Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa qua đã ban hành Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo quy định tại Thông tư, ngân hàng không có công ty con, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thường xuyên duy trì tỷ lệ an toàn vốn xác định trên cơ sở báo cáo tài chính của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tối thiểu 8%.
Đối với các ngân hàng có công ty con, Thông tư quy định ngân hàng đó phải có tỷ lệ an toàn vốn xác định trên cơ sở báo cáo tài chính của ngân hàng tối thiểu 8%. Đồng thời, tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất xác định trên cơ sở báo cáo tài chính hợp nhất của ngân hàng tối thiểu 8%. Trường hợp ngân hàng có công ty con là công ty kinh doanh bảo hiểm thì tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất được xác định trên cơ sở báo cáo tài chính hợp nhất của ngân hàng nhưng không hợp nhất công ty con là công ty kinh doanh bảo hiểm theo nguyên tắc hợp nhất của pháp luật về kế toán và báo cáo tài chính đối với tổ chức tín dụng.
Như vậy, tựu chung lại, tỷ lệ an toàn vốn tối thiếu (CAR) theo quy định tại Thông tư trên là 8%, thấp hơn 1 điểm% so với tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 9% quy định tại Thông tư số 13/2010/TT-NHNN đang được áp dụng hiện tại.
Động thái giảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu từ mức 9% xuống mức 8% của NHNN là nhằm mở đường cho việc áp dụng chuẩn Basel II vào hệ thống các ngân hàng, bởi theo quy định của chuẩn Basel II, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%.
Sở dĩ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu tính theo chuẩn mới thấp hơn chuẩn cũ là do công thức tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn Basel II thực chất hơn, khiến tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu giảm mạnh so với tính theo chuẩn cũ. Bản thân Thông tư số 41/2016/TT-NHNN vừa được ban hành trên cũng có quy định về cách tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn mới.
Việc áp dụng chuẩn Basel II vào hệ thống các ngân hàng đã được NHNN mở đường bằng Thông tư số 41/2016/TT-NHNN
Theo một báo cáo cuối năm 2016, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) đã tính toán tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của toàn hệ thống năm 2016 ước đạt 11,3%. Tuy nhiên, nếu tính theo chuẩn mới, ủy ban này ước tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu giảm xuống chỉ còn 8,6%.
Vẫn theo UBGSTCQG, kết quả áp dụng tiêu chuẩn an toàn vốn theo Basel II tại 10 tổ chức tín dụng thí điểm cho thấy, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu giảm mạnh so với số báo cáo hiện tại, chủ yếu do tài sản có quy đổi rủi ro tăng. Đối với 4 ngân hàng thương mại nhà nước, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo báo cáo hiện tại đã gần tiệm cận mức 9%. Nếu hệ thống áp dụng Basel II, tỷ lệ này còn giảm xuống dưới 8%.
Ngoài quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, Thông tư số 41/2016/TT-NHNN cũng có một loạt quy định mới về khung quản trị rủi ro và nghĩa vụ công bố thông tin tương tự như Basel II.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng, chi nhánh nước ngoài có khả năng thực hiện tỷ lệ an toàn vốn theo quy định tại Thông tư trước thời điểm quy định là ngày 1/1/2020 thì hoàn toàn có thể trình NHNN để áp dụng sớm hơn.