Ngân hàng

NHNN hút tiền và phản ứng nhạy cảm của thị trường

(VNF) - NHNN liên tục có động thái hút tiền nhằm điều tiết lãi suất liên ngân hàng, kìm hãm đà tăng của tỷ giá USD/VND. Động thái này lập tức tác động lớn đến tỷ giá, lãi suất điều hành và thị trường chứng khoán.

NHNN hút tiền và phản ứng nhạy cảm của thị trường

Ảnh minh hoạ

Chỉ dấu chính sách qua kênh tín phiếu

Ngày 21/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu sau hơn 6 tháng tạm ngưng trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp nhất kể từ 2021.

Tính đến ngày 12/10, NHNN đã có 16 phiên liên tiếp phát hành tín phiếu và hút ra khỏi hệ thống gần 185.700 tỷ đồng. Động thái hút tiền về của NHNN được cho là nhằm kìm hãm đà tăng của tỷ giá USD/VND, trong bối cảnh đồng USD trên thị trường quốc tế vẫn mạnh.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO Công ty AFA Capital, đánh giá: mục tiêu phát hành tín phiếu của NHNN thông thường nhằm điều tiết lãi suất thị trường liên ngân hàng. Ngoài ra, việc phát hành tín phiếu cũng có tác dụng rút bớt tiền từ các ngân hàng thương mại về NHNN.

Công ty chứng khoán MayBank nhận định, đây là bước đi có tính toán kỹ từ việc quan sát thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng. Với bước đi này, NHNN chưa cần phải sử dụng đến công cụ bán ngoại hối như năm ngoái. NHNN đang tính toán lượng hút tiền qua tín phiếu một cách thận trọng để đảm bảo liều lượng vừa đủ sao cho đạt các mục tiêu là đẩy lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lên, từ đó giảm bớt áp lực cho tỷ giá mà không gây gián đoạn thanh khoản và đảm bảo lãi suất thực của nền kinh tế tiếp tục xu hướng giảm.

Như chính lãnh đạo NHNN chia sẻ, thời gian tới, NHNN sẽ làm đồng thời cả 2 nhiệm vụ. NHNN vẫn hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá của các ngân hàng thương mại trong ngắn hạn, lượng hút là vừa đủ để cân bằng tỷ giá bước đầu và không gây ra căng thẳng thanh khoản trên liên ngân hàng. Cùng với đó, nhà điều hành tiếp tục ban hành các chính sách giúp lãi suất thị trường 1 giảm và tín dụng khơi thông.

Theo nhận định, hành động này của NHNN có thể kéo dài đến cuối năm, trước khi có những dấu hiệu mới đối với nền kinh tế. Điều này là hợp lý vì sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, việc để một lượng tiền VND lớn dư thừa trong hệ thống ngân hàng thương mại là không cần thiết, đồng thời còn khiến lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh về mức rất thấp.

Phản ứng nhạy cảm tức thì

Từ đầu tháng 5 đến tháng 9, lãi suất liên ngân hàng đã liên tục giảm sâu, duy trì ở vùng đáy lịch sử (0,1% - 0,2%/năm) được thiết lập vào những tháng cuối năm 2020 trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa do tăng trưởng tín dụng ở mức thấp. Điều này đã gây ra sức ép lên tỷ giá khi chênh lệch lãi suất giữa USD/VND lên tới 4 - 5 điểm % đối với các kỳ hạn dưới 1 tháng, nhất là khi đồng bạc xanh liên tục tăng giá trên thị trường quốc tế.

Theo số liệu NHNN công bố, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm trong những phiên đầu tháng 10 đều duy trì ở mức trên 1%. So với mức ghi nhận vào phiên 20/9, thời điểm trước khi NHNN mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu, lãi suất qua đêm liên ngân hàng tại ngày 5/10 đã tăng lên gấp 6-8 lần.

