Ngân hàng

NHNN tiếp tục hút 10.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu

(VNF) - Trong phiên 22/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút 10.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Qua 2 phiên, NHNN hút ròng gần 20.000 tỷ đồng. Việc NHNH quay trở lại hút tiền khỏi hệ thống được đánh giá là hợp lý, nhằm giảm bớt sự dư thừa thanh khoản và hạ nhiệt vấn đề tỷ giá.

NHNN tiếp tục hút 10.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu

NHNN công bố, trong phiên hôm nay (22/9), cơ quan này tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Có 5 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng là 10.000 tỷ đồng, lãi suất 0,5% - thấp hơn phiên hôm qua (0,69%).

Trên kênh cầm cố giấy tờ có giá, tiếp tục không có nghiệp vụ mới phát sinh và lượng lưu hành vẫn duy trì ở mức 0. Tính chung, NHNN đã rút ra khỏi hệ thống 10.000 tỷ đồng trong phiên giao dịch 22/9.

Trước đó, trong phiên 21/9, NHNN cũng đã chào thầu thành công 9.995 tỷ đồng tín phiếu cho 2 thành viên thị trường với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 0,69%; qua đó rút khỏi hệ thống ngân hàng lượng tiền tương ứng.

Như vậy, trong 2 phiên giao dịch vừa qua, NHNN đã hút ròng gần 20.000 tỷ ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu.

Động thái hút tiền khỏi thị trường của NHNN trong 2 phiên gần đây diễn ra trong bối cảnh thanh khoản hệ thống liên tục dư thừa.

Số liệu mới công bố của NHNN cho thấy tín dụng vẫn đang tăng trưởng rất chậm, tính đến 15/9 mới chỉ đạt 5,56% (trong khi định hướng cả năm khoảng 14-15%) và chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức 5,33% đến cuối tháng 8.

Các chuyên gia đánh giá việc NHNH quay trở lại hút tiền khỏi hệ thống ngân hàng là hợp lý, nhằm giảm bớt sự dư thừa thanh khoản và hạ nhiệt vấn đề tỷ giá.

Việc cơ quan quản lý mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu được kỳ vọng giảm bớt sự dư thừa thanh khoản hệ thống và tạo ra áp lực làm tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Điều này sẽ tác động tích cực đến tỷ giá, vốn đang chịu áp lực lớn do sự trái ngược trong chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Việt Nam.

Kể từ đầu năm đến nay, NHNN hạ lãi suất 4 lần, tổng cộng từ 1,25-1,5 điểm %. Cùng thời gian đó, Fed cũng đã thắt chặt thêm 4 lần, nâng lãi suất thêm 1 điểm %.

Sự trái chiều về chính sách tiền tệ được thể hiện rõ nhất qua chênh lệch lãi suất USD – VND liên ngân hàng liên tục duy trì ở mức cao (4-5 điểm % ở kỳ hạn qua đêm) trong suốt 3 tháng qua. Điều này đã và đang kích thích hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất, tạo nên áp lực mất giá tiền Đồng. Và thực tế, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng qua đã tăng khoảng 800 đồng so với cuối tháng 6, tương đương tăng 3,3%.

Trong bối cảnh Fed thể hiện quan điểm "diều hâu" hơn sau cuộc họp vừa qua, động thái mở lại kênh hút tiền dường như cũng phát đi tín hiệu về sự tinh chỉnh trong chính sách tiền tệ của NHNN.

Nói về hành động thắt chặt tiền tệ trở lại này, ông Huỳnh Minh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư FIDT - nhìn nhận việc này là hợp lý trong bối cảnh thanh khoản trong hệ thống quá dư thừa, đồng thời giúp giảm áp lực tỷ giá và hạn chế bớt đầu cơ tỷ giá.

Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Báu - CEO Wi Group - cho rằng, việc mở lại kênh phát hành tín phiếu là quyết định chính xác từ phía nhà điều hành để giảm thiểu đầu cơ tỷ giá trong hệ thống.

Hệ thống tài chính của Việt Nam đang gặp một vấn đề khá lớn là thanh khoản thị trường liên ngân hàng dư thừa rất nhiều nhưng tín dụng ra nền kinh tế lại rất ì ạch. Có thể thấy rõ đang có sự ngắt kết nối giữa hai thị trường và điều này sẽ để lại những hệ quả đối với hệ thống tài chính, trong đó ba hệ quả trước mắt là: giá tài sản tài chính sẽ tăng, tỷ giá sẽ chịu áp lực và nền kinh tế phục hồi chậm. Để giải quyết vấn đề này thì sự điều chỉnh chỉnh sách cân bằng hơn là điều cần thiết.

Ông Báu nhận định, thời gian tới, NHNN sẽ làm đồng thời cả 2 nhiệm vụ, một mặt hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá của các NHTM trong ngắn hạn, lượng hút là vừa đủ để cân bằng tỷ giá bước đầu và không gây ra căng thẳng thanh khoản trên liên ngân hàng. Bên cạnh đó, nhà điều hành sẽ tiếp tục ban hành các chính sách giúp lãi suất thị trường 1 giảm và tín dụng khơi thông.

Tin mới lên