phạm tội đã bị khởi tố, các bị can Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Hương Trần Kiều Dung còn có hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua việc: Từ năm 2014 đến năm 2016 làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Xây dựng Faros và khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, đã bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Bước đầu xác định, tính đến ngày 24/2/2021, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo bà Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do ông Quyết nhờ dựng tên), thu được tổng cộng hơn 6.412 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.

Trụ sở của FLC sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt.

Cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch

Ngay sau khi ông Trịnh Văn Quyết và nhiều lãnh đạo khác tại FLC bị bắt, các cổ phiếu trực thuộc hoặc có liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC trên sàn chứng khoán là FLC, GAB, ROS, HAI, KLF, AMD đều lao dốc không phanh.

Các cổ phiếu họ FLC lần lượt sau đó phần nhiều bị đình chỉ giao dịch và hủy niêm yết, gồm: ROS (hủy niêm yết), FLC, HAI (đình chỉ giao dịch).

Tính đến nay, nhóm FLC chỉ còn 2 cổ phiếu được giao dịch trên sàn là KLF và GAB. Tuy nhiên, cả 2 mã này nằm đều nằm trong diện hạn chế giao dịch. Cổ phiếu AMD thì đang trong diện kiểm soát.

Như vậy, hầu hết các cổ phiếu họ FLC vốn một thời được xem là "hot" với giá vài chục nghìn đồng/cổ phiếu đến gần 200.000 đồng/cổ phiếu, đều đã lao dốc không phanh. Thậm chí nhà đầu tư có nguy cơ mất sạch tiền vì không mua bán được khi các cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch, hủy niêm yết.

Kinh doanh bết bát

Sau nhiều biến động về nhân sự cấp cao, tình hình kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC cũng vô cùng bết bát với lợi nhuận gộp âm, chi phí tăng vọt, lỗ lớn trong các công ty liên doanh, liên kết…

Cụ thể, theo báo cáo hợp nhất của FLC, quý III/2022, doanh thu thuần đạt 429 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm trước. Do kinh doanh dưới giá vốn, công ty lỗ gộp 96 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gộp 144 tỷ đồng).

Trong quý, doanh thu tài chính giảm 93%, đạt 18 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng 59% (105 tỷ đồng), chi phí quản lý tăng 2,5 lần (267 tỷ đồng). FLC lại chịu lỗ trong công ty liên doanh, liên kết 318 tỷ đồng (tăng 64%) cùng khoản lỗ khác 11 tỷ đồng.

Tất cả đã khiến công ty lỗ trước thuế 787 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 14 tỷ đồng).

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của FLC đạt 2.090 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ. Công ty tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn, dẫn đến lỗ gộp 6,5 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gộp 103 tỷ đồng).

Doanh thu tài chính 9 tháng chỉ đạt 241 tỷ đồng (giảm 76%, do không còn nguồn thu thanh lý các khoản đầu tư), trong khi chi phí tài chính tăng 30%, đạt 416 tỷ đồng. Chi phí quản lý cũng tăng vọt 62%, đạt 717 tỷ đồng.

Đáng chú ý, FLC lỗ trong công ty liên doanh, liên kết tới 900 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần cùng kỳ. Đây là "cú đấm" cực mạnh khiến công ty lỗ trước thuế 9 tháng tới 1.888 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, tại ngày kết thúc quý III/2022, nợ phải trả của FLC đạt 28.271 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Cơ cấu nợ đáng chú ý ở điểm nợ vay đã giảm 19%, còn 5.015 tỷ đồng; trong đó vay ngắn hạn 3.193 tỷ đồng, tăng 57%, vay dài hạn 1.822 tỷ đồng, giảm 56%.

Cùng chuyên mục
Tin khác