Tiêu điểm

'NHNN gồng mình cho SCB vay khoản tiền khổng lồ, không biết khi nào thu hồi đủ'

(VNF) - Theo đại diện Viện Kiểm sát nhân nhân dân TP.HCM: 'Tiền ở đâu bị cáo chiếm đoạt? Là tiền huy động của dân. Ngân hàng Nhà nước gồng mình để cho SCB vay khoản tiền khổng lồ để chi trả dần, ổn định tình hình tài chính, không biết khi nào thu hồi đủ. Số tiền khổng lồ này đáng lẽ sử dụng nhiều mục đích cho chúng ta, con cháu chúng ta.

'NHNN gồng mình cho SCB vay khoản tiền khổng lồ, không biết khi nào thu hồi đủ'

Trương Mỹ Lan sử dụng SCB như một công cụ tài chính để huy động vốn nhằm chiếm đoạt tiền (ảnh BTC)

Tiền bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt là tiền huy động của dân

Ngày 3/4, phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Luật sư đưa ra quan điểm cho rằng bà Trương Mỹ Lan không phạm tội Tham ô tài sản vì bà không phải là người có chức vụ, quyền hạn tại SCB. Đối đáp, Viện kiểm sát khẳng định bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ thể tội tham ô tài sản.

Bào chữa bổ sung, luật sư cho rằng cấu thành tội chiếm đoạt và gây thất thoát là hoàn toàn khác nhau nhưng cùng một hành vi lại xem xét bị cáo 2 tội danh là hoàn toàn mâu thuẫn. Ngoài ra, luật sư cũng đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét lại việc Viện kiểm sát quy buộc Trương Mỹ Lan đưa tài sản thế chấp là phương thức, thủ đoạn rút tiền Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). 'Nếu đây là phương thức, thủ đoạn của bị cáo thì cuối cùng bị cáo lại vừa mất tài sản, vừa đứng trước hình phạt tử hình', luật sư trình bày.

Theo Viện Kiểm sát, đây là vụ án đồng phạm có tổ chức. Các bị cáo thực hiện chuỗi sai phạm, người sau tiếp cận sai phạm người trước để nối tiếp.Theo Viện Kiểm sát, cách tiếp cận và phương pháp xác định lập luận của luật sư bảo vệ cho bị cáo Trương Mỹ Lan theo mô hình tách bà Lan ra khỏi hệ thống SCB và tiếp cận theo góc chức vụ quyền hạn. Trong khi đó, Viện Kiểm sát tiếp cận theo hướng rộng hơn, xem xét toán bộ cơ cấu bộ máy SCB, sai phạm từ đại hội đồng cổ đông tới các cấp dưới.

Hồ sơ vụ án và kết quả thẩm tra tại tòa thể hiện bà Lan sở hữu, quản lý trên 91% cổ phần SCB. Việc sở hữu, quản lý như vậy đã vi phạm quy định của Luật Tổ chức tín dụng. Bà Lan nắm quyền sở hữu cổ phần gần như tuyệt đối, bị cáo tham gia đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất, sử dụng quyền lực để bầu ra HĐQT, ban kiểm soát, đưa người của bà Lan vào quản lý, biến SCB thành công cụ huy động tiền.

Theo Điều 17 Bộ luật Hình sự quy định về đồng phạm, xác định bà Lan là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu có hành vi chi phối, chỉ đạo các bị cáo để giúp bà chiếm đoạt tài sản. Do đó, Viện Kiểm sát cho rằng đủ căn cứ truy tố xét xử Lan về tội Tham ô tài sản.

Nếu quan điểm của Viện Kiểm sát được Hội đồng Xét xử chấp nhận, cơ quan công tố thông qua bản án kiến nghị Liên đoàn luật sư lưu ý các luật sư trong quá trình tiếp cận quan điểm bào chữa.

Đại diện cơ quan công tố tiếp tục cho rằng cách lập luận của luật sư bà Trương Mỹ Lan 'vô căn cứ'. Theo Viện Kiểm sát, 'tiền ở đâu bị cáo chiếm đoạt? Là tiền huy động của dân. Ngân hàng Nhà nước gồng mình để cho SCB vay khoản tiền khổng lồ để chi trả dần, ổn định tình hình tài chính, không biết khi nào thu hồi đủ. Số tiền khổng lồ này đáng lẽ sử dụng nhiều mục đích cho chúng ta, con cháu chúng ta. Luật sư nói bị cáo chiếm đoạt tài sản làm gì? Để mua nhiều bất động sản'.

SCB như một công cụ tài chính để huy động vốn nhằm chiếm đoạt tiền

Viện kiểm sát phân tích bản chất vụ án là bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng SCB như một công cụ tài chính để huy động vốn nhằm chiếm đoạt tiền, phục vụ cho mục đích cá nhân của mình. Khác với các vụ án vi phạm quy định ngân hàng khác, trong vụ án này, việc đưa tài sản vào làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay chỉ là phương thức thủ đoạn phạm tội, bởi tài sản đảm bảo có thể được rút ra, hoán đổi bất cứ thời điểm nào theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan; nhiều tài sản không được đăng ký giao dịch đảm bảo, không có pháp lý…

Bên cạnh đó, trong số 1.169 tài sản liên quan đến Trương Mỹ Lan bị kê biên, chỉ có khoảng 60 tài sản được bị cáo mua trước năm 2012, còn lại khoảng 1.109/1.169 tài sản bị cáo mua sau năm 2012 (chiếm 94,8%). Thời điểm hình thành các tài sản trên trùng với thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.

Hơn nữa kết quả hỏi cung các bị cáo Hồ Bửu Phương, Nguyễn Phương Anh xác định các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hầu hết không có hoạt động kinh doanh, kinh phí hoạt động phần lớn từ nguồn các khoản vay rút ra khỏi SCB. Quá trình điều tra, tại phiên tòa các bị cáo Bùi Anh Dũng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung đều khai bị cáo Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB để mua, đầu tư dự án bất động sản.

Trong phiên tòa ngày 1/4, Viện kiểm sát cũng đưa ra nhiều lập luận khẳng định Trương Mỹ Lan chi phối, điều hành SCB, là chủ thể tội tham ô tài sản. Bị cáo Lan chiếm đoạt, sử dụng toàn bộ tiền chiếm đoạt nên phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ hơn 677.000 tỷ đồng cho SCB.

Cáo trạng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao xác định trong 10 năm (từ 2012 đến 2022), SCB đã giải ngân cho nhóm bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bà Lan còn 1.284 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng (483.000 tỷ đồng dư nợ gốc, 193.000 tỷ tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.

Tin mới lên