Trước tình trạng lãi suất liên ngân hàng giảm sâu, NHNN lập tức tăng quy mô tín phiếu phát hành. Trong phiên 12/10, NHNN đã rút ra khỏi hệ thống gần 20.000 tỷ đồng. Vài phiên trước đó, khi lãi suất qua đêm tăng lên, NHNN đã giảm mạnh lượng tín phiếu phát hành. Trong phiên giao dịch cuối tháng 9, NHNN chỉ hút khỏi hệ thống 3.800 tỷ đồng. Ở phiên 9/10, khối lượng phát hành cũng chỉ gần 5.000 tỷ đồng.

Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng được kỳ vọng sẽ nhích tăng dần, từ đó tăng sức hấp dẫn của việc nắm giữ VND, giảm áp lực giảm giá của đồng nội tệ.

Xét trên góc độ tỷ giá, áp lực giảm giá của VND trong thời gian gần đây tăng lên đáng kể, đặc biệt khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gửi đi thông điệp về việc có thể có thêm một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay. Lập tức, chỉ số sức mạnh DXY đồng USD đã tăng lên trên 105 điểm, tương ứng mức tăng 5% trong chỉ một tháng.

Mức chênh lệch lãi suất giữa VND và USD ngày càng tăng đã dẫn đến hiện tượng đầu cơ ngoại tệ trong hệ thống, gây sức ép lên tỷ giá. Bên cạnh đó, đồng USD tăng cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Những điều này khiến áp lực tỷ giá gia tăng và NHNN phải có những động thái can thiệp khi phát hành tín phiếu để hút bớt thanh khoản dư thừa ra khỏi hệ thống.

Việc NHNN hút tiền về đã giúp nâng mặt bằng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, đồng thời thu hẹp chênh lệch với lãi suất USD, từ đó giảm hiện tượng đầu cơ ngoại tệ, giảm sức ép lên tỷ giá. Tỷ giá USD/VND sau giai đoạn tăng nóng cuối tháng 9 đang có xu hướng dần ổn định, biến động trong biên độ hẹp.

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng động thái hút tiền qua kênh tín phiếu của NHNN không nhằm thắt chặt hay đảo ngược chính sách nới lỏng hiện tại mà chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời trong ngắn hạn để hạn chế đầu cơ tỷ giá và giữ vững ổn định vĩ mô trong nước.

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích - Công ty Cổ phần chứng khoán VNDirect, đợt biến động USD mạnh năm ngoái đến từ việc cộng hưởng nhiều yếu tố như áp lực tỷ giá, sự kiện sai phạm về phát hành trái phiếu tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát khiến thanh khoản của hệ thống ngân hàng đột ngột thắt chặt buộc NHNN phải nâng lãi suất điều hành.

Ngược lại, thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện rất dồi dào, thậm chí là dư thừa do tăng trưởng tín dụng yếu. Năm nay, tỷ giá cũng được hỗ trợ bởi nguồn cung dồi dào hơn từ thặng dư thương mại. Vì thế, áp lực tỷ giá năm nay sẽ không làm đảo chiều chính sách nới lỏng tiền tệ của NHNN. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay vẫn sẽ có điều kiện để duy trì ở vùng thấp nhằm hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế.

Trên thị trường chứng khoán, sau ba quý hồi phục mạnh mẽ nhờ xu hướng hạ nhiệt của lãi suất, đà tăng của VN-Index đã có phần chững lại trong một tháng gần đây. Thị trường chứng khoán sụt giảm sau động thái hút tiền của nhà điều hành tiền tệ.

Nhiều chuyên gia nhận định nguyên nhân là nhà đầu tư lo ngại đây là dấu hiệu khả năng đảo chiều chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt và điều này ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý lên nhóm cổ phiếu “nhạy cảm”: chứng khoán, ngân hàng và bất động sản.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Chủ tịch Công ty Cổ phần FIDT, động thái hút tiền của NHNN sẽ khiến thị trường dễ điều chỉnh nhưng không quá đáng ngại. Trong trung hạn, xu hướng vĩ mô và thị trường chứng khoán vẫn tốt.

Đồng quan điểm, ông Trần Minh Hoàng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích, Công ty VCBS, cho hay động thái hút tiền giúp NHNN đạt được mục tiêu ổn định tỷ giá cũng có nghĩa là giúp đà tăng trưởng cũng như sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên bền vững hơn.

Tin mới lên